Gương sáng

Người giữ cho tiếng pí bay xa

T.Thành 06/11/2023 - 14:38

Trải qua bao thăng trầm tao loạn, ngày nay người Thái vẫn lưu giữ được nhiều nét văn hóa đặc trưng, như tiếng nói, chữ viết, trang phục, phong tục tập quán, tín ngưỡng, nghệ thuật trình diễn dân gian và đặc biệt là những nhạc cụ truyền thống. Trong đó có sáo pí, nhạc cụ được xem là linh hồn trong âm nhạc dân ca, dân vũ, biểu tượng văn hóa tinh thần độc đáo riêng của dân tộc này.

Truyền thuyết về một chuyện tình đẫm lệ

Về bản Nà Khuyết (xã Chà Cang, huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên) hỏi thăm ông Lường Văn Mín thì hầu như ai cũng biết. Bởi ông là một trong số ít những nghệ nhân người Thái có thể chơi được nhiều loại nhạc cụ của dân tộc mình, nhất là pí pặp.

Ông Mín kể, ngay từ lúc còn trẻ ông đã đam mê âm nhạc. Mỗi buổi tối ở lại trên nương hay bên bếp lửa hồng, ông vẫn thường chăm chú những người già trong bản chơi nhạc và hát các làn điệu dân ca. Cứ thế, âm nhạc ngấm dần vào ông như máu thịt.

Năm 1940, nghe dân bản đồn ở bản Nà Én (xã Chà Tở (huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên) có thầy Poòng Văn Sem rất giỏi chế tác và thổi pí pặp, ông Mín liền tìm đến và xin học. Với niềm đam mê, sự hăng say tập luyện, chỉ sau vài năm ông Mín đã thổi thuần thục các điệu pí pặp của người Thái.

Từ bấy giờ, mỗi dịp tết, lễ hội, các buổi giao lưu văn nghệ ở trong và ngoài bản, ông Mín lại xung phong lên biểu diễn. Chính vì thế mà các nên kỹ năng thổi pí pặp của ông ngày càng thành thục và điêu luyện. Từ độ rung, vuốt hơi, luyến láy, cho đến nén hơi, nhả nốt.

anh-bai-nguoi-giu-cho-tieng-pi-bay-xa-1.jpg
Nghệ nhân Lường Văn Mín

Ông Mín kể, đằng sau cây pí của người Thái có cả một câu chuyện tình đẫm lệ. Chuyện đó kể rằng, ngày xưa, ở một bản nhỏ của dân tộc Thái, có một đôi trai tài gái sắc là Khun Lú và nàng Ủa yêu nhau tha thiết. Họ đã cùng nhau thề núi hẹn sông sống trọn đời bên nhau. Nhưng vì Khun Lú nghèo nên bố mẹ nàng Ủa cấm đoán và ép gả nàng cho người khác. Để giữ trọn lời thề, nàng Ủa đã tìm đến cái chết.

Nàng Ủa chết đi, Khun Lú buồn và thương, không lúc nào không nhớ tới người yêu. Chàng đã làm một cây pí rồi chiều chiều leo lên đỉnh núi để thổi, xem như là thay lời khóc than. Nhưng rồi càng thổi, nỗi nhớ niềm đau trong lòng Khun Lú càng lớn dần lên. Quá buồn đau và chán nản, chàng tự tay bóp nát, hủy đi cây pí rồi gieo mình xuống lòng thung, tự vẫn. Sau này, tỏ lòng mến mộ và trân trọng tình yêu của đôi tình nhân, pí pặp được người Thái dựa trên các chi tiết có được trong câu chuyện tình mà chế tạo ra.

Theo ông Mín thì pí gồm có 2 loại. Pí một, được sử dụng trong các nghi lễ quan trọng liên quan đến đời sống tâm linh. Còn pí pặp, thường được dùng trong các dịp sinh hoạt văn hóa văn nghệ. Để làm được pí, trước tiên cần phải chọn cây nứa nhỏ cỡ ngón tay út, rồi chọn phần ngọn của cây nứa đem về để khô sau đó mới chế tác.

Pí một chỉ gồm một ống, còn pí pặp gồm 2 ống (hay còn gọi là ống đực và ống cái) có kích thước bằng nhau, có đường kính từ 4 - 6mm, độ dài khoảng 40 - 45cm. Ống cái, tức ống chính, được dùi 5 lỗ tượng trưng cho 5 âm điệu, còn một lỗ ở đầu trên (đầu thổi ở mặt sau) được gắn lẫy bằng kim loại để phát ra âm thanh. Ống đực cũng được gắn lẫy kim loại như ống cái và được dùi 1 lỗ rất nhỏ.

Muốn làm được một cây pí tốt, thổi hay thì công đoạn chọn cây nứa hết sức công phu và tỉ mỉ. Nứa phải được chặt vào ngày cuối tháng khi mùa thu chuyển sang mùa đông thì mới không bị mọt. Cây nứa được chọn là những cây bánh tẻ có nắng chiếu vào nhiều, thân nứa tròn đều, rồi mang về phơi trong râm cho khô để âm vang của pí được đều và hay.

Để thuận tiện khi thổi, người ta đo chiều dài của pí không phải bằng thước mà là bằng cách nắm tay vào thân ống nứa, đếm theo từng nắm tay. Cây pí thường có ba cỡ: 5 nắm tay, 7 nắm tay và 9 nắm tay, tùy theo từng lứa tuổi người chơi mà chọn sao cho phù hợp. Lưỡi sáo được làm bằng đồng hoặc bạc nõn. Hai ống nứa được buộc bằng sợi dây đồng nhỏ, kẹp lại, ống nứa ở gần miệng thổi được kẹp bằng sáp ong có tác dụng giữ hơi.

Thông thường thì phía trên của lưỡi sáo, người làm pí thường buộc thêm một đoạn cật tre để bảo vệ và lấy vôi quét vào để lưỡi không bị gỉ. Khi thổi người ta đặt tay ở thân pí, miệng ngậm kín đầu ống có gắn lưỡi sáo rồi thổi với các kỹ thuật rung, luyến, láy, nhấn hơi, nén hơi. Khó nhất trong thổi pí là người thổi phải lấy hơi tốt để thổi liên tục, không ngắt quãng.

“Âm thanh của pí pặp hay hay không phụ thuộc rất nhiều vào tài chế tác của nghệ nhân. Khó nhất là việc tạo lưỡi pí, phải kiên trì, tỉ mỉ. Lưỡi càng mỏng tiếng sáo càng trong, nhưng âm thanh vang, rền hay không lại nhờ vào chất liệu ống nứa dày hay mỏng”, ông Mín chia sẻ.

Trăn trở bảo tồn

Ông Mín kể, đối với những chàng trai người Thái xưa kia, chiếc pí pặp là vật bất li thân, nhất là trong quãng thời gian đi tìm hiểu cô gái mà mình đem lòng yêu thương. Khi đến nhà cô gái, chàng trai thường lấy pí ra thổi những bài tình ca da diết, khiến cho cô gái thổn thức, xao xuyến. Tất nhiên, cô gái đó chỉ xao xuyến khi cảm nhận đúng tiếng pí của người yêu mình.

“Ngày ấy, trai bản chúng tôi thích thổi sáo lắm. Buổi tối, những đêm trăng thanh gió mát, đám thanh niên lại ngồi quây quần bên nhau, mang sáo ra thổi. Có nhiều lần, tất cả trai bản đi đến từng nhà, đứng ngoài cổng, nơi có những cô gái đang tuổi yêu để thổi sáo gọi bạn tình”, ông Mín nhớ lại.

Cũng từ những đêm pí như thế, đã có rất nhiều đôi bạn xưa nên duyên vợ chồng. Đến bây giờ, những cặp vợ chồng ấy vẫn còn nhớ và kể cho nhau nghe về kỷ niệm của một thời tuổi trẻ.

Thế nhưng có một điều đáng tiếc là ngày nay, với sự phát triển và hội nhập mạnh mẽ cả về kinh tế, văn hóa khiến cho sự giao thoa và mai một văn hóa truyền thống của nhiều dân tộc thiểu số ngày càng sâu sắc. Một số nhạc cụ dân gian truyền thống của các dân tộc thiểu số đang bị mai một. Và pí pặp của người Thái không phải là ngoại lệ. Giờ đây, lớp trẻ đang dần quên đi tiếng pí pặp của ông cha.

Ông Mín bảo, ông sợ một ngày nào đó, khi thế hệ những người già như ông nằm xuống, thì tiếng pí pặp, một nét văn hóa rất riêng biệt của vùng đất hoang rậm này cũng bị “chôn” theo. Ấy vậy nên suốt mấy năm nay, dù sức khỏe đã suy giảm đi nhiều, ông vẫn kỳ cụi đi trình diễn. Ông đi, không hẳn vì chuyện cơm áo gạo tiền, mà phần nhiều là để những mong thắp lên niềm đam mê trong lớp trẻ cũng như để tìm kiếm được truyền nhân. Bởi đối với ông, tiếng pí không chỉ đơn thuần là đặc sản văn hóa của người Thái, mà nó còn là giá trị muôn một của tổ tiên từ ngàn đời xưa để lại. Nếu mất nó thì tiếc lắm thay!

anh-bai-nguoi-giu-cho-tieng-pi-bay-xa-2.jpg
Ông Mín (thứ 2 từ trái sang) truyền dạy cách sử dụng pí pặp cho người dân trong bản.

Chính vì lo sợ một nét văn hóa của dân tộc bị phôi phai, từ mấy năm nay, bất chấp tuổi già, ông Mín vẫn kiên trì, nỗ lực truyền dạy cách làm và sử dụng pí pặp cho con cháu và những yêu thích đam mê với điệu sáo cổ truyền quanh vùng.

Theo ông Mín thì người biết thổi pí thì nhiều, nhưng thổi có hồn có điệu thì phải có cả một quá trình luyện tập cộng với năng khiếu, đam mê nữa. Thổi đã khó, làm ra cây pí càng khó. Có khi cả vùng, số người biết chế tạo ra pí chỉ đếm trên đầu ngón tay. Giờ thỉnh thoảng tôi vẫn làm pí, không phải là để kinh doanh làm giàu, mà cốt để thỏa mãn thú đam mê của bản thân về nhạc cụ dân tộc mình. Điều quan trọng hơn là ông đã và đang góp phần vào việc lưu giữ những nét văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Thái để lại.

Anh Lường Văn Phin (con trai ông Mín) người duy nhất trong gia đình có tình yêu với nhạc cụ dân tộc và được cha truyền nghề, tâm sự: “Ngày xưa, đàn ông Thái phải biết thổi pí pặp để hát giao duyên, tỏ tỉnh với người mình yêu. Tôi đã được nghe tiếng pí pặp từ ông, cha thổi vào các dịp lễ, hội của bản. Tôi yêu và đã học thổi Pí từ cha, để giữ lại những điều mà lớp trẻ đang dần quên lãng”.

Anh Phin bảo, từ lúc còn nhỏ, anh đã chứng kiến vào những dịp lễ hội, bà con trong bản thường tổ chức ăn uống, kèm theo các điệu xoè, khắp, then. Khi ấy, pí được coi là “linh hồn”, là “bà chúa” của cuộc vui, các làn điệu khắp, then được các loại pí phụ họa, giữ giọng và lấp khoảng trống, chỉ như thế cuộc vui mới thực sự hấp dẫn.

Dù là khắp mời rượu, khắp đố, khắp ca ngợi quê hương, làng bản, khắp giao duyên nhưng khi tiếng pí vang lên thì không khí có náo nhiệt đến đâu cũng phải lắng xuống để thưởng thức cái đằm thắm, mượt mà của các loại pí.

Có thể nói, đối với người dân Thái, đặc biệt là các chàng trai, cô gái, cây pí đã trở thành một nhạc cụ không thể thiếu trong đời sống tinh thần của họ. Mỗi loại là một âm điệu, một sắc thái tuy đều dùng hơi để thổi. Pí đã có mặt trên các sàn diễn nghệ thuật quần chúng của tỉnh, huyện, cũng như cả Trung ương, pí hiện hữu trong đời sống thường nhật của đồng bào, pí cũng trở thành những món quà lưu niệm đối với những du khách gần xa.

Song có một điều đáng tiếc là trong bối cảnh hội nhập với nhiều nền văn hóa từ bên ngoài du nhập và ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống tinh thần của người dân cả vùng sâu và vùng xa, tiếng pú dần mai một. Hy vọng rằng với sự cố gắng, nỗ lực của những nghệ nhân già như ông Mín và sự đam mê, nhiệt huyết của thế hệ sau như anh Phin, tiếng pí của dân tộc Thái tiếp tục được vang xa.

(0) Bình luận
Nổi bật
Thủ tướng: Trẻ em là hạnh phúc của mỗi gia đình, là tương lai của đất nước
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ đầu tư cho trẻ em là đầu tư cho tương lai đất nước; làm tốt công tác này là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, gia đình, nhà trường, toàn xã hội.
Tin mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO