Chính sách

Nhiều chính sách hướng về đồng bào dân tộc thiểu số

Dương Lê 13/03/2024 - 14:31

Đồng Nai hiện có trên 29 nghìn người là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) từ nhiều tỉnh, thành trong cả nước đến làm việc và sinh sống. Hỗ trợ và tạo sinh kế bền vững cho bộ phận này luôn là vấn đề được địa phương đặt lên hàng đầu. Chương trình Phát triển vùng đồng bào DTTS và miền núi năm 2024 do UBND tỉnh Đồng Nai vừa ban hành được xem là điều kiện thuận lợi để đồng bào DTTS bứt tốc đuổi kịp mức sống bình quân của tỉnh.

571 tỷ đồng giúp người dân xóa đói giảm nghèo

Tỉnh Đồng Nai vẫn còn 24 xã khu vực I thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2025. Hiện toàn tỉnh còn gần 8.000 hộ nghèo cùng 6.600 hộ cận nghèo; trong đó, 712 hộ nghèo và 865 hộ cận nghèo là đồng bào DTTS. Với số người DTTS chỉ chiếm khoảng 7% (65.000 hộ) trên tổng dân số toàn tỉnh cho thấy, số hộ nghèo, cận nghèo trong đồng bào DTTS hiện nay của tỉnh khá cao. Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh có khoảng 27.000 lao động là người DTTS di cư, làm việc trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp.

untitled-1710147580217.png
Sẽ có 571 tỷ đồng từ nhiều nguồn được tỉnh bố trí để thực hiện 10 dự án phát triển vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Ảnh: ITN

Trưởng Ban Dân tộc tỉnh thông tin, để tiếp tục kéo giảm khoảng cách về đời sống giữa các vùng miền, giữa các dân tộc, cùng với Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi của Chính phủ, UBND tỉnh Đồng Nai đã ban hành Chương trình Phát triển vùng đồng bào DTTS và miền núi năm 2024.

Theo Chương trình, sẽ có 571 tỷ đồng từ nhiều nguồn được tỉnh bố trí để thực hiện 10 dự án phát triển vùng đồng bào DTTS trên địa bàn. Đây được xem là điều kiện thuận lợi để đồng bào DTTS đuổi kịp mức sống bình quân của tỉnh. Cụ thể, Chương trình sẽ tập trung giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư ở những nơi cần thiết; phát triển nông, lâm nghiệp, phát huy tiềm năng của các địa phương…

Cùng với đó, tập trung vào chăm sóc sức khỏe Nhân dân; nâng cao thể trạng, tầm vóc, phòng, chống suy dinh dưỡng trẻ em; thực hiện bình đẳng giới và giải quyết các vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em; giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết… Theo đó, phấn đấu trong năm 2024 sẽ giảm được 2% số hộ nghèo và cận nghèo trong vùng đồng bào DTTS; xóa nhà tạm cho trên 35% hộ đồng bào DTTS nghèo; 100% đồng bào DTTS được xem truyền hình, nghe đài phát thanh và có điện thoại di động liên lạc; 70% đồng bào DTTS được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng đề nghị, năm 2024, Ban Dân tộc tỉnh, Phòng Dân tộc các địa phương cần tìm ra những giải pháp, mô hình cụ thể trong triển khai công tác dân tộc gắn với một số nhiệm vụ trọng tâm; tăng cường công tác nắm tình hình địa bàn vùng DTTS và miền núi; tiếp tục nhân rộng những điển hình trong đồng bào DTTS…

Chú trọng đào tạo nghề cho đồng bào

Đồng Nai hiện có trên 29 nghìn người là đồng bào DTTS từ nhiều tỉnh, thành trong cả nước đến làm việc và sinh sống; công việc chủ yếu là làm công nhân tại các công ty; làm công nhân cạo mủ cao su hoặc làm thuê cho các hộ gia đình…

Thời gian qua, đối tượng lao động này được tỉnh quan tâm, thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ như vận động chủ nhà trọ giảm tiền nhà trọ; tính tiền điện, nước theo giá quy định của Nhà nước; hỗ trợ bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động; con lao động DTTS được tiếp nhận đến trường và thực hiện đầy đủ chế độ hỗ trợ, miễn, giảm học phí theo quy định; tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ phục vụ đời sống tinh thần cho lao động là người DTTS. Vào dịp lễ, Tết, lao động là người DTTS còn được các tổ chức, đoàn thể tặng vé xe về quê hoặc tặng quà…

Chẳng hạn, những lao động người DTTS đang làm việc cho các nông trường cao su của Tổng Công ty Cao su Đồng Nai được bố trí nơi ở, trang bị vật dụng sinh hoạt cơ bản; hỗ trợ phương tiện đi lại; đào tạo nghề. Người lao động tại đây được thăm khám sức khỏe định kỳ; tham gia ngày hội văn hóa các dân tộc, phiên chợ 0 đồng, trò chơi dân gian…

Các địa phương như Thống Nhất, Trảng Bom, Vĩnh Cửu, Biên Hòa… hàng năm, đều tổ chức nhiều hoạt động văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao cho người lao động đang làm việc tại các khu công nghiệp nói chung; trong đó, có lao động là người DTTS nói riêng tham gia, tạo không khí vui tươi, phấn khởi, động viên họ yên tâm ở lại làm việc, sinh sống lâu dài.

Cũng theo Ban Dân tộc tỉnh, nguồn lao động DTTS đã và đang có đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội của Đồng Nai. Tuy nhiên, vẫn còn không ít lao động người DTTS do không có tay nghề, lại hạn chế về ngôn ngữ nên gặp khó khăn trong tìm việc làm, phải làm công việc giản đơn, mang tính thời vụ, thu nhập thấp.

Để hỗ trợ lao động là người DTTS, Ban Dân tộc tỉnh, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cùng các đơn vị có liên quan thời gian tới sẽ tích cực tuyên truyền thông tin về thị trường lao động; nhất là nhu cầu tuyển dụng lao động cho bà con nắm để tìm cơ hội việc làm phù hợp. Bên cạnh đó, thực hiện tốt chính sách đào tạo nghề, giới thiệu việc làm.

Đặc biệt, chú trọng xây dựng đội ngũ nòng cốt là người DTTS có uy tín trong khu vực nhà trọ để kịp thời nắm bắt tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của họ, từ đó cùng với chính quyền và các tổ chức, đoàn thể có giải pháp hỗ trợ phù hợp.

Theo NĐBND
Copy Link
(0) Bình luận
Nổi bật
Thủ tướng: Trẻ em là hạnh phúc của mỗi gia đình, là tương lai của đất nước
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ đầu tư cho trẻ em là đầu tư cho tương lai đất nước; làm tốt công tác này là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, gia đình, nhà trường, toàn xã hội.
Tin mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO