Sinh ra và lớn lên ở mảnh đất còn nhiều gian khó nên thấu hiểu được nỗi nhọc nhằn của bà con dân tộc, những năm qua, đồng chí Sùng A Dê (36 tuổi), Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Suối Bu, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái đã có nhiều việc làm thiết thực, hiệu quả, giúp người dân trong xã thoát nghèo, thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương ngày một phát triển.
Suối Bu là xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện Văn Chấn, trình độ dân trí thấp, tỷ lệ hộ nghèo cao (hơn 40%), địa hình giao thông không thuận lợi. Để tháo gỡ cái nghèo, anh Sùng A Dê đã tìm hiểu cách làm giàu từ măng Bát Độ của người Mông xã Hồng Ca, Kiên Thành (huyện Trấn Yên, Yên Bái) và mạnh dạn chuyển đổi diện tích đất canh tác trồng lúa kém hiệu quả của gia đình sang trồng thử nghiệm cây măng Bát Độ. Qua thử nghiệm, anh Sùng A Dê nhận thấy giống cây này rất phù hợp với thổ nhưỡng, cho năng suất cao, thu nhập tốt. Từ thành công của bản thân, anh Sùng A Dê mạnh dạn tham mưu với Đảng ủy, UBND xã thành lập tổ hợp tác trồng măng Bát Độ và tiêu thụ sản phẩm cho nông dân.
Thời gian đầu, nhiều người nghi ngờ cây măng sao có thể làm cuộc sống gia đình ấm no được? Vậy là anh Sùng A Dê tích cực tuyên truyền, vận động, thuyết phục mọi người. Nghe lời anh Dê, lại nhìn cây măng phát triển tốt bời bời, nhiều hộ dân đăng ký chuyển sang trồng măng Bát Độ.
Thuyết phục được người dân trồng măng Bát Độ, anh Sùng A Dê lại chạy đôn chạy đáo tìm người về hướng dẫn cho bà con kỹ thuật trồng và chăm sóc cây măng. Tổ hợp tác Hội Cựu chiến binh cũng được thành lập do đồng chí Sùng A Dê làm Chủ nhiệm đã ký kết hợp tác, bao tiêu toàn bộ sản phẩm nên bà con rất yên tâm trồng và phát triển cây măng Bát Độ.
Trong hai năm 2022 và 2023, bà con đã thu hoạch được hơn 20 tấn sản phẩm măng Bát Độ đầu tiên, mang lại giá trị kinh tế hơn 100 triệu đồng. Giá măng cao và ổn định trong khoảng 5.800 - 6.000 đồng/kg khiến người dân rất phấn khởi, càng có động lực để chăm sóc cũng như nhân rộng diện tích trồng.
Là một trong những hộ tham gia trồng măng Bát Độ từ những ngày đầu, chị Vàng Thị Sư, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn Ba Cầu chia sẻ: “Trồng măng Bát Độ nhàn hơn trồng ngô rất nhiều. Một năm chỉ cần đào đất xung quanh đắp lên gốc măng một lần, sau đó tưới nước, bón phân là có măng thu hoạch. Đây là loại cây đầu tiên chúng tôi trồng mà bán được cả gốc lẫn lá. Trồng măng cũng giúp chống sạt lở và xói mòn đất; đặc biệt, giúp gia đình tôi có thêm thu nhập, kinh tế gia đình cũng đỡ khó khăn hơn so với trước đây”.
Ngoài việc phát triển sản xuất, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Sùng A Dê còn làm tốt công tác tuyên truyền, thành lập mô hình điểm về tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Từ năm 2021 đến nay, Hội Cựu chiến binh xã không còn con em của hội viên nào vi phạm tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống cần phải xử lý...
Nhận xét về anh Sùng A Dê, chị Chu Thị Huế, Phó bí thư Thường trực Đảng ủy xã Suối Bu cho biết: “Từ khi đồng chí Sùng A Dê đưa măng tre Bát Độ về trồng tại Suối Bu đã góp phần xóa đói, giảm nghèo, nâng cao hiệu quả kinh tế cho người dân trong xã”. Những việc làm thiết thực của Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Sùng A Dê không chỉ góp phần giúp người dân trong xã ổn định cuộc sống, thúc đẩy kinh tế địa phương ngày một phát triển, mà còn để lại hình ảnh đẹp của một cựu chiến binh trong lòng người dân nơi vùng biên.