Có nguồn gốc từ người Việt cổ, đời sống văn hóa tinh thần của người Mường phong phú và đặc sắc với nhiều lễ tục đặc biệt. Trong đó, Mo Mường là nét đẹp văn hoá độc đáo, được thể hiện sinh động trong các dịp quan trọng và các ngày lễ, Tết của người Mường.
Theo con đường bảng lảng sương, chúng tôi tìm đến nhà thầy mo Nguyễn Đình Thưởng ở khu 2, xã Ngọc Đồng, huyện Yên Lập. Ông là một trong những hậu duệ được kế thừa những bài mo của người Mường Yên Lập mà cha ông để lại. Năm 2022, ông được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú”. Với kinh nghiệm hơn 36 năm “tuổi nghề”, ông Thưởng được bà con trong xóm cũng như trong và ngoài xã mời cúng vào các dịp Tết đến Xuân về và các lễ hội lớn của làng xã.
Nhấp chén nước lá, đôi ngụm rượu ngô, cái lạnh ở nơi lưng chừng núi đã dịu đi nhiều. Ông Thưởng cởi mở chia sẻ: “Từ năm 15 tuổi, tôi bắt đầu học mo và các bài cúng. Đến năm 27 tuổi thì bắt đầu đi cúng năm mới và duy trì đến giờ. Năm nào cũng vậy, từ ngày 7 nêu cửa (27 Tết) đến ngày 7 hạ cây nêu (khai hạ), phục vụ hết trong xóm, tôi lại đi khấn ở các xóm lân cận, cả bên huyện Tân Sơn cũng có bà con đến nhờ”.
Đối với người Mường, khấn năm mới (cúng năm mới) là nghi lễ được duy trì từ bao đời nay, cúng năm mới là nghi lễ quan trọng nhất trong ngày Tết của bà con người Mường. Mục đích nhằm kính cáo tổ tiên những thành quả đã đạt được trong năm cũ, tri ân tổ tiên đã phù hộ, độ trì cho con cháu mạnh khỏe, làm ăn tấn tới. Đồng thời, mời tổ tiên về ăn Tết cùng con cháu. Phong tục mời tổ tiên về ăn Tết thể hiện truyền thống “uống nước nhớ nguồn” của người Mường. Chỉ sau khi thầy mo làm lễ dâng thịt, rượu mà con cháu chuẩn bị thì người Mường mới bắt đầu ăn Tết. Họ hàng, bạn bè mới đến chúc tụng gia chủ.
Từ xã Ngọc Đồng, huyện Yên Lập chúng tôi ngược lên xã Thu Cúc, huyện Tân Sơn. Hiện tại, ở Thu Cúc còn hai thầy Mo Mường. Vì vậy, việc chờ thầy đến cúng từ sáng đến đêm muộn thường xuyên diễn ra ở xã Thu Cúc vào mỗi dịp Tết đến, bởi theo lý giải của bà con, họ quan niệm, tổ tiên đã quen tiếng, quen lời của ông thầy này rồi, chỉ có thầy mo quen nắm rõ lai lịch của từng nhà, từng dòng họ để mời họ về ăn Tết. Thầy mo không chỉ là người có sức khỏe tốt, mà còn có trí nhớ tốt, phải nhớ tên “các cụ” của các hộ dân trong xã và của hàng chục hộ ở các xã khác.
Theo chân bà Trần Mai Huyền, Phó Chủ tịch UBND xã Thu Cúc, chúng tôi đến nhà ông Hà Văn Ẻn, ông là đời thứ 4 trong gia đình làm thầy mo ở xã. Ông Ẻn cho biết: “Trước đây, khi chưa có điện thoại, mỗi nhà lại nằm cách xa nhau nên gia chủ không biết thầy đang ở nhà nào, có khi mất cả buổi đi tìm. Bây giờ, có điện thoại di động, xe máy rồi, đường đi lại cũng thuận tiện nên cả chủ nhà và thầy đều chủ động hơn. Ngày trước, do không sắp xếp được lịch, có nhà làm cỗ từ sáng, chờ thầy mo đến nửa đêm nên dù mệt vẫn phải cố gắng hoàn thành nhiệm vụ cho chủ nhà”.
Sau khi hoàn thành “thiên chức” của mình, theo phong tục của người Mường, gia chủ sẽ đem “quà lá” (thịt gói trong lá chuối, rượu, mứt) đến nhà thầy mo để cảm ơn. Ngày nay, phong tục này đã thay đổi nhiều, hầu hết, “quà lá” được thay bằng tiền mừng tuổi, số tiền tùy tâm gia chủ.
Trong xã hội ngày càng phát triển, nhiều thứ đã thay đổi theo hướng thuận lợi hơn nhưng thầy mo vẫn có vai trò và vị trí quan trọng trong đời sống văn hoá, tinh thần của người Mường. Thầy mo trở thành “người đặc biệt” trong ngày Tết của người Mường, góp phần giữ gìn di sản văn hóa đặc biệt của cộng đồng người Mường nói riêng và bản sắc văn hoá dân tộc Việt Nam nói chung.