Xã Văn Luông, huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ có trên 50% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số. Nhờ thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, tỉ lệ hộ nghèo trên địa bàn giảm qua từng năm, đời sống người dân không ngừng được nâng lên. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người đạt 34 triệu đồng/người/năm; xã còn 165 hộ nghèo, giảm 17 hộ so năm 2022.
Ông Nguyễn Thiết Hải, Chủ tịch UBND xã Văn Luông cho biết: Thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, cấp ủy, chính quyền xã đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tuyên truyền, phổ biến, gắn thực hiện chương trình giảm nghèo với chương trình xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Xác định đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng, hàng năm, xã tập trung rà soát, xây dựng kế hoạch giảm nghèo, trong đó phân tích rõ các nguyên nhân nghèo và khả năng thoát nghèo của từng hộ, xác định rõ chỉ tiêu, địa chỉ cụ thể, đề ra giải pháp hỗ trợ phù hợp; tăng cường phối hợp với các cơ quan, đơn vị, các tổ chức đoàn thể tuyên truyền, vận động, triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách giảm nghèo, lồng ghép các chương trình hỗ trợ, tư vấn; giao nhiệm vụ cụ thể cho từng hội, đoàn thể có biện pháp hỗ trợ cho các hộ nghèo, giúp đỡ họ vươn lên thoát nghèo.
Các cơ chế, chính sách hỗ trợ giảm nghèo của Trung ương, của tỉnh, huyện, nhất là các cơ chế, chính sách liên quan trực tiếp đến đầu tư cơ sở hạ tầng, vay vốn phát triển sản xuất, dạy nghề cho người nghèo, hỗ trợ tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản như y tế, văn hóa, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt... được xã triển khai hiệu quả, tạo tiền đề cơ bản để đại bộ phận hộ nghèo có cơ hội vươn lên thoát nghèo bền vững.
Phát huy những tiềm năng, lợi thế sẵn có, xã tăng cường sử dụng các nguồn lực để đầu tư sản xuất nông, lâm nghiệp, thuỷ sản thông qua các mô hình phát triển kinh tế, từ đó nhân ra diện rộng. Xã chỉ đạo bà con thực hiện tốt việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đưa các giống cây, con có giá trị kinh tế cao vào sản xuất. Để đảm bảo an ninh lương thực, xã khuyến khích bà con tích cực ứng dụng KHKT, gieo trồng đúng khung lịch thời vụ, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh kịp thời. Hàng năm, xã duy trì diện tích gieo trồng gần 600ha; trong đó diện tích cây lương thực có hạt trên 400ha, sản lượng lương thực đạt hơn 2.300 tấn.
Xã đẩy mạnh phát triển cây chè - cây thế mạnh của địa phương. Hiện xã có trên 1.000ha đang trong thời kỳ cho thu hoạch, năng suất chè búp tươi đạt 130 tạ/ha, sản lượng đạt 13.500 tấn. Xã duy trì, phát triển làng chế biến chè Hoàng Văn, trong làng chè đã thành lập được HTX với 25 thành viên và có sản phẩm chè mang nhãn hiệu Tân Sơn đạt chuẩn OCOP ba sao. Ngoài ra, xã còn một thương hiệu chè xanh Kính Nữ Hoàng Văn cũng đạt chuẩn OCOP ba sao. Cùng với đó, xã khuyến khích bà con chuyển đổi một số diện tích có thổ nhưỡng phù hợp để xây dựng mô hình trồng bưởi. Hiện cả xã có gần 37ha bưởi Diễn, năng suất 109 tạ/ha, sản lượng 402 tấn.
Trong chăn nuôi, xã phát triển mạnh đàn gia súc, gia cầm. Hiện toàn xã có gần 2.000 con trâu, bò, khoảng 7.000 con lợn, 17.000 con gia cầm. Xã đã thành lập được Chi hội chăn nuôi bò sinh sản và một mô hình liên kết chăn nuôi gà thương phẩm... Các mô hình được thành lập nhằm giúp đỡ, hướng dẫn nhau trong quy trình chăm sóc, lựa chọn giống cũng như tìm đầu ra cho sản phẩm. Trong năm 2023, xã đã có thêm một sản phẩm là gà ủ muối Tân Sơn được công nhận sản phẩm OCOP ba sao.
Về phát triển lâm nghiệp, tuy diện tích đất rừng của xã không lớn, song xã tích cực phối hợp với lực lượng kiểm lâm xây dựng dự án trồng rừng, chuyển hoá rừng cây gỗ lớn, nâng cao sản lượng gỗ khai thác trên địa bàn. Riêng năm 2023 thực hiện chuyển hóa rừng gỗ lớn được 20ha.
Hoạt động tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ tiếp tục được duy trì ổn định. Xã tạo điều kiện để nhân dân mở rộng, đa dạng các ngành nghề, phối hợp chặt chẽ với các ngân hàng tạo nguồn vốn đầu tư hỗ trợ nhân dân mở rộng sản xuất, đảm bảo cung ứng hàng hoá phục vụ tiêu dùng. Bên cạnh đó, xã quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng các công trình giao thông, thủy lợi, đảm bảo cho việc tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp cũng như giao thông thông suốt trên địa bàn, tạo điều kiện cho người dân giao thương hàng hóa.
Để tiếp tục thực hiện hiệu quả mục tiêu giảm nghèo, thời gian tới, xã Văn Luông tăng cường phối hợp với các cơ quan chuyên môn, đoàn thể, tích cực tuyên truyền đến các tầng lớp nhân dân về mục tiêu giảm nghèo bền vững nhằm khơi dậy tính chủ động vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng; tích cực đào tạo nghề, giải quyết việc làm, đẩy mạnh chuyển giao khoa học kỹ thuật, thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân.