Đời sống xã hội

Thực hiện đồng bộ các giải pháp để phát triển ngành nghề nông thôn

Phương Minh 11/12/2023 - 15:42

“Phát triển ngành nghề nông thôn nhằm phát huy tiềm năng của khu vực nông thôn, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, tăng thu nhập, tạo việc làm và cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của người dân; góp phần bảo vệ môi trường, tôn tạo, giữ gìn cảnh quan, phát huy truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc; phát triển kinh tế nông thôn gắn với mục tiêu nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh” - Đó là mục tiêu chung được đề ra trong Chiến lược phát triển ngành nghề nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 1058/ QĐ-TTg, ngày 14/9/2023.

Như chúng ta đều biết, phát triển ngành nghề nông thôn và nhiệm vụ đào tạo nghề cho người lao động giữ vai trò rất quan trọng đối với chuyển dịch cơ cấu lao động nông nghiệp, nông thôn, phát triển nông nghiệp. Nông nghiệp nước ta trước đây là nền nông nghiệp sản xuất nhỏ, lạc hậu, phụ thuộc chủ yếu vào tự nhiên. Sự phát triển của sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất lớn, ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ hiện đại gắn với kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế đòi hỏi phải có một chiến lược phát triển ngành nghề nông thôn dài hạn.

Đáp ứng đòi hỏi khách quan đó, trong chiến lược phát triển ngành nghề nông thôn đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng của nhóm ngành nghề nông thôn đạt khoảng 6%- 7%/năm; thu nhập bình quân lao động trong các hoạt động ngành nghề nông thôn gấp 2,5 - 3 lần so với năm 2020. Tỉ lệ lao động qua đào tạo khu vực ngành nghề nông thôn là 80% và tỉ lệ được cấp bằng, chứng chỉ đạt 35%. Hình thành các vùng nguyên liệu tập trung, ổn định đáp ứng 70% nhu cầu phát triển ngành nghề nông thôn.

Đến năm 2045, ngành nghề nông thôn tiếp tục mang lại thu nhập, tạo việc làm cho lao động ở nông thôn, góp phần vào tăng trưởng chung của nền kinh tế; phát triển theo hướng bền vững, thông minh, thân thiện với môi trường, gắn với xây dựng không gian nông thôn xanh, sạch, đẹp; gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử và truyền thống của các vùng, miền.

Để thực hiện đạt mục tiêu phát triển ngành nghề nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, nhiệm vụ đặt ra là các cấp, ngành, địa phương cần tập trung nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách cho phát triển ngành nghề nông thôn, khuyến khích, hỗ trợ các thành phần kinh tế đầu tư vào ngành nghề nông thôn. Nghiên cứu xây dựng chính sách, giải pháp nhằm đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, bảo đảm quản lý thống nhất, hiệu lực, hiệu quả; phát huy tính chủ động, sáng tạo, trách nhiệm của từng cấp, ngành, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu; tăng cường phân cấp đi đôi với giám sát, kiểm tra.

Cùng với đó, tăng cường mô hình liên kết giữa doanh nghiệp - hợp tác xã - người dân, trong đó doanh nghiệp giữ vai trò chủ đạo, nòng cốt, dẫn dắt; hợp tác xã là trung gian giữa doanh nghiệp và người dân. Khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp, hiệp hội xây dựng các trung tâm sáng tạo, chương trình khởi nghiệp của hoạt động ngành nghề nông thôn. Ứng dụng máy móc, thiết bị công nghệ và hỗ trợ cải tạo, nâng cấp cơ sở sản xuất, kinh doanh ngành nghề. Đẩy mạnh xây dựng thương hiệu, sở hữu trí tuệ, chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc sản phẩm ngành nghề nông thôn, làng nghề. Đầu tư cụm công nghiệp làng nghề phù hợp với quy hoạch và điều kiện của địa phương.

Mặt khác, khuyến khích và hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư các vùng nguyên liệu tập trung, quy mô lớn, có chứng chỉ bền vững, phù hợp tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc tế, thích ứng với biến đổi khí hậu. Hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng trong vùng nguyên liệu phục vụ sản xuất, khai thác, sơ chế, chế biến; chuyển giao các loại giống mới, năng suất cao, đảm bảo chất lượng. Tập trung xử lý ô nhiễm môi trường tại các làng nghề, làng nghề truyền thống; kiên quyết di dời cơ sở sản xuất gây ô nhiễm vào các cụm công nghiệp. Khuyến khích sử dụng nguyên liệu tái tạo, thân thiện môi trường và tận dụng các phế, phụ phẩm của nguyên liệu làm đầu vào cho sản phẩm khác.

Chú trọng đào tạo nâng cao tay nghề; bổ sung các kiến thức về khoa học công nghệ, thiết kế, đổi mới mẫu mã sản phẩm cho người lao động. Xây dựng mô hình liên kết đào tạo giữa các cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất trong lĩnh vực ngành nghề nông thôn. Phát triển du lịch làng nghề, du lịch trải nghiệm, du lịch sinh thái mang tính đặc trưng vùng, miền. Nâng cao năng lực dự báo thị trường sản phẩm ngành nghề nông thôn; hỗ trợ năng lực tiếp cận thị trường cho doanh nghiệp, hợp tác xã và cơ sở sản xuất gắn với các chương trình xúc tiến thương mại.

Nông nghiệp nước ta được định hướng sẽ đi lên sản xuất lớn hiện đại, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Thực hiện chiến lược phát triển ngành nghề nông thôn đòi hỏi phải khai thác các nguồn vốn từ nhiều chương trình, dự án; thực hiện liên kết nhiều nhà: Nhà nước, nhà sản xuất, nhà kinh doanh, nhà khoa học, trong đó vai trò của các hộ làm nghề, cơ sở sản xuất, doanh nghiệp giữ vai trò chủ đạo để phát triển sản xuất ngành nghề nông thôn.

Điều đó cần có cách nhìn nhận mới làm thay đổi tư duy trong phát triển ngành nghề nông thôn và đào tạo nghề; thực hiện các giải pháp một cách đồng bộ từ Chính phủ, doanh nghiệp đến các địa phương. Tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền và người dân về vai trò, tầm quan trọng của phát triển ngành nghề nông thôn trong phát triển KT-XH.

(0) Bình luận
Nổi bật
Thủ tướng: Trẻ em là hạnh phúc của mỗi gia đình, là tương lai của đất nước
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ đầu tư cho trẻ em là đầu tư cho tương lai đất nước; làm tốt công tác này là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, gia đình, nhà trường, toàn xã hội.
Tin mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO