Dù mong hoặc không, Tết vẫn về đúng hẹn. Nhà nhà đoàn tụ, sum vầy, xúng xính áo mới cùng cỗ bàn. Lớn, bé, già, trẻ hoan hỉ chúc nhau bằng những lời tốt đẹp nhất. Nhưng khi Tết đến, Xuân về, vẫn có những phận người phải bươn trải, chắt chiu từng đồng vì nỗi lo cơm áo. Nên dù đi giữa những ngày xuân nhưng trong lòng họ Tết dường như chưa về trong tổ ấm.
Ngày Tết, rạo rực nhất là thời khắc chuyển canh giao thừa. Ai nấy đều phấn chấn mừng ngày đầu tiên của một năm mới được mở ra với bao hy vọng. Cũng vào thời khắc đó, nhiều người lại trở nên bận rộn hơn vì phải bươn trải mưu sinh.
Chị Phan Thị Bích Hòa, người bán hàng ở đền Xương Rồng (TP. Thái Nguyên) nói bùi ngùi: Gia đình tôi sống nhờ lộc Xuân, nên mấy ngày Tết chẳng mấy ai ở nhà. Tất cả ra khu vực đền, người bán sớ, người tham gia trông giữ xe. Tết là “của người ta”. Bù lại, có ngày gia đình tôi thu được vài triệu đồng.
Có rất nhiều người lao động tự do như chị Hòa. Họ ngóng đợi ngày Tết mau về, nhưng không phải để gia đình đoàn viên, mà có thêm cơ hội kiếm thêm chút thu nhập, để ra Giêng "ngày rộng tháng dài", nhỡ không kiếm được việc làm còn có cái để chi phí cho những sinh hoạt tối thiểu.
Họ chủ yếu làm những công việc phục vụ cho Tết, như bán hàng mã, đồ lễ dâng sao giải hạn, đồ chơi trẻ em, quà lưu niệm, đánh giày, dịch vụ dọn dẹp nhà cửa, chở thuê đào, quất... Những năm gần đây, có thêm người mài mực viết sớ, bán chữ, bán tranh. Họ đến từ nhiều nơi khác nhau, có hoàn cảnh khác nhau nhưng chung một mục đích là cố gắng kiếm tiền để trang trải cuộc sống, chứ chưa có điều kiện để thảnh thơi, vui vầy trong những ngày Tết.
Đến gần chùa Phù Liễn, tôi gặp bà Hoàng Thị Thắm đang cặm cụi sửa lại mẹt hàng bày bán “cành vàng lá ngọc”. Thấy chúng tôi, bà mau mải mời chào, rồi kể lể: Tết năm nào tôi cũng… đóng cửa đi ăn mày nhà Phật. Năm nay cũng thế, bán hàng ngày Tết rất thuận tay, vì người đi chơi Tết như các bác rất ít khi mặc cả, có khi còn mừng tuổi cho "em" nữa...
Ngoài các khu vực đền, chùa, đông vui nhất phải kể đến khu vực đảo tròn trước cổng Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam; các tuyến đường giáp với sân Quảng trường Võ Nguyên Giáp; trước khu vực Trung tâm Văn hóa - Nghệ thuật tỉnh… luôn diễn ra các hoạt động vui chơi, giải trí hấp dẫn. Nhiều nhất là dịch vụ trưng bày cảnh sắc cho người đi chơi Xuân chụp ảnh, livestream; rồi hàng rong chủ yếu là bóng bay khí Hydro; đồ chơi dành cho trẻ em…
Anh Trần Minh Tuấn, thợ chụp ảnh ở khu vực đường tròn, cho biết: Thời chụp ảnh máy cơ, chụp phim còn dễ làm ăn. Sang thời chụp ảnh số thật khó khăn, nhiều người chuyển nghề khác. Vì bây giờ hầu như ai cũng có điện thoại thông minh, toàn dân đều có thể chụp được ảnh đẹp.
Số người bám lại với nghề như anh Tuấn không nhiều. Nhưng để tồn tại, họ chuyển hướng làm mới, phù hợp với thời công nghệ số. Đó là cách tạo dựng riêng cho mình một khung cảnh đẹp, phổ biến nhất là cảnh tuyết rơi bên trời Âu; hoặc như núi Phú Sĩ có đỉnh cao nhất trong hệ thống núi non Nhật Bản; giản đơn thì mấy cành đào giả được trang trí thêm bằng vô số bông tuyết giả, phù hợp với tiết trời đầu Xuân. Nhìn đẹp, lạ, kích thích thị giác, các bạn trẻ kéo nhau vào thuê chỗ chụp ảnh, livestream.
Chị Nguyễn Thị Liên, vợ anh Tuấn, cho biết: Vợ chồng tôi đầu tư hơn 3 triệu đồng để dựng lên khung cảnh này. Vừa cho bạn trẻ thuê chụp chơi, còn ai có nhu cầu nhờ chụp thì giúp lấy tiền công. Mỗi dịp Tết, trừ tiền đầu tư, tôi cũng có lãi hơn chục triệu đồng.
Ngay trước cổng Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam, một nhóm bạn sinh viên ríu rít bơm, bán bóng bay khí Hydro cho trẻ nhỏ. Một bạn nói với tôi: Tranh thủ mấy ngày Tết, vừa có thêm tiền tiêu, lại được trải nghiệm cuộc sống… Một bạn khác chen lời: Chúng em đi bán bóng bay không phải vì bố mẹ nghèo khó, mà vì “mình thích thì mình làm thôi”, muốn thử sức xem cái cảm giác làm ra tiền “nó” sung sướng như thế nào.
Tôi nhận ra sự năng động của các bạn trẻ qua cách trò chuyện hồn nhiên ấy. Bởi thực tế có nhiều bạn sinh viên mong Tết đến, để được trở về nhà đoàn viên cùng gia đình, thỏa sức xả hơi sau kỳ trả bài thi học phần. Nhưng cũng có không ít sinh viên con nhà nghèo tranh thủ mấy ngày Tết ra phố bán hàng rong lấy tiền đóng học.
Nguyễn Thị Minh, sinh viên Trường Đại học Sư phạm (Đại học Thái Nguyên) chia sẻ với chúng tôi: Em quê Thanh Hóa. Tết không về, em ở lại Thái Nguyên đi bán hàng rong… Giây lát dừng lời vì xúc động, Minh lấy tay áo lau vội giọt nước mắt, cười ngượng rồi tiếp tục câu chuyện: Năm nào vào dịp Tết Nguyên đán, bố mẹ em cũng ra Hà Nội, nhập vào đội quân bán hàng rong. Nên có về thì em cũng không gặp được bố mẹ.
Với những người ở xa, họ phải thuê nhà trọ lấy chỗ tá túc qua đêm mới thực sự khó khăn. Quanh năm sống tạm bợ, mỗi ngày mở mắt ra, không dám ăn tiêu đã vội vã đẩy cái cửa hàng di động đi dọc các ngõ phố.
Chị Bùi Thị Thuốn, quê Hưng Yên, cho biết: Nghe ở Thái Nguyên “đất lành chim đậu”, vợ chồng tôi gửi con cho ông bà nội ở quê nuôi giúp, dắt nhau lên Thái Nguyên thuê nhà trọ, đăng ký sống tạm trú gần 3 năm nay. Chồng làm síp-pơ, còn tôi bán hàng rong. Tết nào cũng ở lại Thái Nguyên, Giao thừa vợ chồng ôm nhau trong nhà trọ khóc vì nhớ con. Nhưng vì cuộc sống, chúng tôi phải ở lại, phải ra đường mấy ngày Tết để kiếm thêm thu nhập. Vợ chồng động viên nhau: Khi thiên hạ rủ nhau đi chơi thì mình đi kiếm sống. Song bù lại, vợ chồng mình có thêm thu nhập. Đợi ngày Tết qua, mọi người trở lại với công việc hằng ngày, mình mới về quê, ăn Tết muộn cùng bố mẹ già, con nhỏ...
Những phận đời lam lũ tôi gặp đang gom nhặt từng đồng tiền công từ sức lao động của mình. Họ đang đi giữa những mùa Xuân của cuộc đời, và góp phần làm cho cuộc đời trở nên đẹp đẽ hơn.