Không chỉ lôi cuốn bởi nét phong tục, tập quán, phong cảnh nên thơ, trữ tình, khí hậu trong lành cùng các món ăn độc đáo, từ bao đời nay đồng bào dân tộc Thái ở bản Bút, xã Nam Xuân (Quan Hóa, Thanh Hoá) vẫn gìn giữ nghề làm rượu cần truyền thống.
Bên cạnh việc phát huy tiềm năng, thế mạnh về điều kiện tự nhiên, khí hậu, nhân văn để phát triển du lịch sinh thái cộng đồng, đồng bào Thái ở bản Bút vẫn gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc mình, trong đó có nghề làm rượu cần truyền thống. Đối với người dân, thứ đồ uống này luôn chiếm vị trí quan trọng, gắn liền với chu trình sinh trưởng của cây trồng, mùa vụ, với vòng đời mỗi con người và các lễ thức. Nghề làm rượu cần ở xã Nam Xuân có từ lâu đời, nhà nào ít cũng có 3 – 5 bình rượu.
Bản Bút là nơi có nhiều người còn giữ nghề làm rượu cần, với khoảng hơn 20 hộ dân. Sản phẩm không chỉ phục vụ gia đình mà còn bán ra thị trường, phục vụ khách du lịch.
Theo chia sẻ của một số cụ cao niên ở bản Bút, rượu cần luôn chiếm một vị trí quan trọng và gắn bó thân thiết trong cuộc sống thường ngày của đồng bào Thái, được mọi người yêu thích và sử dụng. Rượu cần không chỉ là đồ uống bình thường mà đã được nâng lên thành “văn hóa rượu cần” gắn kết giữa cá nhân với cộng đồng làng xã, xích lại gần nhau trong niềm vui cộng cảm. Để làm được món rượu truyền thống này không phải dễ. Từ cách chọn lựa nguyên liệu làm men cho đến công đoạn ủ, chưng cất rượu, tất cả được làm bằng niềm đam mê, sự kiên trì, gửi trọn cái tâm, cái tình của mình mới có thể tạo ra hương vị đặc trưng...
Năm nay đã ở cái tuổi “xưa nay hiếm”, nhưng bà Lương Thị Nhã (72 tuổi, bản Bút) vẫn miệt mài, tâm huyết với nghề làm rượu cần truyền thống của cha ông. Với bà Nhã, làm rượu cần là bởi đam mê và tình yêu đối với văn hóa truyền thống dân tộc mình, chứ không đơn thuần chỉ vì kinh tế. Năm 15 tuổi, bà Nhã đã học nghề làm rượu cần. Những thứ lá như: gừng, trầu không, ớt, riềng, quế, nhân trần, hương nhu đỏ... rồi đến các kỹ thuật cơ bản để làm men truyền thống bà đều nắm vững. Bà Nhã chia sẻ: Do khí hậu ở bản Bút quanh năm mát mẻ, cây cối tốt tươi, bà con thường tận dụng những nguyên liệu sẵn có để tạo ra hương vị đặc trưng riêng của rượu cần nơi đây. Làm ra một bình rượu cần ngon, các công đoạn đều phải thực hiện tỉ mỉ, công phu. Sau khi tạo được loại men chất lượng, giã thành bột, rắc đều lên các nguyên liệu dùng để ủ rượu như sắn, cơm nếp, sau đó cho vào bình ủ, đậy kín miệng. Sau 1 tháng có thể dùng được. Gia đình bà Nhã duy trì nghề làm rượu cần đã nhiều năm nay, từ khi Khu Du lịch sinh thái bản Bút phát triển, được du khách biết đến, bà sản xuất rượu cần nhiều hơn. Trong nhà, luôn có khoảng 30 - 40 bình rượu thể tích khác nhau, cung cấp cho các khu lưu trú, bán hoặc phục vụ các nhà hàng trong và ngoài huyện. Trung bình mỗi tháng gia đình bán được trên dưới 10 bình rượu cần.
“Năm 2023, đảng ủy xã đã ban hành nghị quyết về “Bảo tồn, gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch sinh thái cộng đồng, trong đó phát triển nghề truyền thống. Đối với nghề làm rượu cần ở bản Bút, địa phương đang tích cực đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các hộ dân duy trì nghề, phát triển diện tích trồng sắn nguyên liệu. Hỗ trợ các hộ giới thiệu, quảng bá sản phẩm ở các sự kiện trong và ngoài huyện. Định hướng thời gian tới sẽ xây dựng rượu cần thành sản phẩm OCOP với mong muốn gìn giữ nghề, góp phần tăng thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống vật chất, tinh thần cho bà con”, bà Phạm Thị Nhị, Phó Chủ tịch UBND xã Nam Xuân, cho biết.