Vấn đề khởi nghiệp của thanh niên vùng dân tộc thiểu số (DTTS) những năm qua luôn nhận được sự quan tâm của các cấp chính quyền. Cũng bởi vậy mà nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ được ban hành, tiếp sức hiện thực hóa ý tưởng khởi nghiệp của thanh niên vùng dân tộc thiểu số và miền núi (MN).
Sinh ra và lớn lên tại huyện miền núi Như Thanh, sau khi tốt nghiệp đại học, anh Nguyễn Danh Hoàng (xã Mậu Lâm) luôn khát khao được trở về, tận dụng nguồn tài nguyên bản địa để phát triển kinh tế, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương. Sau thời gian làm việc tại Hà Nội, năm 2015 anh Hoàng trở về địa phương, xây dựng mô hình kinh tế tổng hợp. Ban đầu, anh chỉ trồng trọt, chăn nuôi gà, vịt. Tuy nhiên, do chưa có nhiều kinh nghiệm, lại gặp thiên tai, việc trồng trọt, chăn nuôi không hiệu quả. Không nản chí, anh làm lại từ đầu.
Từ việc tham quan và học hỏi các mô hình phát triển kinh tế mới trong và ngoài tỉnh, học tập kinh nghiệm và kiến thức thông qua các hội, nhóm, anh nhận ra lý do tại sao việc trồng rau và cây ăn quả chưa đạt hiệu quả cao, chăn nuôi theo phương thức sản xuất cũ khiến vật nuôi chậm phát triển. Năm 2017 anh quyết định khởi nghiệp lần hai. Lần này anh nhận được hỗ trợ từ nguồn vốn vay ưu đãi cho thanh niên khởi nghiệp với số tiền 100 triệu đồng. Anh đã nhận thầu 8 ha đất, trong đó sử dụng 2 ha để xây dựng chuồng nuôi lợn, gà, nuôi ong lấy mật... còn lại 6 ha kết hợp trồng rừng kinh tế. Anh thuê nhân công lắp đặt chuồng nuôi gà an toàn, xung quanh được bao bằng thép lưới và luôn thoáng mát, khép kín, ánh sáng và độ ẩm được thiết kế phù hợp với từng giai đoạn phát triển của gà con.
Theo anh Hoàng, nguồn vốn vay ưu đãi hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp thực sự là “cứu cánh” để anh thành công như hôm nay. Anh Hoàng chia sẻ: “Con đường khởi nghiệp của thanh niên nhất là với thanh niên MN gặp rất nhiều khó khăn, trong đó lớn nhất là vấn đề tài chính. Hầu hết thanh niên nơi đây có xuất phát điểm thấp, nguồn vốn tích lũy đầu tư kinh doanh không nhiều, nguồn hỗ trợ từ người thân, gia đình hạn chế. Do vậy, nguồn vốn vay khởi nghiệp từ các kênh của đoàn thanh niên đã trở thành chỗ dựa tin cậy, giúp thanh niên dám nghĩ, dám làm”.
Đến nay, trang trại của anh có 3.000 con gà trống và gà ri, 200 con lợn nái, 50 gốc bưởi, 150 trụ thanh long... cho doanh thu mỗi năm khoảng 4 tỷ đồng. Các sản phẩm từ trang trại xuất bán trên địa bàn Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Nội.
Không chỉ anh Hoàng, rất nhiều thanh niên tại huyện Như Thanh nói riêng và Thanh Hóa nói chung được nhận nguồn vốn vay ưu đãi cho thanh niên khởi nghiệp, giúp họ giảm bớt gánh nặng tài chính và vững tin hơn trên con đường khởi nghiệp đầy gian nan.
Đồng hành với thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp, Huyện đoàn Như Thanh đã xây dựng, phát triển hiệu quả nhiều mô hình kinh tế tập thể, cá nhân nhằm thu hút, tập hợp, giải quyết việc làm, tăng thêm thu nhập, ổn định cuộc sống cho thanh niên. Hầu hết các mô hình đều được tiếp cận các nguồn vốn hỗ trợ khởi nghiệp, ủy thác giải quyết việc làm từ Ngân hàng Chính sách xã hội, Trung ương Đoàn Thanh niên... Trong đó, có 61 đoàn viên, thanh niên được nhận nguồn vốn ưu đãi hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp của tỉnh Thanh Hóa với tổng nguồn vốn gần 5 tỷ đồng. 17 mô hình nhận nguồn vốn ủy thác địa phương với tổng số tiền trên 1,5 tỷ đồng. 763 hộ thanh niên được vay nguồn vốn ủy thác do đoàn thanh niên quản lý với tổng số tiền là 36,2 tỷ đồng. 6 mô hình phát triển kinh tế của bí thư, phó bí thư chi đoàn cơ sở nhận được nguồn vốn vay từ chương trình “Bí thư chi đoàn tiên phong khởi nghiệp”...
Phó Bí thư Huyện đoàn Như Thanh Bùi Văn Lãm, cho biết: “Bên cạnh hỗ trợ nguồn vốn, huyện đoàn còn triển khai các hoạt động nhằm hỗ trợ quảng bá, giới thiệu sản phẩm cho đoàn viên, thanh niên như thành lập chuyên mục kết nối cung cầu trên hệ thống mạng xã hội zalo, facebook của đoàn, trưng bày và giới thiệu sản phẩm tại các hoạt động lớn của đoàn... Hiện toàn huyện có 14 câu lạc bộ (CLB) thanh niên khởi nghiệp với tổng 295 thành viên. Các CLB đã và đang phát huy hiệu quả giúp thanh niên nhân rộng các mô hình kinh tế hiệu quả"...
Tại huyện Cẩm Thủy, nguồn vốn vay ưu đãi đã hỗ trợ đắc lực cho thanh niên khởi nghiệp, hình thành nên các mô hình kinh tế hiệu quả, cho thu nhập bình quân trên 100 triệu đồng/năm như mô hình chăn nuôi bò, dê của Lương Ngọc Quý (Cẩm Tâm); nuôi lợn ngoại sinh sản của Phạm Phi Khanh (Cẩm Châu); trồng rau màu sạch của Nguyễn Văn Lộc (Cẩm Thạch); nuôi gà kết hợp cây ăn quả của Phùng Văn Dũng (Cẩm Tân); sửa chữa điện tử, điện dân dụng của Lê Anh Tú (Cẩm Liên)...
Không chỉ Cẩm Thủy, Như Thanh, mà tất cả các địa phương trong tỉnh đều có chính sách hỗ trợ, đồng hành cùng thanh niên khởi nghiệp. Trong đó, tổ chức đoàn các cấp đã làm tốt vai trò cầu nối để thanh niên, nhất là thanh niên vùng đồng bào DTTS tiếp cận các nguồn vốn vay để giải quyết việc làm, ổn định sinh kế. Đồng thời, tạo điều kiện giao đất, giao rừng, tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi, học tập kinh nghiệm...
Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án “Chương trình tín dụng ưu đãi hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp giai đoạn 2017-2020” và sửa đổi, bổ sung theo Quyết định số 741/QĐ-UBND ngày 28/2/2020. Đây là việc làm kịp thời, thiết thực, có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, thể hiện sự quan tâm của tỉnh đối với phong trào thanh niên khởi sự doanh nghiệp, xung kích phát triển kinh tế.
Đến nay, nguồn vốn chương trình thanh niên khởi nghiệp đạt trên 70 tỷ đồng, với hơn 1.000 dự án được hỗ trợ về vốn. Nhờ nguồn vốn, nhiều mô hình kinh tế trong thanh niên được hình thành và phát triển, có hiệu quả kinh tế cao, trong đó có những mô hình cho doanh thu lên đến 50 tỷ đồng/năm, tạo việc làm cho hàng trăm lao động địa phương. Tiêu biểu như: Dự án làm nhà màng lưới, trồng rau an toàn tại các huyện Nga Sơn, Lang Chánh; dự án trồng cây ăn quả tại các huyện Yên Định, Triệu Sơn, Cẩm Thủy, Ngọc Lặc; dự án ươm, trồng cây tại huyện Quảng Xương; dự án trồng cây cảnh đào, quất tại huyện Như Thanh... Bên cạnh đó, thanh niên khởi nghiệp còn được tiếp cận nguồn vốn vay Quỹ quốc gia về việc làm Trung ương Đoàn (nguồn vốn 120), vốn vay ủy thác của Ngân hàng Chính sách... Ngoài ra, thanh niên vùng DTTS được nhận hỗ trợ thiết thực, nguồn vốn hỗ trợ từ Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ 2021-2025 (gọi tắt Chương trình 1719). Trong đó có nội dung số 3 thuộc tiểu dự án 2, dự án 3: Thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào DTTS&MN thuộc Chương trình 1719 trên địa bàn Thanh Hóa.
Chắp cánh cho thanh niên vùng DTTS khởi nghiệp, chính quyền cùng với các cấp, các ngành đã và đang dành nhiều ưu tiên, quan tâm, nhất là hỗ trợ về nguồn vốn vay, khích lệ thanh niên khởi nghiệp, hiện thực hóa ước mơ, góp phần quan trọng vào việc tập hợp, đoàn kết thanh niên, phát triển kinh tế - xã hội địa phương.