Phong trào khởi nghiệp đổi mới, sáng tạo trên địa bàn huyện An Phú (An Giang) lan tỏa mạnh mẽ, trong đó có sự tham gia của nhiều hội viên, phụ nữ từ huyện đến cơ sở. Qua đó, góp phần khẳng định vị thế của phụ nữ An Phú trong xây dựng và phát triển quê hương biên giới anh hùng.
Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện An Phú Nguyễn Thị Kim Uyên, cho biết, thực hiện đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025” (gọi tắt là Đề án 939), năm 2023, Hội LHPN huyện đã tham mưu UBND huyện ban hành Kế hoạch 70/KH-UBND thực hiện Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp” năm 2023. Qua đó, cung cấp kiến thức về kinh doanh, khởi nghiệp cho hội viên, phụ nữ; hỗ trợ 17 chị vay vốn, với số tiền 850 triệu đồng từ nguồn vay Ngân hàng Chính sách xã hội.
Đồng thời, giải ngân cho 30 hộ hội viên, phụ nữ xã Vĩnh Hội Đông và xã Phú Hội từ nguồn vốn mô hình sinh kế thuộc chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” và nguồn vốn chương trình hỗ trợ phụ nữ biên cương phát triển kinh tế, với số tiền 300 triệu đồng. Đồng thời, duy trì 7 tổ hợp tác và 2 tổ liên kết sản xuất - kinh doanh do phụ nữ quản lý, với 124 thành viên.
Mừng Xuân Giáp Thìn 2024, Hội LHPN huyện tổ chức Ngày hội trưng bày sản phẩm khởi nghiệp, với 17 gian hàng trưng bày các sản phẩm đặc trưng của địa phương do hội viên hội LHPN các xã, thị trấn quản lý. Trong đó, có những sản phẩm được chứng nhận OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm), như: Khô bò Phú Vinh (thị trấn Đa Phước), Xoài Keo (xã Khánh Bình) và các sản phẩm đang chờ được công nhận, như: Mắm Út Nhanh (xã Vĩnh Hội Đông), dầu đậu phộng Như Ý (xã Phú Hữu) , khô sặc bổi (xã Khánh An), khô lươn (xã Vĩnh Hậu)… Đồng thời, có cả những sản phẩm thủ công mỹ nghệ mang đậm bản sắc truyền thống, như: Dệt thổ cẩm của đồng bào dân tộc thiểu số Chăm, áo bà ba của người dân Nam Bộ, giày dép, túi xách…
Nói về ý nghĩa của hoạt động trưng bày sản phẩm khởi nghiệp, Chủ tịch Hội LHPN huyện An Phú Nguyễn Thị Kim Uyên cho biết: "Trưng bày sản phẩm khởi nghiệp không chỉ là nơi tham quan, mua sắm cho người dân dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, mà còn tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên, phụ nữ về hoạt động khởi nghiệp, phát triển kinh doanh nhằm thay đổi nhận thức, khơi dậy tinh thần khởi nghiệp, tiềm năng, sáng tạo của phụ nữ. Qua đó, phát huy vai trò chủ động của phụ nữ trong kinh doanh, khởi nghiệp; lựa chọn, hỗ trợ hiện thực hóa các mô hình, ý tưởng, đề án kinh doanh, khởi nghiệp để thúc đẩy sản xuất - kinh doanh hiệu quả, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho người lao động".
Chủ tịch Hội LHPN thị trấn Đa Phước Nguyễn Thị Bạch Lê cho biết: "Địa phương đã chọn 2 sản phẩm chủ lực là khô bò Phú Vinh và hàng dệt thổ cẩm của đồng bào Chăm để quảng bá đến người tiêu dùng và khách tham quan, mua sắm để hiểu hơn về thị trấn Đa Phước".
“Đối với xã Vĩnh Lộc, một trong 3 xã bờ Đông sông Hậu (huyện An Phú) với lợi thế nông nghiệp, Hội LHPN xã đã phát huy lợi thế với các loại sản phẩm: Dưa lê, ổi, bưởi da xanh, sen… với thông điệp “Kết nối cung cầu, đồng hành cùng phụ nữ khởi nghiệp” để hội viên, phụ nữ liên kết sản xuất, phát triển kinh tế” - Phó Chủ tịch Hội LHPN xã Vĩnh Lộc Nguyễn Thị Cẩm Hường chia sẻ.
Với những sản phẩm mang đậm chất miền Tây sông nước của huyện đầu nguồn biên giới, như các loại mắm, khô đã làm nên thương hiệu nơi đây. Chủ tịch Hội LHPN xã Khánh An Lê Thị Tuyết Trinh cho biết: “Với những sản phẩm đặc trưng như mắm, nước mắm cá linh, khô các loại… Hội LHPN xã mong muốn mang đến cho người tiêu dùng những sản phẩm chất lượng, an toàn để giới thiệu nhiều người biết hơn về quê hương Khánh An nói riêng và huyện An Phú nói chung”.
Năng động, dám nghĩ, dám làm, nhiều hội viên phụ nữ huyện An Phú đã mạnh dạn khởi nghiệp, tạo ra các sản phẩm mang lại giá trị kinh tế cao. Từ đó, không chỉ giúp chị em làm giàu trên chính quê hương mình, mà còn góp phần bảo tồn các nghề truyền thống, tạo ra sản phẩm nông nghiệp an toàn, thực hiện hiệu quả Chương trình OCOP tại địa phương.