Kinh tế

Triển vọng từ mô hình du lịch làng nghề sinh vật cảnh

Dương Thảo 03/04/2024 - 05:42

Trở thành “Điểm du lịch làng nghề sinh vật cảnh” của thành phố Hà Nội, là xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, mô hình kinh tế thương mại, du lịch, dịch vụ tại xã Hồng Vân, huyện Thường Tín, Hà Nội đã cho thấy hiệu quả trong việc khai thác những tiềm năng của địa phương. Xã phấn đấu đến năm 2025 trở thành điểm đến hấp dẫn trong hành trình du lịch và đưa kinh tế thương mại, dịch vụ, du lịch trở thành lĩnh vực mũi nhọn.

Về “miền cổ tích”

Là xã nông thôn mới nâng cao, xã Hồng Vân mang vẻ đẹp của vùng quê Bắc bộ với đầy đủ những nét đặc trưng. Cùng với đó là sự kết hợp vẻ đẹp hiện đại, sang trọng, tạo nên miền quê “phố trong làng” rất riêng, độc đáo.

Điểm nhấn “độc nhất vô nhị” ở Hồng Vân là những con đường hoa với những hàng hoa nối dài, thẳng hàng, tạo nên vẻ xanh tươi, dịu mát, tinh khiết. Hàng loạt những loài hoa khác nhau được trồng trên mỗi con đường như: Hoa ban, chuông vàng, cau, hoàng yến… khiến ai nấy đều bị thu hút khi đến đây.

333120049_571813874856619_1619701366014650134_n.jpg
Những đường hoa tại xã Hồng Vân đều mang vẻ đẹp đến nao lòng.

Phó Chủ tịch UBND xã Hồng Vân Nguyễn Văn Phượng cho biết, nhận thấy tiềm năng và thế mạnh trong lĩnh vực văn hóa, trồng trọt… chính quyền và nhân dân trong xã đã khai thác những lợi thế này, góp phần đưa bộ mặt xã ngày càng khang trang, hiện đại hơn. “Ngay cả việc trồng từng loài hoa trên mỗi con đường, chúng tôi cũng cân nhắc sao cho vừa mang tính thẩm mỹ vừa mang phong cách riêng. Việc chọn loài hoa gì, cách thức trồng, trồng ở đâu cũng được tính toán để gắn với văn hóa riêng của địa phương, mang lại nhiều ý nghĩa, giá trị về mọi mặt”, ông Phượng chia sẻ.

Tại xã, hệ thống cơ sở hạ tầng, giao thông, đường sá… đều được xây dựng khang trang, rộng rãi. Cùng với nguồn ngân sách, địa phương đã huy động được nguồn vốn xã hội hóa để phục vụ việc chỉnh trang bộ mặt nông thôn. Xã đã được đầu tư xây dựng Trung tâm văn hóa, thể thao với tổng diện tích hơn 14.500m2 đạt chuẩn theo quy định của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch; trường học 3 cấp của xã đều đạt chuẩn Quốc gia, trong đó có Trường Tiểu học và Trường Mầm non Hồng Vân đạt chuẩn Quốc gia mức 2…

425698122_796373719174213_6305108155920169547_n.jpg
Xã Hồng Vân được ví như “phố trong làng” vừa hiện đại vừa giữ được nét riêng.

Theo ông Phượng, để xây dựng làng quê với diện mạo khởi sắc như vậy, xã huy động cả sức dân cùng hệ thống chính quyền các cấp cùng vào cuộc. “Hàng năm, xã đã tổ chức phát động Tết trồng cây và tập trung chỉ đạo xây dựng, duy tu cảnh quan, môi trường, góp phần nâng cao chất lượng môi trường sống và phát triển du lịch. Toàn xã đã trồng hàng ngàn cây xanh… Phong trào thứ 7, ngày Chủ Nhật xanh được nhân dân tích cực thực hiện. Đồng thời, xã thực hiện tốt thu gom, vận chuyển rác thải; tỷ lệ rác thải được thu gom, xử lý hàng ngày đạt 100%”, ông Phượng nhấn mạnh.

Trong hoạt động sản xuất nông nghiệp, dù chiếm số lượng khiêm tốn nhưng xã đã phối hợp với Trạm bảo vệ thực vật huyện và các đoàn thể chính trị xã hội tổ chức tuyên truyền, tập huấn kiến thức, kỹ năng canh tác đảm bảo an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường cho hội viên. Nhờ đó sản phẩm nông nghiệp của xã hầu hết đều đáp ứng yêu cầu chất lượng.

Không chỉ là miền quê “phố trong làng”, xã Hồng Vân còn là cái nôi văn hóa với Truyền thuyết Chử Đồng Tử - Tiên Dung và tín ngưỡng thờ Mẫu cùng với nhiều di tích lịch sử, văn hóa (1 di tích lịch sử Quốc gia; 2 di tích lịch sử thành phố). Ngoài ra, địa danh “Chợ Mới ông Già” được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam tôn vinh giá trị kỷ lục là “Ngôi chợ lâu đời gắn liền với truyền thuyết Chử Đồng Tử thời Hùng Vương” cũng làm giàu thêm kho tàng văn hóa lịch sử đầy tự hào của địa phương.

Tìm tòi hướng đi riêng

Chia sẻ về quá trình phát triển của xã, ông Nguyễn Văn Phượng cho biết thêm, xã có 2 làng được UBND tỉnh Hà Tây cũ công nhận là Làng nghề sinh vật cảnh năm 2008 với nhiều nghệ nhân giỏi và các tác phẩm cây cảnh nghệ thuật nổi tiếng. Mới đây, mô hình du lịch nông thôn của xã cũng được UBND TP. Hà Nội công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao. Xã là một trong những địa phương có nhiều sản phẩm OCOP, các sản phẩm đều được thị trường đón nhận và tin dùng.

434944087_833254338819484_5245561303548611201_n.jpg
Những điểm tham quan tại xã đều gắn với thiên nhiên, rợp bóng mát.

Đánh giá về tình hình kinh tế của xã, ông Từ Đức Mạnh, Trưởng phòng Kinh tế huyện Thường Tín cho biết: Do khủng hoảng kinh tế năm 2011-2012 nghề sinh vật cảnh của xã bị ảnh hưởng rất lớn, nhiều cơ sở sản xuất phải ngừng hoạt động, kinh tế làng nghề đi xuống, thương mại dịch vụ giảm mạnh. Từ những khó khăn trên để tìm hướng đi mới cho sản xuất làng nghề, nhân dân địa phương đã cung cấp cho thị trường những sản phẩm cây cảnh bonsai, cây tiểu cảnh, cây công trình… đem lại nguồn thu nhập. Bằng sự tìm tòi, học hỏi, nhân dân trong xã phát triển thêm các sản phẩm mới như: Trà chùm ngây, kim ngân, trâu cổ… được đánh giá cao về chất lượng và cho thu nhập ổn định từ lĩnh vực trồng trọt vốn được coi là thế mạnh của xã.

Năm 2023, tổng giá trị thương mại, dịch vụ ước đạt 346,7 tỷ đồng, đạt 100,8% kế hoạch năm, tăng 16,5 % so với năm 2022. Số lao động trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ chiếm tỷ lệ 70,1%. Thu nhập bình quân đầu người đạt 60,5 triệu đồng/người/năm. Xã có thêm 7 sản phẩm tham gia chương trình OCOP, trong đó, 4 sản phẩm đạt OCOP 3 sao, 3 sản phẩm tiềm năng đạt 4 sao, tăng 3 sản phẩm so với năm 2022.

430104051_817792183699033_1830934020090785800_n.jpg
Du khách tới "check in" tại xã Hồng Vân đều cảm thấy hào hứng.

Để có được kết quả trên, theo Phó Chủ tịch xã Hồng Vân Nguyễn Văn Phượng, xã tập trung khai thác tiềm năng lợi thế trong lĩnh vực văn hóa, tìm cách làm riêng, ưu tiên phát triển các sản phẩm du lịch về văn hóa, tâm linh, truyền thuyết; dịch vụ vui chơi, giải trí; tổ chức các sự kiện; ẩm thực; lưu trú; trưng bày, quảng bá, giới thiệu sản phẩm làng nghề tiêu biểu và khai thác chuỗi liên kết với các địa phương trên địa bàn huyện và vùng lân cận. Đặc biệt là việc ưu tiên đầu tư xây dựng hạ tầng thiết yếu phục vụ du lịch, hỗ trợ các khu trải nghiệm, điểm dịch vụ du lịch đầu tư, quảng bá và phục vụ du khách.

Thực hiện phát triển kinh tế thương mại, du lịch, dịch vụ, làng nghề, xã đã xây dựng quy hoạch sử dụng đất gắn với xây dựng nông thôn mới, tập trung đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, thúc đẩy phát triển kinh tế hợp tác xã, chuyển dịch cơ cấu kinh tế sang kinh tế thương mại, dịch vụ, du lịch; thí điểm đưa các mô hình sản xuất nông nghiệp vào khai thác dịch vụ, du lịch theo chuỗi liên kết, góp phần nâng cao giá trị sử dụng đất. Nhờ đó, hình ảnh du lịch làng quê Hồng Vân đã có tiếng vang và tạo sức hút. Trung bình hàng năm xã đã đón 3,5 vạn lượt khách với giá trị ước đạt trên 10 tỷ đồng. Xã phấn đấu đến năm 2030 trở thành một phường xanh; lấy kinh tế thương mại, du lịch, dịch vụ, làng nghề là kinh tế chủ lực.

Bằng những kết quả của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng của nhân dân, trong thời gian tới, xã Hồng Vân sẽ tiếp tục đạt được nhiều thành tựu, xứng đáng là vùng nông thôn mới nâng cao của huyện Thường Tín.

(0) Bình luận
Nổi bật
Thủ tướng: Trẻ em là hạnh phúc của mỗi gia đình, là tương lai của đất nước
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ đầu tư cho trẻ em là đầu tư cho tương lai đất nước; làm tốt công tác này là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, gia đình, nhà trường, toàn xã hội.
Tin mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO