Đời sống

Phụ nữ Tơng Sinh cải tạo đất vườn vươn lên giảm nghèo

PV 22/05/2024 - 05:38

Nhờ thực hiện Cuộc vận động "Thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong phát triển kinh tế hộ gia đình phụ nữ dân tộc thiểu số" (DTTS), đời sống, tư tưởng hội viên, phụ nữ buôn Tơng Sinh, xã Ea Đar (huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk) đã có nhiều thay đổi tích cực.

Đánh giá sau 3 năm thực hiện Cuộc vận động "Thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong phát triển kinh tế hộ gia đình phụ nữ DTTS", Chủ tịch Hội LHPN xã Ea Đar H’Cir Mlô khẳng định, Cuộc vận động đã mang lại ý nghĩa thiết thực, tạo sự ảnh hưởng, lan tỏa sâu rộng đến các hộ gia đình phụ nữ DTTS nghèo tại buôn Tơng Sinh, xã Ea Đar.

Chi hội buôn Tơng Sinh hiện có 6 tổ hội với 253 hội viên. Trong đó, hội viên người DTTS là 204 chị, hội viên theo tôn giáo là 100 chị.

capturecmkl.png
Nhờ nguồn vốn vay ủy thác, chị H'Vin Niê, buôn Tơng Sinh đã phát triển mô hình chăn nuôi đạt hiệu quả kinh tế cao. Ảnh tư liệu

Thực hiện chỉ đạo của Hội cấp trên về triển khai Cuộc vận động "Thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong phát triển kinh tế của hộ gia đình phụ nữ DTTS", năm 2020, chi hội phụ nữ buôn Tơng Sinh đã tập trung tuyên truyền mục đích, ý nghĩa của Cuộc vận động đến các hộ gia đình là phụ nữ DTTS. Đội ngũ cán bộ Hội nòng cốt, các cộng tác viên, tuyên truyền viên là người DTTS có am hiểu về phong tục, tập quán, có kiến thức, kỹ năng đã đến từng hộ gia đình phụ nữ DTTS để giải thích, thuyết phục, động viên các thành viên tích cực hưởng ứng Cuộc vận động.

Để việc thành lập mô hình phát triển kinh tế phù hợp với tình hình thực tế, chi hội phụ nữ buôn Tơng Sinh đã thực hiện khảo sát bằng phiếu đối với trên 50 hội viên DTTS để nắm bắt nhu cầu sản xuất kinh doanh. Kết quả khảo sát cho thấy, nhiều chị em mong muốn cải tạo đất quanh nhà để trồng cây ăn trái, chăn nuôi. Trên cơ sở đó, Chi hội đã thành lập mô hình điểm "Chăn nuôi dê sinh sản cải tạo vườn tạp trồng cây ăn trái phát triển kinh tế của hộ gia đình phụ nữ DTTS". Thành viên nòng cốt của mô hình là nhóm chị em có tinh thần trách nhiệm cao, dám nghĩ dám làm, quyết tâm thay đổi vươn lên giảm nghèo, phát triển kinh tế hộ gia đình. Ban đầu, mô hình thu hút sự tham gia của 10 hộ gia đình.

Được sự quan tâm, động viên của Hội, ý thức bản thân là những người tiên phong, chị em tham gia mô hình quyết tâm thay đổi tư duy, học hỏi, trau dồi kiến thức, kinh nghiệm phát triển kinh tế. Đồng hành với các thành viên, Ban chủ nhiệm mô hình thường xuyên theo sát động viên, khích lệ chị em tự tin, không ngừng cố gắng khẳng định năng lực bản thân.

Giúp các thành viên có kiến thức và nguồn lực phát triển kinh tế, Hội LHPN huyện Ea Kar và Hội LHPN xã Ea Đar đã phối kết hợp với các cơ quan, đơn vị chuyên môn mở lớp tập huấn kiến thức sản xuất cà phê bền vững và kỹ thuật chăm sóc cây ăn trái trồng xen cà phê tại địa phương. Đồng thời, tín chấp từ ngân hàng, tranh thủ các nguồn vốn hỗ trợ phụ nữ Tơng Sinh vốn mua con giống chăn nuôi, mở rộng sản xuất.

Kết quả, 100% thành viên tham gia mô hình đã tiếp cận và phát huy hiệu quả nguồn vốn vay, vươn lên phát triển kinh tế, từng bước thay đổi nếp nghĩ, cách làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống gia đình, góp phần quan trọng xây dựng gia đình hạnh phúc.

Nhờ sự giúp đỡ của các cấp Hội, cộng với sự nỗ lực của bản thân các thành viên, mô hình phát triển và duy trì ổn định, từ những cặp dê giống được hỗ trợ ban đầu, đến nay đã sinh sản được 30 con. Ngoài ra, các hộ đã biết kết hợp giữa chăn nuôi với cải tạo vườn tạp, vườn cà phê già cỗi sang trồng xen canh rau màu, cây ăn trái. Mùa nào thức nấy, phương pháp xen canh cây trồng đã đem lại nguồn thu nhập thường xuyên cho các hộ gia đình.

Nhờ đó, kinh tế của các hộ gia đình phụ nữ DTTS đã ngày càng ổn định, ấm no với mức thu nhập bình quân từ 20 - 30 triệu đồng/năm (tuỳ theo số lượng đàn chăn nuôi). Mức thu nhập này tuy chưa cao nhưng đã khẳng định ý thức chủ động, sự cố gắng vươn lên của các hộ gia đình phụ nữ DTTS, khắc phục sự ỷ lại, trông chờ từ nhà nước.

capture3g.png
Mô hình chăn nuôi dê sinh sản ở Tơng Sinh. Ảnh tư liệu

Kết quả ban đầu thực hiện mô hình thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong phát triển kinh tế hộ gia đình phụ nữ DTTS trở thành nguồn động lực lớn để hội viên, phụ nữ Tơng Sinh không ngừng tìm tòi, nâng cao kiến thức, vượt qua cái nghèo vươn lên làm giàu chính đáng. Từ kết quả này có thể khẳng định, Cuộc vận động "Thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong phát triển kinh tế của hộ gia đình phụ nữ DTTS" buôn Tơng Sinh đã mang lại ý nghĩa thiết thực, tạo sự ảnh hưởng, lan tỏa sâu rộng đến các hộ gia đình phụ nữ DTTS nghèo.

Đến nay, mô hình đã thu hút hơn 60 hộ tham gia, hưởng ứng việc chăn nuôi dê sinh sản để tạo việc làm, thêm thu nhập cải thiện cuộc sống gia đình.

Theo Phụ nữ VN
Copy Link
(0) Bình luận
Nổi bật
Thủ tướng: Trẻ em là hạnh phúc của mỗi gia đình, là tương lai của đất nước
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ đầu tư cho trẻ em là đầu tư cho tương lai đất nước; làm tốt công tác này là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, gia đình, nhà trường, toàn xã hội.
Tin mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO