Gỡ "nút thắt" đào tạo nghề cho thanh niên dân tộc thiểu số
Mai Nhân•06/04/2024 - 15:57
Những năm qua, đào tạo nghề cho thanh niên dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn tỉnh đã có nhiều đổi mới, bước tiến tích cực. Số lượng học viên theo học và tỷ lệ có việc làm sau đào tạo theo chiều hướng gia tăng, các ngành nghề đa dạng và sát thực tiễn, không ít ngành nghề theo diện doanh nghiệp đặt hàng. Tuy nhiên, bên cạnh đó, vẫn còn một số khó khăn trong việc đẩy mạnh công tác đào tạo nghề đối với đối tượng đặc thù này.
Em Hồ Thị Kim Hoàn (16 tuổi) ở bản Cổ Tràng, xã Trường Sơn (Quảng Ninh) hiện đang theo học nghề may tại Trường cao đẳng (CĐ) Nghề Quảng Bình. Được giáo viên chủ nhiệm lớp 9 chia sẻ thông tin và các thầy, cô Trường CĐ Nghề Quảng Bình lên tận trường để truyền thông về đào tạo nghề nên sau khi tốt nghiệp THCS, Kim Hoàn quyết định theo học nghề may với mong muốn trong tương lai sẽ tham gia xuất khẩu lao động chất lượng cao. Em chia sẻ, học ở trường, em được các thầy, cô tạo điều kiện và dành nhiều quan tâm trong việc học tập, sinh hoạt và làm quen bạn bè nên mọi lo lắng, bỡ ngỡ ban đầu đều không còn nữa.
Em Hồ Văn Huyết (18 tuổi) ở bản Hôi Rấy, xã Trường Sơn nung nấu ý định học nghề từ lâu bởi trong bản có hai anh cũng theo học nghề. Hồ Văn Huyết chia sẻ, sau đào tạo nghề, một anh đã đi xuất khẩu lao động, một anh có công việc ổn định ở Đồng Nai. Vì vậy, em quyết tâm chọn nghề hàn để theo học và sẽ tham gia đi xuất khẩu lao động sau khi hoàn thành việc học. Gia đình có 4 anh em, lại thuộc diện hộ nghèo, nên Hồ Văn Huyết kỳ vọng việc có một nghề được đào tạo bài bản sẽ mang lại nhiều cơ hội cho em trong tìm kiếm sinh kế phù hợp, giúp gia đình thoát nghèo.
Theo thầy giáo Dương Vũ Nhật Đồng, Hiệu trưởng Trường CĐ Nghề Quảng Bình, số lượng học sinh DTTS theo học tại trường có sự chuyển biến rõ rệt. Nếu năm 2021 chỉ có 9 học sinh tốt nghiệp, thì năm 2022, con số này tăng lên 69 học sinh và năm 2023 là 54 học sinh. Năm học 2023-2024, nhà trường có 73 học sinh DTTS đang theo học. Các nghề được ưa chuộng là chế biến món ăn, hàn, may thời trang, công nghiệp ô tô, điện công nghiệp… Tỷ lệ học sinh sau đào tạo tìm được việc làm tăng cao, trong đó, nghề hàn đạt 70%, nghề may đạt 80%, nghề máy công trình đạt 70%…
Bên cạnh triển khai các quy định liên quan đến đào tạo nghề cho thanh niên DTTS, như: Nghị định số 81/2021/NĐ-CP của Chính phủ, Quyết định số 53/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Nghị quyết số 17/2021/NQ-HĐND của HĐND tỉnh... Trường CĐ Nghề Quảng Bình hiện triển khai 2 chính sách “riêng” là hỗ trợ chỗ ở miễn phí tại ký túc xá và học phí học văn hóa đối với những em vừa học nghề, vừa học văn hóa. Trường cũng bố trí xe đưa đón các em về địa phương trong những đợt nghỉ; đồng thời, tích cực đổi mới công tác tuyển sinh với việc thường xuyên về các địa phương để truyền thông giới thiệu ngành nghề đào tạo và phối hợp chặt chẽ với các trường, qua đó có giải pháp tư vấn hướng nghiệp kịp thời, hiệu quả.
Thầy giáo Dương Vũ Nhật Đồng chia sẻ thêm, một trong những khó khăn đối với các em DTTS trong học nghề chính là vướng giữa độ tuổi học văn hóa và học nghề. Bởi học nghề chỉ trong 2 năm, nhưng học văn hóa phải thêm 1 năm nữa các em mới tốt nghiệp. Thời gian tới, bên cạnh những chính sách hiện có, nhà trường đề xuất miễn học phí cho cả hệ cao đẳng (hiện nay chỉ hỗ trợ hệ trung cấp).
Cùng với đó, đề nghị các cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu có chính sách đối với đồng bào DTTS không phải là hộ nghèo, hộ cận nghèo nhằm có hỗ trợ cho con em đồng bào được đi học nghề (chính sách nội trú theo Quyết định số 53 chỉ hỗ trợ cho đồng bào DTTS là hộ nghèo, hộ cận nghèo). Đặc biệt, công tác phân luồng học nghề từ cấp THCS cần được thực hiện hiệu quả hơn.
Hiện tại, Trường trung cấp Du lịch-Công nghệ số 9 lại không có học sinh DTTS nào. Thầy giáo Nguyễn Văn Lượng, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, trước đây, trường có một vài em DTTS theo học, được một thời gian các em lại bỏ học. Mặc dù nhà trường đã tích cực tuyên truyền, tư vấn hướng nghiệp và có chính sách hỗ trợ, nhưng hầu như các em không mặn mà theo học nghề.
Thực trạng trên cho thấy, rõ ràng để thu hút đối tượng thanh niên DTTS theo học nghề là một hành trình không dễ dàng. Bên cạnh triển khai hiệu quả các nghị quyết, nghị định và văn bản của Trung ương, địa phương, các trường nghề cần có sự năng động, đổi mới từ công tác tuyên truyền, truyền thông cho đến tuyển sinh, đào tạo, trong đó cần những chính sách đặc thù để ưu tiên cho đối tượng vốn dĩ gặp nhiều khó khăn này.
Ngoài ra, việc làm sau đào tạo đóng vai trò quan trọng, do đó, cần quan tâm nhiều hơn đến việc hỗ trợ tìm việc làm hoặc đào tạo theo đơn đặt hàng đối với thanh niên DTTS. Có như vậy, các em mới thật sự yên tâm theo học. Phía chính quyền, đoàn thể địa phương cũng cần có sự chú trọng đến việc tuyên truyền đào tạo nghề cho đồng bào DTTS, không xem đây là nhiệm vụ của riêng các trường nghề.
Theo Thông báo số 937-TB/TU, ngày 8/8/2023 về ý kiến của Thường trực Tỉnh ủy đối với một số vấn đề liên quan đến kế hoạch chuẩn bị năm học, kế hoạch tuyển sinh năm học 2023-2024, về đề xuất xem xét, có chính sách hỗ trợ cho học sinh là người đồng bào DTTS không phải là hộ nghèo, hộ cận nghèo tham gia học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp: Giao Ban cán sự Đảng UBND tỉnh lãnh đạo UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan tham mưu căn cứ Nghị quyết số 08-NQ/TU, ngày 10/6/2023 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển kinh tế-xã hội, giữ gìn bản sắc văn hóa, an ninh trật tự vùng đồng bào DTTS, biên giới và miền núi tỉnh giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 nhằm triển khai thực hiện bảo đảm khả thi, góp phần giúp cho con em vùng đồng bào DTTS có điều kiện tốt hơn để học tập.
Bình luận của bạn đã được gửi và sẽ hiển thị sau khi được duyệt bởi ban biên tập.
Ban biên tập giữ quyền biên tập nội dung bình luận để phù hợp với qui định nội dung của Báo.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ đầu tư cho trẻ em là đầu tư cho tương lai đất nước; làm tốt công tác này là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, gia đình, nhà trường, toàn xã hội.