Văn hóa

Bản sắc văn hóa trong các phong tục ngày Tết ở Tây Bắc

Nguyễn Thế Lượng 10/02/2024 - 11:17

Tết đến, Xuân về, đồng bào các dân tộc thiểu số vùng Tây Bắc lại tổ chức diễn xướng các nghi lễ, các phong tục độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa cổ truyền. Qua đó, mỗi cộng đồng dân tộc trong các bản làng luôn ý thức giữ gìn và trao truyền những giá trị văn hóa của dân tộc mình, đồng thời, gửi gắm và thể hiện trong đó những triết lý nhân sinh trong đời sống...

Lễ cầu miếu của người Dao

Khi Xuân về, đồng bào Dao trong các bản vùng Tây Bắc lại tấp nập, nô nức chuẩn bị các công việc cho việc đón Tết, trong đó, không thể thiếu được là sự chuẩn bị của cả bản để tổ chức lễ cúng miếu sao cho chu tất để có được một năm may mắn. Công việc này được các bản Dao chuẩn bị từ trước Tết với các lễ vật như gà, hoa quả, gạo nếp, tiền vàng. Lễ vật do các gia đình trong bản tự nguyện đóng góp, cùng nhau sắm lễ và cùng nhau dâng cúng thần linh. Với quan niệm, mỗi bản làng đều có thần linh cai quản, thần linh ban cho con người cuộc sống ấm no, hạnh phúc, ban cho hạt thóc đầy bồ, cá đầy suối, nước đầy nguồn, rừng luôn xanh tốt, vì thế con người luôn phải biết ơn thần linh, mỗi khi mùa Xuân về, bản làng phải sắm lễ để dâng thần linh tại miếu của bản để cầu mong một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, con người khỏe mạnh.

9-2-tay-bac.png
Đồng bào dân tộc Dao vùng Tây Bắc hiện vẫn lưu giữ bản sắc văn hóa và trao truyền những phong tục ngày tết.

Miếu của đồng bào Dao thường được dựng bằng cột gỗ hoặc xây bằng gạch, thường được đặt ở nơi rừng thiêng hoặc dưới gốc cây to. Khi đến ngày cúng miếu, dân bản tập trung ở cửa miếu, bày lễ vật đã chuẩn bị vào ban thờ của miếu, thắp hương, đèn, sau đó, bầu ra 3 người thay mặt cho bản tiến hành cúng thần linh. Người đại diện cúng chính đọc lời khấn, cầu xin thần linh ban phúc cho cả bản năm mới nhà nhà được khỏe mạnh, bình an, no đủ, vật nuôi được sinh sôi, đông đàn dài lũ. Sau khi lễ cúng thần linh tại miếu kết thúc, mọi người sẽ trở về nhà của một gia đình được chọn làm nơi tập trung để cúng tổ tiên, cầu xin tổ tiên phù hộ cho năm mới được bình an, khỏe mạnh, mùa màng bội thu. Sau lễ cúng, các thành viên trong bản sẽ cùng nhau ăn uống, trò chuyện và bàn bạc những vấn đề của bản trong năm mới.

Lễ cầu miếu của đồng bào dân tộc Dao mang đậm giá trị nhân văn, thể hiện sự đoàn kết, khát vọng ấm no, hạnh phúc, bình yên của cộng đồng. Lễ cúng đã góp phần làm nên sự độc đáo trong văn hóa dân gian của đồng bào Dao Tây Bắc.

Lcúng thần tài của đồng bào Mông

Đối với đồng bào Mông ở Tây Bắc, sau nghi lễ cúng “Sâu su” vào mồng 1 Tết thì sang mồng 2 Tết, đồng bào tổ chức nghi lễ cúng thần tài tại gia đình. Lễ cúng đơn giản, nhanh gọn xong mang đậm yếu tố tâm linh và mong ước bình dị của đồng bào Mông. Theo quan niệm của người Mông gồm thần tài và thần cửa là một cặp đôi (Sỷ cang sà sình và nả trí đang trồng), thần tài là người ban phước ban lộc, phù hộ cho chủ gia đình không ốm đau, bệnh tật, con cái sum vầy, gia súc, gia cầm đầy chuồng, mùa màng bội thu còn ông thần cửa quản lý chung mọi gia tài, gia sản và quản lý con người trong gia đình, dù gia đình có hạnh phúc, ấm no và kinh tế phát triển đi chăng nữa mà thần cửa không giữ lại thì sẽ tan gia bại sản, con người ốm đau bệnh tật triền miên.

9-2-tay-bac-2.png
Đồng bào dân tộc Mông xuống chợ ngày xuân.

Cúng thần tài được đồng bào Mông ở Tây Bắc tổ chức vào sáng mồng 2 Tết. Lễ cúng nhằm để người Mông tại các bản xem trước vận hạn của mình trong năm tốt hay xấu. Nếu lễ cúng trong ngày mồng 2 mà xem được vận hạn thì coi như nghi lễ cúng đã xong, còn nếu không xem được thì phải đợi đến ngày 15 hoặc 16 tháng Giêng tiếp tục làm lễ cúng để xem vận hạn trong năm của gia đình. Lễ cúng thần tài cũng gắn liền với sự cầu mong xua đi những rủi ro, những vận hạn trong năm, mong muốn mọi người trong gia đình được khỏe mạnh, bình yên và gặp nhiều may mắn và mùa màng bội thu, chăn nuôi phát triển tốt.

Để tổ chức lễ cúng, gia đình người Mông chuẩn bị một con gà trống, giấy đỏ, hương. Giấy đỏ được dán lên ban thờ thần tài và đầu hồi cửa chính, khi nghi lễ bắt đầu, người cúng cầm con gà trống còn sống vái lạy và mời thần tài, thần linh và thần cửa về gia đình nhận lễ. Sau đó đưa gà cho người nhà đi mổ, luộc rồi đặt lên ban thờ để cúng. Người cúng chọn lấy 10 cọng lông gà đẹp, ba cọng dán vào tờ giấy đỏ trên ban thờ thần tài, 3 cọng dán vào chỗ thờ tổ tiên, 1 cọng dán vào lọ cắm hương, 3 cọng dán trên đầu hồi cửa chính. Ngoài ra người Mông cũng thắp hương và cắm hương vào chân cột cái trong nhà và bếp chính. Theo quan niệm của đồng bào Mông, đây là trụ cột trong nhà, ngoài việc nâng đỡ ngôi nhà, cột cái còn có ý nghĩa tâm linh, là nơi ngự của thần linh, là tứ trụ trong nhà, còn bếp lửa là nơi sưởi ấm cho gia đình. Khi khấn cúng xong, người cúng cầm chân gà lên xem. Xem xong chân gà, người cúng sẽ cho cả nhà biết vận hạn trong năm và mong muốn mọi người biết mà cẩn thận để tránh.

Ông Lý Chiến Gìn, dân tộc Mông, chuyên viên Ban Dân vận Huyện ủy Bảo Yên (Lào Cai) chia sẻ: “Lễ cúng thần tài của đồng bào Mông ở Tây Bắc là nghi lễ cổ truyền, gắn với đời sống tâm linh và ước mong của con người trong năm mới luôn mạnh khỏe, tránh được những rủi ro, tai ương không mong muốn, cầu mong thần phù hộ, che chở cho đại gia đình không ốm đau bệnh tật, gia súc, gia cầm đầy sân, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu”.

Lễ mừng lên lão, làm vía của người Nùng

Đồng bào dân tộc Nùng ở một số địa phương vùng Tây Bắc có phong tục mừng lên lão gắn với tục làm vía cho người già trong gia đình với cách tổ chức độc đáo, giàu giá trị nhân văn. Phong tục này được đồng bào Nùng duy trì, tổ chức vào mỗi dịp Tết đến, Xuân về.

Lễ mừng lên lão gắn với tục làm vía được người Nùng Tây Bắc tổ chức vào dịp người già có tuổi chẵn (60, 65, 70, 75, 80, 85, 90, 95…), và khi người già trong nhà bước vào tuổi 70 trở lên. Bình thường, người Nùng tổ chức lễ mừng lên lão thường gắn với làm vía, mừng tuổi cho người già. Thời gian tổ chức thường là đầu năm, tháng Giêng, tháng Hai, trừ trường hợp đặc biệt làm vào cuối năm (tháng 8, 9, 10). Mùa Xuân ấm áp, mùa Thu mát mẻ, công việc lúc nông nhàn là những thời điểm thích hợp cho việc tổ chức lễ mừng lên lão. Với ý nghĩa mừng cho ông bà thêm tuổi, thêm sức khỏe.

9-2-tay-bac-3.png
Trường THPT số 1 Bảo Yên (Lào Cai) ngoại khóa tái hiện các nghi lễ dân gian của các dân tộc Tây Bắc.

Người Nùng thường tổ chức lễ mừng lên lão bằng một trong hai cách, đó là lấy Bụt (người làm bụt) từ chiều hôm trước đến sáng hôm sau hoặc lấy thầy cúng (1 đêm). Lễ vật gồm có: Gà, vịt, bánh giầy (bánh to bằng khay uống nước) xếp một nong. Con cháu nội, ngoại mỗi nhà có 4 chiếc bánh con, 2 chiếc bánh to xếp vào mâm. Con gái cả chuẩn bị 1 con gà thiến to, béo luộc. Thắp hương (con gái cả thực hiện) 15 - 20 phút, đốt vàng. Vàng do nhà tự cắt, cuốn. Một loại tượng trưng bạc thoi, một loại dài hơn (7 - 8 cm) cắt như hình đồng xu tượng trưng cho bạc nén. Ngoài ra còn cắt hình con ngựa để đón các quan thần linh, tổ tiên về chung vui, chứng giám làm lễ, để nghênh tiến các ngài về. Người Nùng thường dùng bạc trắng, cắt bằng giấy bản để làm lễ mừng lên lão.

Lễ mừng lên lão của người Nùng tùy theo điều kiện của mỗi gia đình để tổ chức to hay nhỏ, miễn là thể hiện lòng thành kính, biết ơn đối với các bậc cao niên trong gia đình. Thủ tục mừng lên lão được tiến hành gồm buổi ngồi ăn cơm tối. Gia đình có một mâm đặt 1 tờ giấy đỏ vào trong, nếu lên lão (giấy vàng). Gia đình có một người đứng lên đại diện, tổ chức mừng thọ cho ông (bà), cảm ơn khách, nếu có quà đặt vào trong mâm. Lễ cúng (chiều hôm trước) đến sáng hôm sau gồm có: Gà trống, vịt, một miếng thịt lợn (1kg). Bánh tự làm gồm bánh giầy, bánh chưng (vuông), bánh tò te bằng cái chén.

Lễ mừng lên lão gắn với làm vía của đồng bào Nùng Tây Bắc là một phong tục đẹp, thể hiện nếp sống văn hóa, tình nghĩa của mỗi gia đình người Nùng nơi đây. Lễ mừng lên lão thể hiện ý nghĩa mừng cho ông, bà trong gia đình thêm tuổi, thêm sức khỏe, là sự biết ơn, thành tích và là lời chúc tốt đẹp của con cháu đối với các bậc sinh thành.

Tổ chức các phong tục gắn với các hoạt động vui xuân của đồng bào các dân tộc thiểu số vùng Tây Bắc là yếu tố quan trọng để giữ gìn bản sắc cổ truyền của mỗi dân tộc, để mạch nguồn văn hóa được lan tỏa trong cộng đồng và hòa vào dòng chảy văn hóa của dân tộc Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật
Thủ tướng: Trẻ em là hạnh phúc của mỗi gia đình, là tương lai của đất nước
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ đầu tư cho trẻ em là đầu tư cho tương lai đất nước; làm tốt công tác này là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, gia đình, nhà trường, toàn xã hội.
Tin mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO