Những ngày đầu năm, khi người người quay trở lại guồng quay công việc, tôi có dịp ngồi trò chuyện cùng những nghệ nhân ưu tú, tài tử trẻ để nghe họ chia sẻ về tình yêu với nghệ thuật Đờn ca tài tử (ĐCTT). Hơn hết là được nghe những kỳ vọng tâm huyết từ những người xem ĐCTT là “nhựa sống” tinh thần của người Nam Bộ từ bao đời nay!
KỲ VỌNG THỬ SỨC Ở SÂN CHƠI MỚI
Gặp nhau vào dịp đầu năm, anh Lâm Chí Ngoán và chị Nguyễn Huỳnh Như (thành viên Câu lạc bộ Âm vang dạ cổ tại Khu lưu niệm nghệ thuật ĐCTT Nam Bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu) không giấu được vẻ phấn khởi khi anh chị vừa đoạt ngôi vị Á quân chương trình “Tài tử miệt vườn 2023 song ca” do Đài PT-TH tỉnh Đồng Tháp tổ chức. Sau hơn 5 tháng tập luyện, cặp đôi này đã vượt qua hơn 300 cặp thí sinh dự thi để giành giải thưởng ấy. Ít ai biết rằng, nghề nghiệp chính của Chí Ngoán là bác sĩ, còn Huỳnh Như là giáo viên.
Sinh hoạt tại Câu lạc bộ Âm vang dạ cổ từ những ngày đầu thành lập, Chí Ngoán và Huỳnh Như đã thử sức ở nhiều cuộc thi trong và ngoài tỉnh để nuôi dưỡng đam mê và không ngừng học hỏi tại các sân chơi lớn. Chia sẻ về hành trình dài tại “Tài tử miệt vườn 2023 song ca”, Chí Ngoán cho biết: “Đến với sân chơi này, chúng tôi muốn mang đến cuộc thi hình ảnh của những tài tử trẻ trên đất Bạc Liêu và đặt mục tiêu đoạt giải thưởng cao về cho quê hương. Qua cuộc thi, tôi đã học hỏi được rất nhiều và mong rằng các bạn trẻ đang theo đuổi môn nghệ thuật ĐCTT hãy tiếp tục vững bước để chinh phục đam mê”.
Còn cô giáo trẻ Huỳnh Như với giọng ca ngọt ngào thì bộc bạch: “Đối với tôi, khó khăn nhất là việc sắp xếp thời gian để vừa có thể hoàn thành công việc, vừa có thể luyện tập và ghép chương trình. Chúng tôi đã nỗ lực rất nhiều để vượt qua những trở ngại bằng chính tình yêu với ĐCTT. Tôi mong thời gian tới sẽ có thêm nhiều sân chơi để người mê ĐCTT nói chung và người trẻ nói riêng có cơ hội thử sức, góp phần mang lời ca tiếng hát của những tài tử xứ Bạc Liêu đi vào tâm thức của khán giả mộ điệu gần xa”.
MONG CHỜ... MĂNG MỌC
Buổi sáng cuối tuần tại quán cà phê quen thuộc, Nghệ nhân ưu tú (NNƯT) Hoài Phương (Phường 8, TP. Bạc Liêu) say sưa trò chuyện cùng những người bạn là những nghệ nhân, tài tử quen mặt tại Bạc Liêu. Sắp đến độ tuổi “thất thập cổ lai hy”, sức khỏe có phần giảm sút nhưng NNƯT Hoài Phương vẫn đứng lớp để dạy ca cho hơn 10 học trò ở nhiều độ tuổi, có người hơn 60, cũng có học trò chỉ mới hơn 10 tuổi. Mong mỏi có thể góp một phần công sức để truyền lửa đam mê nghệ thuật ĐCTT ở Bạc Liêu đến thế hệ trẻ, NNƯT Hoài Phương chia sẻ: “Thời xưa khó khăn trăm bề, nhiều lúc thiếu ăn thiếu mặc nhưng nghệ nhân, tài tử vẫn ngày ngày nuôi dưỡng ngón đờn, giọng ca để ngày nay nghệ thuật ĐCTT trở thành di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Chính vì vậy, người trẻ hôm nay càng cần phải quyết tâm hơn nữa để tiếp nối tinh hoa văn hóa của cha ông đã trao truyền”.
Còn NNƯT Hoàng Trắng (xã Hưng Hội, huyện Vĩnh Lợi) thì cho rằng “chiếc nôi” gia đình là một trong những bệ đỡ tốt nhất để bồi dưỡng các tài năng, danh ca, danh cầm cho đội hình của ĐCTT tỉnh nhà. Tình yêu nghệ thuật từ gia đình chính là sự ảnh hưởng mạnh mẽ để người trẻ có cơ hội học hỏi, trau dồi và nuôi dưỡng ước mơ. NNƯT Hoàng Trắng tâm sự: “Tôi hy vọng trong năm mới, phong trào ĐCTT tỉnh nhà sẽ sôi động hơn nữa từ ấp, xã, huyện đến thành phố. Người nghệ nhân, tài tử không mong gì hơn ngoài được mang ngón đờn, giọng ca phục vụ bà con gần xa và nhận được sự đón nhận nhiệt tình của khán giả. Tôi rất mong chờ các cuộc thi về ĐCTT được phát động trong năm nay sẽ thu hút nhiều người tham gia, nhất là những gương mặt trẻ đầy triển vọng”.