Nhờ thực hiện tốt chương trình vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), làm cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững”, từ một hộ nghèo đa chiều, chị Đinh Thị Anh đã vươn lên trở thành một tấm gương sáng điển hình trong việc xóa đói, giảm nghèo ở thôn Hào Phú, xã Đắk Kan, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum.
Từ huyện nghèo Đà Bắc thuộc tỉnh Hòa Bình, năm 1994, chị Đinh Thị Anh, là người dân tộc Mường, sinh năm 1993, cùng bố mẹ di dân huyện vùng biên Ngọc Hồi. Sống trên mảnh đất mới, “vạn sự khởi đầu nan”, nhất là thời điểm năm 2013, chị Đinh Thị Anh lập gia đình nên lại càng gặp nhiều khó khăn. Tại thời điểm đó, không có đất canh tác nên hai vợ chồng chị Anh đã đăng ký làm công nhân cạo cao su tại Công ty TNHH một thành viên 752 (Binh đoàn 15). Tuy nhiên, lương công nhân không đủ đối với nhu cầu sinh hoạt. Đến năm 2018, do hoàn cảnh kinh tế quá khó khăn, nên gia đình chị bị rơi vào nhóm hộ nghèo đa chiều của thôn.
Cuộc sống đã vốn khó khăn, cơ cực, cái nghèo lại cứ luôn đeo bám gia đình chị. Lúc đó, trong tâm trí của chị lúc nào cũng có suy nghĩ “mình còn trẻ, còn có sức khỏe nên phải cố gắng hơn những người khác”. Quyết tâm thoát khỏi cảnh nghèo, nghĩ thì vậy, nhưng không biết phải làm bằng cách nào, trong khi nhà không có lấy nổi một đồng?
Dường như thấu hiểu nỗi lo của chị Đinh Thị Anh, chính quyền địa phương đã tạo điều kiện để gia đình chị là một trong những hộ đồng bào DTTS ở Kon Tum được hưởng thành quả từ cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS, làm cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững”. Gia đình chị Anh được hỗ trợ 4 triệu đồng để thực hiện mô hình nuôi heo đen. Bước đầu, trong quá trình chăn nuôi, chị Anh đã vấp phải nhiều khó khăn vì bản thân không có kiến thức chăn nuôi, nên heo bị bệnh và sinh trưởng kém. Được thôn cử tham gia các lớp tập huấn về chăn nuôi do xã tổ chức, cùng với sự giúp đỡ của Ban công tác Mặt trận thôn hỗ trợ thêm kiến thức và bản thân nỗ lực học tập, chị đã duy trì tốt mô hình chăn nuôi.
Đồng thời, với việc thực hiện mô hình trên, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã tiếp tục hỗ trợ gia đình chị một cặp heo giống theo Đề án “Mô hình liên kết nuôi heo sạch”. Gia đình chị Anh đã được tiếp cận nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội để phát triển kinh tế. Được vay 70 triệu đồng, chị mạnh dạn đầu tư chăn nuôi, trồng 5ha cây cà phê và lúa nước để phát triển kinh tế.
Tới nay, đời sống kinh tế của nhiều hộ đồng bào DTTS nói chung, gia đình chị Anh nói riêng đã có những bước đổi thay rõ rệt. Đại đa số người dân không còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự giúp đỡ, hỗ trợ của Nhà nước, như hộ gia đình của chị Anh đã biết cách áp dụng khoa học vào sản xuất, chăn nuôi, biết lựa chọn giống cây trồng, vật nuôi phù hợp vào sản xuất để tăng thu nhập cho người dân.
Chị Anh phấn khởi, chia sẻ niềm vui: “Được sự giúp đỡ kịp thời của các ngành, các cấp và nỗ lực của gia đình, cho đến nay, gia đình tôi đã xây dựng được ngôi nhà trị giá 200 triệu đồng. Vợ chồng tôi vẫn giữ được làm công nhân cạo mủ cao su. Bên cạnh đó, gia đình tôi vẫn chăm sóc được cây cà phê, làm ruộng nước để có thể đảm bảo lương thực và làm thêm các việc thời vụ để có thêm thu nhập cho gia đình và trang trải mọi chi phí cho các con được đảm bảo việc học hành”.
Chị Anh bày tỏ: “Được như ngày hôm nay, xin cảm ơn mọi sự giúp đỡ hỗ trợ của Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương đã tạo điều kiện cho gia đình tôi thoát nghèo. Để không phụ sự quan tâm đó, tôi sẽ tiếp tục cố gắng phát triển kinh tế và giúp đỡ các hộ gia đình khó khăn khác vươn lên thoát nghèo, góp phần cùng với các cấp chính quyền thực hiện tốt cuộc vận động làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS ở địa phương”.
Đến cuối năm 2023, sau khi rà soát, đánh giá, kinh tế hộ gia đình chị Anh đã phát triển hơn, có thu nhập và cuộc sống ổn định, gia đình chị Đinh Thị Anh đã được ra khỏi hộ nghèo. Để động viên, khích lệ tinh thần vượt khó vươn lên, ngày 21/3/2024, chị Anh đã được khen thưởng tại Hội nghị sơ kết cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS, làm cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững" của huyện Ngọc Hồi.
Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã, bà Y Máy cho biết: “Khi nhắc tới hộ gia đình chị Đinh Thị Anh, ấn tượng lớn nhất của tôi là chị Anh không biết khuất phục trước khó khăn. Chị Anh là một tấm gương sáng điển hình về sự cần cù, chịu khó, nỗ lực thoát nghèo. Khi nuôi heo bị dịch bệnh chết và không hiệu quả, người phụ nữ dân tộc Mường này vẫn quyết tâm vượt khó để thoát khỏi hộ nghèo”.