UBND tỉnh Gia Lai vừa ban hành Kế hoạch số 3456/KH-UBND, về việc thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững năm 2024 trên địa bàn tỉnh Gia Lai. Theo đó, vào cuối năm 2024 tỷ lệ hộ nghèo còn 6,11%.
Theo đó, UBND tỉnh Gia Lai đang tập trung mọi nguồn lực với quyết tâm cao để đề ra mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025) còn 6,11% vào cuối năm 2024; mức giảm tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025) ở mức 2%; tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm 3%; tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả các Dự án, Tiểu dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trong năm 2024 triển khai trên địa bàn tỉnh.
Cụ thể, 04 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chính đã được đề ra gồm: Xây dựng kế hoạch giảm nghèo, tăng cường trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, cán bộ, công chức, viên chức thực hiện công tác giảm nghèo nhanh và bền vững; thực hiện các dự án, tiểu dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững; thực hiện các chính sách hỗ trợ giảm nghèo chung góp phần nâng cao khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản; thực hiện tốt các phong trào thi đua giảm nghèo, tăng cường hoạt động đỡ đầu, kết nghĩa giữa các địa phương và các ngành, đoàn thể.
Đối với các sở, ban, ngành cấp tỉnh, trên cơ sở các chỉ tiêu, nhiệm vụ được phân công, chủ động phối hợp với các địa phương để triển khai thực hiện. Tập trung các nguồn lực, ưu tiên đầu tư về nhà ở, nước sạch, nhà vệ sinh, thông tin truyền thông cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo đặc biệt tại địa bàn huyện nghèo và các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới để tăng khả năng tiếp cận với các nhu cầu xã hội cơ bản, giảm tỷ lệ các hộ nghèo, hộ cận nghèo và người dân thiếu hụt, không được tiếp cận.
Theo chức năng, nhiệm vụ của sở, ngành, đơn vị, trong quá trình xây dựng, thực hiện các đề án, dự án, mô hình phát triển kinh tế - xã hội cần đánh giá, dự kiến mức độ tác động tiêu cực, tích cực, hiệu quả đối với người nghèo, người cận nghèo, người dân tộc thiểu số và đối với các mục tiêu giảm nghèo của địa bàn thực hiện; lồng ghép các nguồn lực để tạo mọi điều kiện cho hộ nghèo, hộ cận nghèo có việc làm, tăng thu nhập và thoát nghèo bền vững.
Phát động phong trào thi đua giữa các phòng, ban đơn vị trong cơ quan trong công tác giảm nghèo nói chung, thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn tác động đến mục tiêu giảm nghèo nói riêng; tích cực vận động cán bộ công chức, viên chức và người lao động trong cơ quan tích cực tham gia, ủng hộ các đợt phát động ủng hộ người nghèo như “Quỹ vì người nghèo”.
Tham mưu UBND tỉnh đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về giảm nhanh và bền vững tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2017-2020 và định hướng đến năm 2025; đánh giá kết quả thực hiện Chương trình giảm nghèo năm 2024.
Đối với UBND các huyện, thị xã, thành phố: Cần bám sát các chỉ tiêu, nhiệm vụ giảm nghèo đã được UBND tỉnh giao để xây dựng Kế hoạch thực hiện Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững cấp huyện năm 2024. Gửi Kế hoạch giảm nghèo năm 2024 của địa phương về Sở Lao động-Thương binh và Xã hội trước ngày 31/01/2024 để tổng hợp.
Giao nhiệm vụ các ban, ngành, đoàn thể và thành viên Ban chỉ đạo các chương trình MTQG cấp huyện hỗ trợ UBND cấp xã phường, thị trấn xây dựng Kế hoạch giảm nghèo cấp xã năm 2024. Giao thành viên Ban chỉ đạo phụ trách đơn vị xã tham gia thẩm định Kế hoạch giảm nghèo cấp xã của địa phương được giao phụ trách và đôn đốc, chỉ đạo thực hiện trong năm.
Triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ sản xuất, đa dạng hóa sinh kế theo hướng tiếp cận mới, nghiên cứu thực hiện hỗ trợ một phần có điều kiện, bảo toàn một phần nguồn vốn để luân phiên thực hiện cho các đối tượng khác cùng thụ hưởng. Lồng ghép việc thực hiện các chính sách hỗ trợ giảm nghèo chung và các chính sách giảm nghèo đặc thù với các dự án thuộc các chương trình MTQG ở các xã, thôn/làng đặc biệt khó khăn và các chương trình, dự án phát triển kinh tế, xã hội.
Thực hiện chính sách hỗ trợ người nghèo, cận nghèo: miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập, hỗ trợ tiền điện, mua thẻ BHYT, trợ cấp xã hội hàng tháng cho đối tượng bảo trợ xã hội... Chú trọng các xã có tỷ lệ hộ nghèo cao. Quản lý, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực phục vụ giảm nghèo; Gắn công tác giảm nghèo với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; giao chỉ tiêu giảm nghèo cụ thể cho từng xã, phường, thị trấn, phân công rõ ràng trách nhiệm cho các phòng, ban chức năng, hội, đoàn thể trong công tác giảm nghèo.
Mở rộng và tạo điều kiện để tăng cường sự tham gia của người dân từ việc xác định đối tượng thụ hưởng đến việc lập kế hoạch, triển khai, giám sát và đánh giá kết quả thực hiện bảo đảm tính công khai, minh bạch và trách nhiệm trong suốt quá trình thực hiện chương trình. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thực hiện Chương trình giảm nghèo ở các cấp, phát huy quyền giám sát của người dân ở các vùng hưởng lợi chương trình, dự án.
Vận động huy động các nguồn lực tự nhiên của địa phương, nguồn lực con người từ cộng đồng, người dân, bằng nhiều hình thức như: ủng hộ ngày công lao động, vốn, kinh nghiệm sản xuất... giúp đỡ người nghèo khắc phục khó khăn vươn lên thoát nghèo; sử dụng khai thác có hiệu quả tiềm năng thế mạnh của địa phương phục vụ cho công tác giảm nghèo...
Cùng với đó, đề nghị Ủy ban MTTQVN tỉnh hướng dẫn Ủy ban MTTQVN các cấp phối hợp với UBND và các tổ chức chính trị - xã hội cùng cấp đẩy mạnh thực hiện Chương trình phối hợp số 3067/CTrPH-UBND-BTTUBMTTQ ngày 9/7/2017 về việc thực hiện giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.
Phát huy vai trò của Ủy ban MTTQVN và các tổ chức thành viên các cấp trong công tác tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với công tác giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025; lồng ghép thực hiện các phong trào, các cuộc vận động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên phát động, nhất là Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào 12 dân tộc thiểu số để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững” với thực hiện Phong trào “Gia Lai chung tay vì người nghèo”.
Vận động các tổ chức, cá nhân tham gia hỗ trợ các nguồn lực giúp người nghèo, hộ nghèo, hộ cận nghèo vươn lên thoát nghèo. Đẩy mạnh công tác giám sát, phản biện đối với việc thực hiện các chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác giảm nghèo bền vững.