Ba Chẽ là huyện miền núi có tỷ lệ người dân tộc thiểu số chiếm khá cao của tỉnh Quảng Ninh. Với sự nỗ lực, quyết tâm của cả hệ thống chính trị trong phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đến nay Ba Chẽ đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần làm thay đổi căn bản diện mạo của vùng đất gian khó một thời này, từng bước xoá dần khoảng cách chênh lệch vùng miền.
Vào thời điểm năm 2020, huyện Ba Chẽ còn nhiều khó khăn, bất cập. Các chỉ tiêu kinh tế - xã hội thuộc diện thấp nhất tỉnh. Đơn cử, thu nhập bình quân đầu người đạt 43,8 triệu đồng; thu ngân sách đạt 39,3 tỷ đồng; tỷ lệ hộ nghèo còn 0,85%, cận nghèo còn 1,92%; tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi còn 14,82%, thể nhẹ cân còn 9%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 65%; hệ thống hạ tầng còn thiếu và chưa đồng bộ.
Trước tình hình thực tế của địa phương, Uỷ ban nhân dân huyện Ba Chẽ đã chủ động xây dựng kế hoạch,đặt ra mục tiêu có trọng tâm, trọng điểm và có tính khả thi cao, tranh thủ mọi thời cơ trong điều kiện khó khăn, thách thức. Với sự nỗ lực, quyết tâm lớn của cả hệ thống chính trị, tình hình phát triển tổng thể kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện đã đạt nhiều kết quả tích cực, ý nghĩa.
Hiện nay, thu nhập bình quân đầu người đạt 72 triệu đồng, gấp 1,64 lần so với năm 2020. Tỷ lệ hộ nghèo ở Ba Chẽ còn 0,09%, hộ cận nghèo còn 0,75% (ước cả năm hộ nghèo còn 0%, hộ cận nghèo còn dưới 0,5%; huyện hoàn thành mục tiêu đến năm 2025). Đến thời điểm này huyện không còn nhà ở tạm, nhà dột. Tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân ở trẻ em dưới 5 tuổi còn 10,5% (vượt mục tiêu trước 2 năm).
Tỷ lệ bao phủ Bảo hiểm y tế đạt 99% (vượt mục tiêu đến 2025 đạt 98%). Tỷ lệ lao động qua đào tạo ước đạt 85,1% (trong đó có bằng cấp, chứng chỉ 41). Tỷ lệ hộ dân được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 99% (đạt mục tiêu đến 2025). Hơn 90% số rác thải sinh hoạt của người dân được thu gom, xử lý theo đúng quy định, đảm bảo vệ sinh môi trường trên địa bàn 7 xã, thị trấn. Năm 2022, huyện Ba Chẽ đạt chuẩn nông thôn mới.
Để tạo đà cho sự phát triển bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số, ông Khúc Thanh Nghị - Chủ tịch Hội nông dân huyện Ba Chẽ chia sẻ: Hội đã chỉ đạo các cơ sở hội tuyên truyền, vận động nông dân tập trung thực hiện các mô hình sản xuất có giá trị kinh tế cao, như trồng cây gỗ lớn và các loài cây bản địa, cây dược liệu; củng cố, phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã, tổ hợp tác liên kết sản xuất và phát triển trồng dược liệu như cây Ba kích tím tại các xã Thanh Lâm, Nam Sơn, Lương Mông; hợp tác xã gà đồi dược liệu Ba Chẽ ở thị trấn; Tổ hợp tác liên kết sản xuất chăn nuôi Dúi tại xã Đồn Đạc; một số hộ gia đình thực hiện mô hình chăn nuôi gà, đàn bò thương phẩm…
Đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nông dân tích cực đưa cơ giới vào đồng ruộng, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất. Nhờ vậy năng suất, chất lượng sản xuất đạt cao; nông dân có thu nhập ổn định; đời sống ngày càng được nâng cao.
Trên cơ sở phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương, huyện Ba Chẽ tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế mũi nhọn lâm nghiệp, vận động nhân dân trồng phát triển vùng chế biến lâm sản và sản xuất dược liệu, nâng cao giá trị kinh tế, phát triển các thương hiệu các sản phẩm chủ lực trà hoa vàng, ba kích tím và các loại cây dược liệu khác.
Đồng thời khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của địa phương để phát triển kinh tế dịch vụ, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng gắn với cảnh đẹp của sông Ba Chẽ và hệ thống các thác nước, thảo nguyên, rừng, các di tích lịch sử văn hóa, lễ hội; xây dựng các sản phẩm du lịch gắn với quảng bá hình ảnh văn hóa, đất và người Ba Chẽ.
Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện Ba Chẽ Khiếu Anh Tú cho biết: Mặc dù đạt nhiều kết quả tích cực, song Ba Chẽ vẫn còn không ít khó khăn, vướng mắc trong thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn.
Thời gian tới, huyện tiếp tục chỉ đạo thực hiện đồng bộ, chất lượng, hiệu quả chương trình, tập trung rà soát, xây dựng phương án, kế hoạch hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra, củng cố, nâng chất các nội dung, tiêu chí đã đạt được. Lồng ghép nhiệm vụ chỉ đạo thực hiện chương trình tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và các chương trình mục tiêu quốc gia trong thực hiện chương trình phát triển kinh tế - xã hội của huyện.
Đồng thời tăng cường thông tin, truyền thông sâu rộng về chủ trương, chính sách, các nội dung, tiến độ thực hiện; đa dạng hóa các kênh truyền thông và các hình thức phổ biến, cung cấp thông tin đến đoàn viên, hội viên, mọi tầng lớp nhân dân để người dân hiểu rõ và đồng thuận trong việc triển khai chương trình tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Tập trung chỉ đạo triển khai quyết liệt các cơ chế, chính sách của chương trình, nhất là chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, tạo động lực thúc đẩy phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân.
Bên cạnh đó, huyện sẽ đẩy mạnh công tác thu hút đầu tư; huy động nguồn lực đầu tư các công trình trọng điểm, công trình động lực; kêu gọi đầu tư xây dựng hoàn thiện hệ thống giao thông lên 5 xã vùng cao, kết nối liên kết vùng, hoàn thiện các hạ tầng thiết yếu, thúc đẩy kinh tế - xã hội; quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, hướng đến xây dựng Ba Chẽ trở thành trung tâm kinh tế lâm nghiệp và cây dược liệu của tỉnh Quảng Ninh.