Phát triển - Hội nhập

Nông nghiệp xanh làm ra sản phẩm sạch

CHÍ LINH 20/02/2024 - 13:08

Nông nghiệp xanh là nền nông nghiệp sử dụng hiệu quả tất cả các nguồn tài nguyên sẵn có kết hợp với việc áp dụng đồng bộ các quy trình, công nghệ sử dụng hợp lý, tiết kiệm vật tư đầu vào cho sản xuất. Từ đó, tạo ra sản phẩm sạch, giảm chi phí canh tác, tạo nguồn thực phẩm an toàn cho thị trường.

MẠNH DẠN CHUYỂN ĐỔI

Những năm gần đây, nông nghiệp xanh, nông sản sạch đã trở thành mục tiêu chính trong quy trình sản xuất của nhiều địa phương. Bởi, đây đang dần trở thành xu hướng của người tiêu dùng trong lựa chọn thực phẩm hằng ngày hiện nay. Nông nghiệp xanh không chỉ hướng đến nâng cao tính cạnh tranh của nông sản, phát triển công nghệ xử lý và tái sử dụng phụ phẩm, phế thải, ổn định kinh tế và giúp nông dân có chất lượng cuộc sống tốt hơn, bảo vệ các nguồn tài nguyên và hệ sinh thái nông nghiệp…, mà còn đảm bảo sản xuất nông nghiệp bền vững trên cả trụ cột kinh tế - xã hội và môi trường, góp phần vào sự phát triển kinh tế xanh.

Trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu đã và đang xuất hiện ngày càng nhiều các mô hình sản xuất nông nghiệp xanh, nông nghiệp tuần hoàn. Trong đó, kỹ thuật nuôi tôm tuần hoàn nước được nhiều doanh nghiệp lớn áp dụng và hiện không còn lạ lẫm đối với người nuôi tôm ở Bạc Liêu. Mô hình này giúp giảm chi phí trong giá thành nuôi tôm mà tôm lại sạch bệnh, bán được giá cao. Giới thiệu về những ao nước được bố trí theo hình zíc zắc, ông Lê Anh Xuân - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Công nghệ sinh học Trúc Anh (xã Vĩnh Trạch, TP. Bạc Liêu), chia sẻ: “Đây là mô hình nuôi mới theo hướng tuần hoàn nước, hầu như không dùng nước bên ngoài, giúp tôm lớn nhanh hơn so với cách nuôi thông thường”.

Để thực hiện mô hình này, công ty dành một khoảnh nhỏ đất làm nơi gom nước thải về rồi xử lý (lọc qua các lớp lưới và qua một lớp lọc sinh học), bơm nước đã xử lý lần lượt qua các ao lắng được thiết kế theo hình zíc zắc nhằm đảm bảo nước được lọc sạch hoàn toàn trước khi đưa qua ao thứ 5 rồi bơm ngược trở lại ao nuôi. Do kiểm soát tốt nguồn ô nhiễm nên cả giai đoạn nuôi tôm từ nhỏ tới trưởng thành không phải sử dụng kháng sinh cho tôm, cũng không tốn tiền mua hóa chất xử lý nước, từ đó tiết kiệm được rất nhiều chi phí. “Không dùng kháng sinh nên các bệnh trắng gan, trống ruột, mất tụy trên con tôm đều không có. Mô hình nuôi này cũng chỉ thay nước chưa tới 5% mỗi ngày, thay vì phải thay từ 20 - 30% nước như cách thông thường”, ông Xuân chia sẻ thêm.

Mô hình nuôi tôm tuần hoàn ít thay nước. Ảnh: C.L

Theo Chi cục Thủy sản tỉnh, mô hình nuôi tôm theo hướng tuần hoàn nước như trên chiếm lượng lớn ở Bạc Liêu với khoảng 80% số hộ nuôi, tỷ lệ thành công của nuôi tôm siêu thâm canh đạt hơn 80%. Đặc biệt, loại tôm nuôi đạt cỡ 20 con/kg đang rất phổ biến với mô hình này.

Không chỉ trong lĩnh vực thủy sản, mà trên các cánh đồng, hiện nhiều nông dân cũng đã mạnh dạn chuyển đổi phương thức sản xuất theo hướng xanh, sạch. Dễ nhận thấy nhất là việc giảm lượng giống gieo sạ từ đầu vụ, không bón phân, phun thuốc theo “chu kỳ” cảm quan như trước mà đã có sự kiểm chứng, kiểm soát khối lượng, chỉ cung cấp các loại khoáng chất khi cây lúa cần, phun xịt thuốc khi sâu bệnh tấn công, giảm dần việc sử dụng các loại phân, thuốc hóa học, tác dụng nhanh để chuyển sang sử dụng các sản phẩm có nguồn gốc từ sinh học. Bên cạnh đó, việc quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo “4 đúng”, giảm lượng phân bón vô cơ, đi đôi với nhiều tiến bộ kỹ thuật như “3 giảm - 3 tăng”, “1 phải - 5 giảm”, “kỹ thuật ướt - khô xen kẽ”... Những giải pháp, quy trình kỹ thuật đồng bộ này đã và đang mang lại nhiều lợi ích trong thực tiễn, giúp giảm chi phí sản xuất và giảm gây ô nhiễm môi trường.

Những nghiên cứu đã chỉ ra, ruộng lúa bị ngập nước càng lâu thì lượng khí mê-tan sinh ra càng nhiều. Các ruộng lúa được áp dụng kỹ thuật ướt - khô xen kẽ giúp giảm khoảng 3,5 lần lượng phát thải khí nhà kính so với các ruộng lúa để ngập nước suốt cả vụ.

CẦN ĐỒNG HÀNH CÙNG NÔNG DÂN

Thực tế cho thấy, sản xuất thân thiện với môi trường rất có ích, không chỉ tạo ra sản phẩm sạch, an toàn mà còn góp phần phát triển nông nghiệp bền vững. Tuy nhiên, việc mở rộng các mô hình nông nghiệp xanh đòi hỏi nhiều giải pháp phải được thực hiện đồng bộ, áp dụng phương thức canh tác mới. Do đó, nhiều công đoạn đòi hỏi phải có máy móc, thiết bị, hệ thống xử lý… phù hợp để tạo ra các nông sản sạch. Thế nhưng, việc thiếu vốn, phương tiện sản xuất, khả năng tiếp cận và làm chủ các kỹ thuật canh tác mới, công nghệ mới, vật tư, thiết bị nông nghiệp mới đang là “trở lực” kìm hãm sự phát triển của nông nghiệp xanh, nông nghiệp tuần hoàn. Bên cạnh đó, quy mô sản xuất nhỏ lẻ cũng là một rào cản cho việc áp dụng hình thức sản xuất khép kín, tập trung với diện tích canh tác lớn.

Xã viên Hợp tác xã Ba Đình (xã Vĩnh Lộc A, huyện Hồng Dân) nuôi tôm xen canh trên ruộng lúa.

Để phát triển nông nghiệp xanh, tạo ra nông sản sạch không chỉ cần có sự thay đổi tư duy sản xuất, sự học hỏi và nắm bắt kiến thức mới của nông dân mà các địa phương cũng cần có chính sách đồng hành, hỗ trợ trong việc xây dựng vùng liên kết, kết nối các kênh sản xuất từ đầu vào đến đầu ra… Từ đó, giúp nông dân từng bước tiếp cận phương thức canh tác mới, hướng đến chất lượng, thay vì cứ chạy theo sản lượng như hiện nay. Ông Nông Văn Thạch - Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Ba Đình (xã Vĩnh Lộc A, huyện Hồng Dân) cho biết: “Người tiêu dùng hiện nay rất quan tâm đến nguồn gốc và chất lượng sản phẩm nông sản. Do đó, HTX đang tập trung vào sản xuất lúa gạo theo hướng hữu cơ, xây dựng thương hiệu gạo cho vùng đất lúa - tôm của HTX để từ đó làm sản phẩm chủ lực hướng ra thị trường, nâng cao thu nhập cho bà con xã viên”.

Nhận thức rõ việc hội nhập trong kinh tế nông nghiệp cần những bước đi mạnh mẽ, có tầm nhìn để chuyển đổi sang hệ thống lương thực, thực phẩm xanh, ít phát thải và bền vững, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT - Lê Minh Hoan từng nhấn mạnh: “Việt Nam sẽ phát triển nông nghiệp xanh, nông nghiệp sinh thái thông qua áp dụng đồng bộ các quy trình công nghệ; sử dụng hợp lý, tiết kiệm vật tư đầu vào trong sản xuất; sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên, không ảnh hưởng tới môi trường và sức khỏe con người...”.

Theo Theo baobaclieu
Copy Link
(0) Bình luận
Nổi bật
Thủ tướng: Trẻ em là hạnh phúc của mỗi gia đình, là tương lai của đất nước
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ đầu tư cho trẻ em là đầu tư cho tương lai đất nước; làm tốt công tác này là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, gia đình, nhà trường, toàn xã hội.
Tin mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO