Hiện nay, huyện Ðầm Dơi, Cà Mau có 299 ha, với 492 hộ nuôi tôm thâm canh; hơn 1.500 ha, với hơn 1.900 hộ nuôi nuôi tôm siêu thâm canh. So với trước đây, diện tích nuôi tôm siêu thâm canh phát triển khá nhanh, vì hiệu quả kinh tế đem lại khá cao, bình quân đạt 30-40 tấn/ha/vụ.
Ông Hà Văn Dương, ấp Tân Thành B, xã Tạ An Khương Nam, thực hiện mô hình nuôi tôm thâm canh nhiều năm và chuyển sang nuôi siêu thâm canh từ năm 2020. Với gần 2 ha đất sản xuất, ông cải tạo để nuôi tôm siêu thâm canh, chi phí hơn 6 tỷ đồng. Trong đó, ông đào 5 ao nuôi với diện tích mỗi ao 5.100 m2, 1 ao dèo và nhiều ao xử lý. Mỗi năm ông thả nuôi 3 vụ tôm thẻ chân trắng, mỗi vụ 2 triệu con giống, mật độ nuôi khoảng 500 con/m2. Chỉ tính riêng trong năm 2023, ông Dương thu hoạch hơn 63 tấn tôm, khoảng 24 con/kg, giá bán 144 ngàn đồng/kg, sau khi trừ chi phí lãi gần 800 triệu đồng.
Ông Dương chia sẻ kinh nghiệm: “Ðể đảm bảo nuôi hiệu quả, cần phải đầu tư bài bản, đầy đủ từ điện đến quạt, oxy... Bên cạnh đó, cần chọn con giống tốt và kiểm tra cẩn thận chất lượng nước”.
Ngoài nuôi tôm siêu thâm canh, nông dân trong huyện còn thực hiện nhiều mô hình nuôi tôm có sự cải tiến về kỹ thuật như: nuôi tôm quảng canh cải tiến năng suất cao, nuôi tôm ít thay nước... đem lại hiệu quả kinh tế khá cao.
Sau thời gian nuôi tôm truyền thống không hiệu quả, hơn 2 năm nay, bà Nguyễn Thị Liễu, ấp Tân Trung, xã Tân Duyệt, thực hiện mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến 2 giai đoạn. Với 2 ha, mỗi tháng, bà Liễu thả tôm giống một lần, từ 20-40 ngàn con. Sau khoảng 10 ngày dèo, bà tiến hành thả vào vuông nuôi, tỷ lệ tôm đạt hơn 90% so với cách nuôi truyền thống. Mỗi tháng bà đặt lú bắt tôm 2 con nước, được khoảng 20 kg tôm, trọng lượng từ 27 con đến gần 22 con/kg. Hiện nay, chủ yếu bà bán tôm sú sống nên có giá tầm 280 ngàn đồng/kg/22 con, trừ chi phí lãi còn gần 10 triệu đồng. Khi nước cạn, bà châm thêm nước mặt.
“Nuôi tôm theo kiểu truyền thống hiệu quả không cao nên gia đình đã áp dụng nuôi quảng canh cải tiến 2 giai đoạn, bước đầu cho thấy hiệu quả. Tôi sẽ tiếp tục duy trì mô hình này để phát triển kinh tế thời gian tới”, bà Liễu chia sẻ.
Với sự mạnh dạn, chủ động áp dụng kỹ thuật trong sản xuất, tin rằng diện tích nuôi tôm siêu thâm canh và quảng canh cải tiến trên địa bàn huyện Ðầm Dơi thời gian tới sẽ phát triển hơn, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, khẳng định vị trí là vùng nuôi thủy sản trọng điểm của tỉnh.