Với sự vào cuộc của các cấp chính quyền và sự chấp hành tốt của người dân, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống ở xã biên giới Hua Bum (huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu) đã và đang từng bước được ngăn chặn, đẩy lùi. Vì thế mà tỷ lệ tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống ở đây đã giảm đi rõ rệt.
Nhận thức về pháp luật còn hạn chế
Hua Bum là xã biên giới, vùng sâu, vùng xa của huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu. Xã có 6 bản với 512 hộ và trên 2000 nhân khẩu. Địa bàn xã có nhiều dân tộc sinh sống như Mảng, Mông, Dao,…
Kinh tế của người dân Hua Bum chủ yếu dựa vào sản xuất nông - lâm nghiêp, giao thông đi lại khó khăn khi cách trung tâm huyện hơn 100Km, trình độ dân trí còn thấp, nhận thức về pháp luật còn hạn chế, một số phong tục, tập quán lạc hậu chưa được xóa bỏ… tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống vẫn xảy ra.
Theo chia sẻ của ông Vũ Quang Ngọc – Chủ tịch UBND xã Hua Bum được biết: Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống là do quan niệm, hủ tục đã ăn sâu vào nhận thức của người dân, trực tiếp ảnh hưởng và chi phối đời sống, sinh hoạt của đồng bào các dân tộc thiểu số.
Đồng bào cho rằng, cưới vợ cho con có nghĩa là gia đình có thêm người làm nương, hoặc là kết hôn trong cùng họ tộc thì mới giữ được tài sản của gia đình, tài sản của dòng họ của mình, không bị mang sang dòng họ khác.
Mặt khác, do trình độ hiểu biết về pháp luật và những hệ lụy của tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống của người dân còn hạn chế. Có trường hợp chưa nhận thức hoặc chưa nắm vững về quyền, nghĩa vụ cũng như các nội dung cơ bản của Luật Hôn nhân và Gia đình.
Khi đời sống kinh tế - xã hội thay đổi, theo hướng hiện đại hóa cũng làm tăng nguy cơ tảo hôn, bởi các em tiếp xúc sớm với những thông tin có hại từ internet và bị ảnh hưởng của các tệ nạn xã hội ở địa phương. Hoặc thiếu sự quan tâm, giáo dục của bậc phụ huynh và nhà trường cũng là nguyên nhân thúc đẩy tảo hôn.
Từng bước chấm dứt tảo hôn và hôn nhân cận huyết
Tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến phụ nữ và trẻ em, đồng thời làm giảm chất lượng giống nòi, chất lượng dân số. Hơn nữa, việc kết hôn sớm, mang thai và sinh đẻ trong lứa tuổi vị thành niên, khi cơ thể người mẹ chưa phát triển hoàn thiện, thiếu hiểu biết, kinh nghiệm và chưa sẵn sàng về mặt tâm lý để mang thai và sinh con gây ảnh hưởng lớn tới sức khỏe bà mẹ, sự phát triển bình thường của thai nhi và trẻ sơ sinh.
Phụ nữ kết hôn cận huyết thống khi sinh con rất dễ bị tử vong, bệnh tật và đứa con sinh ra cũng dễ tử vong hoặc bệnh tật, chậm phát triển, suy dinh dưỡng. Những đứa trẻ được sinh ra từ các cặp vợ chồng kết hôn cận huyết thống thì có tới 25% khả năng bị bệnh và 50% mang gen bệnh tan máu bẩm sinh di truyền Thalassemia.
Ông Ngọc cho biết: Nhận thức được hệ luỵ từ tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, cấp uỷ, chính quyền xã Hua Bum đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phố biến, giáo dục pháp luật, cung cấp thông tin về tệ nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.
Các hình thức tuyên truyền như tư vấn, tuyên truyền trên loa phát thanh của xã, gặp trực tiếp đối tượng, các cuộc họp bản, sinh hoạt chi bộ, phù hợp theo từng lứa tuổi nhằm nâng cao nhận thức cho các em vị thành niên nói riêng và cho người dân nói chung về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.
Đồng thời, phối hợp các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng truyền thông, vận động, tư vấn pháp luật liên quan về hôn nhân và gia đình thuộc Tiểu dự án 2, dự án 9 năm 2023, cho 120 thành viên Ban vì sự tiến bộ chi hội phụ nữ bản, trưởng bản, người uy tín tham dự, nhằm năng cao kỹ năng truyền thông, vận động, tư vấn, pháp luật.
Việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn xã Hua Bum trong thời gian qua đã đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận.
Theo thống kê, từ tháng 4/2022 đến tháng 4/2023, trên địa bàn xã Hua Bum có tổng số 21 cặp đăng ký kết hôn, trong đó có 6 cặp tảo hôn (chiếm tỷ lệ 28,57%) so với tổng số cặp kết hôn đúng độ tuổi. Toàn xã không ghi nhận trường hợp kết hôn cận huyết thống.