Trải qua nhiều khó khăn trong cuộc sống, nhờ gắn bó với nghề, nhiều chị em phụ nữ yếu thế vượt qua nghịch cảnh, vươn lên thoát nghèo và có cuộc sống ổn định.
TẬN TỤY VỚI NGHỀ
Bà Trần Thị Đào (63 tuổi) được nhiều người gọi bằng cái tên quen thuộc là dì Xuân. Bà hiện sinh sống tại ấp Trường Thiện, xã Trường Hòa, thị xã Hòa Thành và đã có 43 năm gắn bó với nghề bán chè, xôi tại chợ Quy Thiện. Nhiều người ăn chè, xôi của bà Xuân đều tấm tắc khen ngon. Có người còn xin số điện thoại để tiện liên hệ đặt bà nấu khi gia đình có đám tiệc. Bà tự hào khoe từ khi bắt đầu “nghiệp” bán chè, xôi đến giờ, chưa nghe ai- cả người quen cũng như người lạ- chê dở bao giờ.
Bà vẫn nhớ những ngày tháng đầu khởi nghiệp. Sau khi ly hôn, bà dắt 2 con- đứa con trai 2 tuổi và đứa con gái vừa tròn 7 tháng tuổi về nhà ba mẹ rồi bắt đầu mưu sinh với nghề bán sương sâm. Để kiếm thêm thu nhập, bà lấy thêm chè, xôi vào bịch sẵn của bạn hàng ngoài chợ, rong ruổi trên chiếc xe đạp đi bán khắp nơi. Rồi đến một ngày bạn hàng nghỉ nấu chè, xôi, thế là bà mua nguyên liệu rồi học cách nấu của người xưa.
Qua nhiều năm, các con bà Xuân đều đã trưởng thành. Bà đã có một chỗ bán cố định tại chợ Quy Thiện chứ không còn đạp xe đi bán như ngày trước. Vốn chịu thương, chịu khó, người phụ nữ đơn thân này mỗi khi tan chợ về lại bắt đầu ngâm các loại đậu trắng, đậu đen, nếp. Khoảng 4 giờ chiều khi các hạt đậu trắng nở đều, bà bắt đầu vo đậu để loại bỏ lớp bụi bẩn và những hạt lép. Lò bếp củi bà nhóm sẵn. “Để chè đậu trắng ngon, đậu phải được lựa kỹ, ninh mềm nên dì nấu trước. Rồi khoảng 2 giờ sáng dì thức dậy nấu đến 6 giờ là xong tất cả gồm chè đậu trắng, đậu đen, xôi”- bà Xuân nói.
Bà cho biết thêm, để chè, xôi ngon, nếp bà mua phải là nếp Thái loại ngon nhất lấy từ một tiểu thương ở huyện Bến Cầu, các nguyên liệu khác thì mua của chị em bán tại chợ Quy Thiện. Chè, xôi được bà bán với giá 5.000 đồng/bịch, 60.000 đồng/kg. Công việc này giúp bà có thu nhập đều đặn trung bình từ 150 đến 200 ngàn đồng/ngày.
Nhiều khi chợ vắng, thưa người, hàng ế ẩm. Khi đó, chị em tiểu thương trong chợ mỗi người vui vẻ ủng hộ một, hai bịch giúp bà. Nhưng bù lại, mỗi khi vào các dịp rằm lớn của đạo Cao Đài, nhiều khách đặt chè, xôi cúng rằm, bà làm việc không kể ngày đêm và kiếm được kha khá.
Bà cho hay, công việc không phải lúc nào cũng suôn sẻ, đặc biệt trong đợt dịch Covid-19 vừa qua. Vợ chồng người con trai bà thất nghiệp, mọi chi phí trong gia đình, tiền học cho cháu nội đều một tay bà gánh vác, nguồn vốn cũng cạn dần. Cũng may, với tính cách ôn hòa được nhiều người yêu mến cộng thêm tính chịu thương chịu khó, bà Xuân được các mối cung cấp nguyên liệu cho nợ tiền hàng, Hội Phụ nữ hỗ trợ nguồn vốn 5 triệu đồng không lãi suất để bà vượt qua khó khăn. Bà Xuân chia sẻ: “Cuộc sống có lúc này lúc kia nhưng dì chưa bao giờ nghĩ là sẽ từ bỏ nghề bán chè, xôi. Mỗi khi nhà có việc phải nghỉ bán một hai ngày là dì thấy nhớ nên phải cố gắng sắp xếp để bán lại”.
VƯỢT KHÓ ĐỂ THOÁT NGHÈO
Cùng là phụ nữ yếu thế như bà Xuân, bà Đỗ Thị Tuyết Dàng (51 tuổi), ngụ tại ấp Long Khương, xã Long Thành Nam, thị xã Hòa Thành gắn bó với nghề mua ve chai đã hơn 30 năm nay. Nghề này đã giúp gia đình bà từ hộ nghèo vươn lên thoát nghèo.
Bà Dàng kể lại, sau khi lập gia đình, các con (1 trai, 2 gái) lần lượt ra đời. Đứa con gái nhỏ không may bị thiểu năng trí tuệ nên việc chăm nom các con vất vả hơn những gia đình bình thường khác rất nhiều. Chồng bà làm nghề đóng hòm thời vụ, thu nhập bấp bênh không đủ chi tiêu và lo cho các con trong gia đình. Để vượt qua khó khăn về kinh tế và có thời gian chăm lo cho đứa con thơ dại, bà theo mẹ chồng học nghề mua ve chai.
Theo mẹ chồng học được một thời gian, bà bắt đầu tự lập. Lúc đầu, bà chạy xe đạp rao mua ve chai từ xã này qua xã khác mà ít có người gọi bán. Đến những tháng cuối năm vẫn không mua được gì, vài năm liền không được quà tết của chủ vựa, nhưng không vì thế mà bà nản lòng, vẫn kiên trì bám nghề.
Vốn bản tính chân chất, thật thà nên bà được mọi người yêu mến. Khách lạ thành mối quen. Người này giới thiệu người kia, trong nhà có đồ ve chai, họ để riêng một góc, nghe tiếng rao của bà là gọi lại. Dần dần, bà có được nhiều mối bán ve chai và kiếm được thu nhập từ đó.
Bà Dàng cho biết thêm: “Giờ nhà nào cũng có điện thoại, nên công việc của tôi cũng dễ dàng hơn. Khi có đồ ve chai là họ gọi điện thoại, tôi chạy xe máy đến ngay, không phải đi rao như ngày trước nữa”. Để tiện việc chăm sóc gia đình và lo cho con gái bị bệnh, bà chỉ mua ve chai ở các xã gần nhà như xã Trường Tây, Trường Hòa, Long Thành Nam.
Đợt dịch vừa qua, bà bị hụt vốn nên gặp nhiều khó khăn. May nhờ có nguồn vốn hỗ trợ của Hội Phụ nữ. Ve chai mua về, bà phân loại tại nhà. Khoảng 1 tuần là đầy ắp, chủ vựa cho xe tải nhỏ đến nhà cân và chở về nên bà không cần phải mang đến vựa mỗi ngày như trước. Công việc ổn định giúp bà có thu nhập trung bình mỗi tháng từ 3 đến 5 triệu đồng.
Các con bà giờ đây đã trưởng thành. Đứa con gái lớn đã có gia đình riêng, đứa con trai đi làm xí nghiệp trong tỉnh, mỗi tháng đều trích 3 triệu tiền lương tặng mẹ. Đứa con gái út được nhận trợ cấp xã hội 520 ngàn đồng/tháng. Số tiền này được bà trích một phần mua bảo hiểm xã hội tự nguyện để con có khoản tài chính tự lo cho bản thân lúc về già.
Bà Nguyễn Thị Nhã Trúc- Phó Chủ tịch Hội LHPN thị xã Hòa Thành cho biết: “Sau dịch Covid-19, nhiều hội viên, phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ đơn thân, khuyết tật thiếu vốn để tiếp tục buôn bán nhỏ lẻ nên dễ rơi vào bẫy tín dụng đen. Biết được khó khăn của chị em, Hội đã tiến hành khảo sát và xin chủ trương Thị ủy vận động Công ty TNHH gỗ Thanh Nhàn hỗ trợ không lãi suất 5 triệu đồng/chị. Nhờ nguồn vốn này, các chị không phải vay nóng bên ngoài, vượt qua khó khăn, tiếp tục duy trì và phát triển nghề nghiệp của mình một cách bền vững”.
Bà Xuân và bà Dàng là hai trong 44 phụ nữ yếu thế được Hội LHPN thị xã Hòa Thành xét duyệt thụ hưởng chương trình hỗ trợ vốn không lãi suất cho phụ nữ yếu thế giai đoạn 2022-2024 vượt qua khó khăn do ảnh hưởng dịch Covid -19.