Kinh tế

Nỗ lực thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Nông Hậu 05/01/2024 - 10:12

Thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia (CTMTQG) phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) giai đoạn 2021 - 2030, các địa phương của tỉnh Cao Bằng đã và đang tích cực triển khai với nhiều giải pháp đồng bộ, huy động sự vào cuộc, tạo sự thống nhất, đồng thuận của cả hệ thống chính trị và người dân.

Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021 - 2030 được tích hợp từ hơn 100 chính sách cụ thể của giai đoạn 2016 - 2020, kết hợp với một số chính sách mới được thiết kế thành 10 dự án, 14 tiểu dự án với 36 nội dung chính sách thành phần. Để vệc xây dựng cơ chế, chính sách quản lý, tổ chức thực hiện chương trình hiệu quả, đã có nhiều văn bản được ban hành.

113497_tu_nguon_von_ho_tro_cua_chuong_trinh_muc_tieu_quoc_gia_phat_trien_kinh_te_xa_hoi_vung_dong_bao_dan_toc_thieu_so_va_mien_nui_nhieu_ho_dan_xa_bao_toan_b_21485828.jpg
Từ nguồn vốn hỗ trợ của Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi nhiều hộ dân xã Bảo Toàn (Bảo Lạc) đầu tư chăn nuôi hiệu quả.

Cấp tỉnh, huyện thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện chương trình; 100% xã thành lập ban quản lý xã, ban phát triển thôn, tổ công tác duy tu, bảo dưỡng các công trình cơ sở hạ tầng và ban giám sát đầu tư của cộng đồng theo quy định. Công tác tuyên truyền, vận động được triển khai rộng rãi bằng nhiều hình thức, do đó CTMTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN đang được các cấp, các ngành, dư luận xã hội và người dân đặc biệt quan tâm, tích cực vào cuộc để tổ chức triển khai thực hiện.

Tại huyện Hà Quảng, để từng bước thực hiện thành công CTMTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN, UBND huyện xây dựng kế hoạch thực hiện chương trình. Giai đoạn 2021 - 2023, tổng nguồn vốn được phân bổ gần 230 tỷ đồng. Trong đó, vốn sự nghiệp trên 97 tỷ đồng, vốn đầu tư trên 121 tỷ đồng.

Từ nguồn vốn, huyện phân bổ thực hiện các dự án giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, hạ tầng giao thông nông thôn và đã đạt được những kết quả bước đầu. Năm 2023, huyện thực hiện đạt và vượt 10/16 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội gồm: Thu nhập bình quân đạt 102% kế hoạch, đào tạo lao động đạt 114% kế hoạh; kết cấu hạ tầng giao thông, giáo dục, văn hóa, tỷ lệ che phủ rừng, di dời gia súc khỏi gầm sàn, nước sinh hoạt vùng cao đều đạt 100% kế hoạch. Cùng với đó, công tác y tế của huyện được tăng cường để đồng bào DTTS được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe hiện đại, trên 98% đồng bào DTTS tham gia bảo hiểm y tế…

Huyện Bảo Lạc có tổng vốn bố trí, huy động để thực hiện chương trình năm 2023 của huyện hơn 117 tỷ đồng. Để đảm bảo sự thống nhất cũng như nâng cao hiệu quả triển khai thực hiện chương trình, UBND huyện chỉ đạo quyết liệt, đôn đốc các ban, ngành, đoàn thể phối hợp với các xã, thị trấn chủ động thực hiện tốt công tác chuẩn bị các điều kiện để triển khai thực hiện. Với sự chủ động, tích cực triển khai, tiến độ về tổ chức, thực hiện giải ngân vốn kế hoạch chương trình của huyện Bảo Lạc tính đến hết tháng 10/2023 đạt 63,5%.

Phó Chủ tịch UBND huyện Bảo Lạc Hoàng Văn Cương cho biết: Thực hiện CTMTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN, năm 2023, huyện dành trên 29 tỷ đồng triển khai 10 dự án thành phần của chương trình, ưu tiên các dự án trọng điểm để giải quyết cơ bản tình trạng thiếu nhà ở, đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư ở những nơi cần thiết. Đầu tư phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng, miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị; đầu tư hạ tầng cơ sở thiết yếu cho khu vực miền núi, vùng đồng bào DTTS…

Nhờ đẩy mạnh đầu tư hạ tầng, hỗ trợ phát triển kinh tế, ưu tiên các vùng khó, đến nay, hạ tầng cơ sở vùng DTTS trên toàn tỉnh được đầu tư xây dựng, từng bước đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Đến nay, tỷ lệ xã có đường ô tô đến trung tâm xã được rải nhựa hoặc bê tông đạt 95,16%; tỷ lệ xóm có đường ô tô đến trung tâm được cứng hóa đạt trên 75%; hơn 96% trường, lớp học và trạm y tế được xây dựng kiên cố; số hộ được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh tăng đều qua các năm. 100% xã được phủ sóng phát thanh, truyền hình, kết nối thông tin liên lạc hiện đại; 100% xã có điện thoại cố định và di động đáp ứng nhu cầu thông tin liên lạc của người dân.

Thời gian tới, để triển khai chương trình đạt được thành quả tích cực, các cơ quan, ban, ngành, chính quyền các cấp tại mỗi địa phương tiếp tục tập trung triển khai tốt các chỉ thị, nghị quyết, kết luận của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các văn bản chỉ đạo, điều hành của Thủ tướng Chính phủ, Trung ương có liên quan đến công tác dân tộc nhằm tập trung tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc trong thực hiện chương trình; hướng dẫn về định mức vốn; các chính sách giáo dục, y tế, bảo hiểm y tế, phát triển nông, lâm nghiệp gắn với bảo vệ rừng… CTMTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN được thực hiện hiệu quả sẽ là đòn bẩy thúc đẩy sự phát triển của các địa phương còn nhiều khó khăn; tạo sinh kế, giúp đồng bào DTTS có cơ hội phát triển, bộ mặt nông thôn vùng đồng bào DTTS sẽ có thêm nhiều khởi sắc.

Theo Báo Cao Bằng
Copy Link
(0) Bình luận
Nổi bật
Thủ tướng: Trẻ em là hạnh phúc của mỗi gia đình, là tương lai của đất nước
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ đầu tư cho trẻ em là đầu tư cho tương lai đất nước; làm tốt công tác này là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, gia đình, nhà trường, toàn xã hội.
Tin mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO