Gương sáng

Những “cây cao bóng cả” trên biên giới

Thùy Dung 13/12/2023 - 08:25

Thời gian qua, ở tỉnh Kon Tum, người có uy tín (NCUT) đã phát huy tối đa vai trò của mình trong công tác tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Từ đó, đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng tỉnh Kon Tum ngày càng vững mạnh.



Đối với người dân ở thôn Tu Thó, xã Tê Xăng, huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum, già làng A Đúp (giữa) được xem như “bóng cả” của thôn. Ảnh: Thùy Dung

Ở thôn Tu Thó, xã Tê Xăng (huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum), già làng A Đúp được xem như “bóng cả” của làng. Già A Đúp nguyên là cán bộ xã Tê Xăng, sau khi về hưu, già được người dân tín nhiệm bầu giữ nhiều chức vụ quan trọng như Bí thư chi bộ, NCUT, già làng… Với kinh nghiệm làm cán bộ xã nên khi về công tác tại thôn, già A Đúp nắm rõ được các đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để tuyên truyền, vận động giúp người dân vươn lên xóa đói giảm nghèo, phát triển bền vững. Đặc biệt, bằng sự uy tín của mình, già còn vận động bà con di dời nhà cửa về khu tái định cư mới để đảm bảo an toàn trong mùa mưa lũ.

Già A Đúp tâm sự: “Già làng lúc nào cũng phải đi đầu trong mọi công tác thì người dân mới tin và học theo. Năm trước, chính quyền địa phương đã vận động các hộ dân di dời lên nơi ở mới cách làng vài trăm mét để tránh tình trạng sạt lở, mưa bão, ảnh hưởng đến đời sống người dân. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều hộ không chịu di dời về nơi ở mới bởi đã quen với khu tái định cư cũ và gần khu sản xuất của bà con, hơn nữa, bà con ngại chuyển nhà vì sợ tốn kém, mất thời gian”.

“Mình cùng với các cán bộ xã họp dân, vận động, tuyên truyền nhiều ngày liền ở nhà rông thì nhiều hộ mới đồng ý di dời. Mình phải phân tích cặn kẽ những lợi ích khi về khu tái định cư mới như được hỗ trợ tiền di dời, có điện, đường, trường đầy đủ. Ngoài ra, công tác di dời còn có các chú bộ đội giúp đỡ để người dân yên tâm tin tưởng di dời về nơi ở mới”- già A Đúp chia sẻ thêm.

Ngoài ra, ở thôn Tu Thó, già A Đúp còn là tấm gương tiên phong thay đổi nếp nghĩ và tư duy sản xuất của bà con. Hiện nay, già A Đúp đã ngoài 76 tuổi, nhưng ông có hơn 3 ha mì, 2 ha cà phê, 1 ha sâm dây và 200 gốc sâm Ngọc Linh. Mỗi năm, gia đình ông thu được 200 triệu đồng sau khi đã trừ hết chi phí. Vừa qua, khi về khu tái định cư mới, già làng A Đúp đã xây được cho mình căn nhà hơn 300 triệu đồng.

Còn ở huyện biên giới Sa Thầy (tỉnh Kon Tum), già A Im, NCUT, Bí thư Chi bộ thôn Rờ Kơi, xã Rờ Kơi cũng được xem là “bóng cả” của làng. Ông là người có rất nhiều đóng góp cho dân làng trong mọi lĩnh vực như bài trừ các hủ tục lạc hậu, vận động người dân làm ăn phát triển kinh tế. Già A Im kể: “Phong tục tập quán đã được hình thành từ bao đời nay, trong đó có cả cái tốt và cái xấu. Vì ở vùng sâu, vùng xa, người dân ít tiếp cận với bên ngoài nên trình độ nhận thức còn hạn chế. Cũng như mọi người, trước đây, tôi từng tin thầy cúng hơn thầy thuốc. Trong gia đình nếu có người đau bệnh thì tìm đến thầy cúng. Mỗi lần cúng rất tốn kém, phải đập trâu, đập bò…, nhà ai không có thì phải tìm cách vay tiền để cúng”.

“Tuy nhiên, tôi nhận thấy, sau mỗi lần cúng bái, bệnh tình vẫn không thuyên giảm mà của cải trong nhà cứ vơi dần. Đồng thời, được sự giải thích của các cán bộ xã và cán bộ BĐBP, tôi đã hiểu được lợi ích của việc ốm đau phải đến trạm y tế khám, chữa bệnh. Từ đó, gia đình tôi cứ có bệnh là đi đến cơ sở y tế. Tôi cũng vận động người dân bài trừ việc cúng bái để tiết kiệm tiền của và đảm bảo được sức khỏe”- già A Im bộc bạch.

Ông A Im là một tấm gương điển hình làm kinh tế giỏi ở thôn Rờ Kơi, xã Rờ Kơi, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum. Ảnh: Thùy Dung

Với đặc thù thôn Rờ Kơi là thôn biên giới nên việc bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội là nhiệm vụ hết sức quan trọng. Dưới sự chỉ đạo của UBND xã, thôn Rờ Kơi đã thành lập Tổ bảo vệ rừng và Tổ tự quản đường biên, cột mốc, giữ gìn an ninh trật tự thôn. “Thời gian qua, mình thường xuyên vận động các thành viên trong Tổ phát quang đường biên, cột mốc, giữ gìn hệ thống dấu hiệu đường biên giới và tham gia tuần tra, kiểm soát bảo vệ đường biên giới, cùng BĐBP góp phần bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị với nước bạn Campuchia”- già A Im bộc bạch.

Toàn tỉnh Kon Tum hiện có 678 NCUT. Thời gian qua, với vai trò của mình, NCUT trên địa bàn tỉnh đã có rất nhiều đóng góp trong công tác tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đối với nhân dân các thôn, làng, NCUT đã trở thành điểm tựa, cầu nối với các cấp, chính quyền, từ đó, xây dựng khối đại đoàn kết các dân tộc vững mạnh.

Ông Hà Hồng Duy, Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Kon Tum khẳng định: “Già làng, NCUT trong đồng bào dân tộc thiểu số là những người có tiếng nói cực kì quan trọng trong cộng đồng. Họ đã có nhiều đóng góp trong việc thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, công tác dân tộc, chính sách dân tộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Qua đó, góp phần phát triển kinh tế, nâng cao đời sống gia đình và cộng đồng, bảo vệ môi trường, giữ gìn, phát huy phong tục tập quán tốt đẹp, bài trừ những hủ tục lạc hậu, giữ gìn an ninh, trật tự tại địa phương”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Thủ tướng: Trẻ em là hạnh phúc của mỗi gia đình, là tương lai của đất nước
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ đầu tư cho trẻ em là đầu tư cho tương lai đất nước; làm tốt công tác này là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, gia đình, nhà trường, toàn xã hội.
Tin mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO