Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta vào những năm 1967 - 1968 có thể nói là cam go, khốc liệt nhất. Với khẩu hiệu: 'Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người', 'Tất cả cho tiền tuyến', chỉ trong 2 năm 1967 - 1968, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái đã xây dựng 4 tiểu đoàn mang tên Yên Ninh với gần 3.000 quân lên đường chi viện cho chiến trường miền Nam.
Hưởng ứng lời kêu gọi của Bác Hồ, trước yêu cầu của tiền tuyến lớn, đòi hỏi sức người, sức của vào miền Nam phải tăng, công tác tuyển quân lúc này cần hơn bao giờ hết, với các khẩu hiệu "Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, "Tất cả cho tiền tuyến”, "Tất cả vì miền Nam ruột thịt”, "Tiền tuyến gọi, hậu phương trả lời", "Ninh Thuận gọi, Yên Bái đáp lời", "Dù có phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải giành cho được độc lập”, Tỉnh đội Yên Bái được giao nhiệm vụ tổ chức, xây dựng tiểu đoàn huấn luyện quân đi B.
Nhiệm vụ mới mẻ lại rất khẩn trương nên tỉnh phải rút cán bộ từ các cơ quan và gấp rút tuyển quân, chỉ trong 2 năm 1967 - 1968, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Yên Bái đã xây dựng 4 tiểu đoàn mang tên Yên Ninh với gần 3.000 quân được huấn luyện tại xã Tân Hương, huyện Yên Bình để chi viện cho chiến trường miền Nam. Trong đó, Tiểu đoàn Yên Ninh 1 được thành lập tháng 7/1967, với trên 700 cán bộ chiến sĩ chủ yếu là con em đồng bào các dân tộc tỉnh Yên Bái.
Đợt nhập ngũ này, hầu hết tuổi đời của các chiến sĩ chỉ từ 18 - 20 tuổi, một số ít từ 25 - 27 tuổi (là những đồng chí ở cơ quan được gọi nhập ngũ). Cá biệt có một số đồng chí mới 17 tuổi cũng đã làm đơn tình nguyện xung phong nhập ngũ như: Vũ Xuân Thể, Hoàng Đình Vận ở xã Việt Cường; Nguyễn Duy Thêm ở xã Báo Đáp…
Sau 5 tháng huấn luyện, đến 17 giờ, ngày 10 tháng 12 năm 1967, cũng tại địa điểm thành lập đơn vị, Tiểu đoàn tổ chức lễ xuất quân vào chiến trường miền Nam chiến đấu với quân số 635 đồng chí, còn 85 đồng chí ở lại làm cán bộ khung chuẩn bị cho các tiểu đoàn Yên Ninh tiếp theo. Các chiến sĩ thuộc Tiểu đoàn Yên Ninh 1 được bổ sung về hai chiến trường khác nhau ở Tây Nguyên và miền Đông Nam Bộ và cùng tham gia các chiến dịch lớn của toàn miền Nam như: Chiến dịch Tổng tiến công nổi dậy Mậu Thân năm 1968; Chiến dịch Xuân - Hè năm 1969, chống địch càn quét đánh phá hành lang kho trạm hậu cứ dọc biên giới Campuchia do sự cố Lonnon đảo chính Shianúc năm 1970…
Năm 1975, nhiều đồng chí được vinh dự tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Huấn luyện gấp, khẩn trương hành quân, bổ sung kịp thời cho các mặt trận, đó là đặc điểm nổi bật của các đoàn quân Yên Ninh. Tiểu đoàn Yên Ninh 2 huấn luyện 3 tháng, tháng 5/1968 vào Nam bổ sung cho phân khu Bắc Sài Gòn Gia Định với địa bàn chính là Long An.
Tiểu đoàn Yên Ninh 3 huấn luyện 8 tháng, tháng 12/1968 vào Nam bổ sung cho mặt trận Thừa Thiên Huế. Yên Ninh 4 huấn luyện 7 tháng, tháng 1/1969 vào Nam bổ sung cho mặt trận miền Đông Nam Bộ. Điều đó cho thấy bàn chân của các chiến sĩ Yên Ninh đã có mặt hầu hết trên các mặt trận chính ở miền Nam, những nơi được coi là khốc liệt nhất. Trong quá trình tham gia chiến đấu, những chiến sĩ Yên Ninh trong đội hình biên chế của những đơn vị mới đã tham gia đánh hàng trăm trận, tiêu diệt hàng ngàn địch, bắn cháy nhiều xe tăng, bắn rơi nhiều máy bay, góp phần xứng đáng vào chiến công chung của quân và dân các mặt trận.
Nhớ lại những năm tháng ấy, đến bây giờ một số cán bộ, chiến sĩ của Tiểu đoàn Yên Ninh 2 vẫn tự khen mình: "Không ngờ, ngày ấy sức chịu đựng của mình khá đến thế, chóng làm quen được với chiến trường xa lạ”.
Ông Nguyễn Khắc Thuận ở phường Nguyễn Thái Học, thành phố Yên Bái - một chiến sĩ thuộc Tiểu đoàn Yên Ninh 2 nhớ vanh vách trận đánh đầu tiên, ông kể: "Vào đất Long An, còn chân ướt chân ráo Tiểu đoàn đã có trận đánh đầu tiên. Lúc ấy, địch đang tổ chức trận càn lớn, chưa kịp làm quen địa hình địa vật, Tiểu đoàn đã nổ súng chống càn, bảo vệ dân. Cuộc chiến đấu kéo dài cho đến chiều tối, quân địch lùi lại. Đơn vị về đến nơi tập kết, kiểm lại quân số, thấy thiếu chiến sĩ Phương Văn Lương, người xã Ngọc Chấn, huyện Yên Bình. Giữa lúc mọi người đang lo lắng, chuẩn bị cử người đi tìm đồng chí Lương thì máy bay trực thăng của địch kéo đến từng đàn. Chúng rà đi rà lại. Pháo địch bắn ác liệt vào nơi vừa diễn ra trận đánh. Trong đạn bom ấy, bỗng nổ vang từng loạt AK. Một chiếc trực thăng bốc cháy. Mừng vì Lương còn sống, rồi ai cũng lo cho anh một mình xoay xở giữa bầy giặc ác. Bầy máy bay sà xuống mặt ruộng định bắt sống Lương. Lập tức, đơn vị nổ súng hỗ trợ, 4 khẩu 12 ly 8 đồng loạt nổ súng".
"Trận đánh diệt 300 địch, bắn rơi 3 máy bay. Sau các trận đánh, nhiều tấm gương chiến sĩ dũng cảm chiến đấu hy sinh như: liệt sĩ anh hùng Trần Xuân Lai; liệt sĩ Phương Văn Lương, Lê Văn Minh, Hoàng Hữu Thắng… Trong các cuộc chiến đấu đó, hàng trăm chiến sĩ đã hy sinh anh dũng, hàng trăm chiến sĩ khác đã bị thương. Đó chính là tấm gương sáng ngời sẽ mãi mãi lưu danh trong ký ức của nhân dân và đồng đội”, ông Thuận kể tiếp.
Đã 49 năm sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, nhưng đối với những chiến sĩ thuộc các tiểu đoàn Yên Ninh năm xưa tuy vẫn còn mảnh bom đạn và những vết thương trên cơ thể nhưng trong họ vẫn lâng lâng một niềm vui, hạnh phúc khó tả khi được đi dưới rừng cờ hoa, giữa tiếng hoan hô "Việt Nam thống nhất muôn năm”, "Bác Hồ muôn năm”, "Quân giải phóng muôn năm” của người dân trên những cung đường tiến về Sài Gòn tháng Tư năm đó. Giờ đây dù mái tóc đã bạc, sức khỏe không còn dồi dào nhưng họ vẫn luôn là "pháo đài kiên cố” trên mặt trận phòng chống "diễn biến hòa bình” thời kỳ mới, tham gia phát triển kinh tế - xã hội, làm tấm gương sáng cho thế hệ trẻ noi theo.