Cách đây hơn 60 năm, người Rục (dân tộc Chứt) sống biệt lập trong rừng sâu, lấy hang đá làm nơi ở và cuộc sống dựa vào săn bắt hái lượm. Hơn nửa thế kỷ trôi qua, người Rục được Bộ đội Biên phòng (BĐBP) và địa phương đưa về định cư ở các bản Ón, Mò O Ồ Ồ, Yên Hợp (xã Thượng Hóa, Minh Hóa, Quảng Bình), cuộc sống phần lớn vẫn phụ thuộc trợ cấp của Nhà nước. Vậy nhưng, những năm gần đây, nhiều hộ đồng bào Rục đã biết cách trồng trọt, chăn nuôi để vươn lên làm giàu và tự nguyện làm đơn xin ra khỏi danh sách hộ nghèo.
Lan tỏa những lá đơn xin “thoát” nghèo
Năm 2019, gia đình anh Cao Xuân Lực và chị Cao Thị Liên ở bản Ón là hộ gia đình người Rục đầu tiên làm đơn xin ra khỏi danh sách hộ nghèo của xã Thượng Hóa. Anh Lực và chị Liên thuộc thế hệ người Rục thứ 2 sau khi rời hang đá.
Ở thời điểm đó, việc gia đình anh Lực làm đơn xin ra khỏi hộ nghèo khiến nhiều người bất ngờ, họ còn bảo gia đình anh: "Sao mà dại", Nhà nước "cho" hộ nghèo rồi còn viết đơn xin ra làm gì?". Anh Lực lại chia sẻ, Nhà nước cho anh nhiều rồi, nên phải suy nghĩ khác đi đừng ỷ lại vào Nhà nước. Nhà nước còn lo bao nhiêu việc và còn nhiều người thực sự khó khăn khác nữa, bản thân mình phải tự thân vận động mà vươn lên.
Không trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước nữa, từ khi làm đơn ra khỏi hộ nghèo, bằng sức trẻ và sự cần cù, chịu khó, đến nay, gia đình anh Lực và chị Liên đã thực sự có cuộc sống ngày càng ổn định hơn. Gia đình anh vẫn duy trì chăn nuôi trâu, bò, lợn, gà và trồng được 3ha rừng keo. Hàng năm, từ tiền bán trâu, bò, lợn, gà, gia đình anh đã có nguồn thu nhập ổn định và cứ 5 năm khai thác rừng keo một lần, anh Lực thu về hơn 100 triệu đồng.
Và cũng từ khi gia đình anh Cao Xuân Lực viết đơn ra khỏi danh sách hộ nghèo đến nay, hầu như năm nào ở 3 bản: Ón, Mò O Ồ Ồ, Yên Hợp cũng có những hộ đồng bào Rục viết đơn tình nguyện xin ra khỏi danh sách hộ nghèo.
Ông Đinh Xuân Định, công chức văn hóa-xã hội UBND xã Thượng Hóa cho biết, trong đợt rà soát hộ nghèo năm 2023, đến thời điểm này, xã Thượng Hóa đã nhận được 20 lá đơn xin ra khỏi danh sách hộ nghèo, trong đó có 4 lá đơn là của các hộ đồng bào người Rục, gồm: Đinh Xuân Phúc (bản Mò O Ồ Ồ), Đinh Xuân Nam. Trần Xuân Dương, Cao Thanh Đến (bản Yên Hợp).
“Đến nay, ở các bản vùng đồng bào Rục, bà con đã trồng được 118ha rừng và duy trì đàn trâu, bò trên 400 con. Thời gian tới, từ các nguồn vốn đầu tư của các chương trình mục tiêu quốc gia và các dự án, xã tiếp tục khuyến khích, hỗ trợ bà con phát triển trồng rừng, chăn nuôi để bà con vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống lâu dài", Bí thư Đảng ủy xã Thượng Hóa Đinh Thanh Văn cho biết.
Theo ông Định, hiện những lá đơn được viết bằng tay này đang được xã Thượng Hóa lưu giữ, chưa nộp lên huyện. Việc người dân, đặc biệt đồng bào dân tộc thiểu số, viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo không phải là việc làm hình thức. Sau khi nhận đơn, UBND xã sẽ tổ chức đoàn đi xem xét, đánh giá thực tế tại các gia đình và quyết định có đưa họ ra khỏi danh sách hộ nghèo hay không. Trường hợp hộ có đơn nhưng hoàn cảnh vẫn còn khó khăn thì vẫn giữ lại diện hộ nghèo và thực hiện chính sách hỗ trợ bà con xây dựng các mô hình thoát nghèo bền vững.
Trồng rừng, chăn nuôi để thoát nghèo
Theo chân ông Đinh Xuân Định, chúng tôi đến thăm gia đình anh Đinh Xuân Nam (SN 1983, ở bản Yên Hợp). Vợ chồng anh Nam thuộc thế hệ người Rục thứ 2 sau khi rời hang đá.
Cũng như nhiều hộ gia đình người Rục, người Sách khác ở trong bản, những năm qua, nhờ sự quan tâm hỗ trợ của Nhà nước, của BĐBP, anh Nam đã biết trồng rừng sản xuất, biết làm chuồng trại chăn nuôi bò, lợn, dê, gà… để phát triển kinh tế gia đình.
Nhờ cần cù, chịu khó, đến nay, gia đình anh đã đã trồng được 2 vạn cây keo hơn 4 năm tuổi, nuôi 3 con bò. Giữa năm, anh cũng vừa bán con bò giống, thu về hơn 20 triệu đồng. Cuộc sống gia đình cũng dần ổn định nên trong đợt rà soát hộ nghèo lần này, anh Nam đã tình nguyện làm đơn ra khỏi danh sách hộ nghèo.
Còn ở bản Mò O Ồ Ồ, gia đình anh Đinh Xuân Phúc (SN 1992) tuy chưa thật sự “giàu có”, nhưng cuộc sống hiện cũng tương đối ổn định. “Nhờ BĐBP giúp đỡ, gia đình mình đã trồng được cây lúa nước, đủ gạo để ăn cả năm. Vợ chồng mình còn chăn nuôi thêm bò, lợn và trồng rừng nên có nguồn thu nhập ổn định. Vì vậy, gia đình đã quyết định làm đơn xin thoát nghèo, để dành phần chế độ hỗ trợ của Nhà nước cho hộ khó khăn hơn”, anh Phúc chia sẻ.
Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng bản Mò O Ồ Ồ Cao Xuân Long cho biết, toàn bản có 77 hộ, 322 nhân khẩu, đa số bà con đều là đồng bào Rục. Trước năm 2017, 100% số hộ trong bản đều là hộ nghèo, thậm chí có nhiều hộ thường xuyên đói “đứt bữa”. Tuy nhiên, nhờ sự hỗ trợ của Nhà nước, từ các chương trình, dự án, sự giúp đỡ của BĐBP, chính quyền địa phương các cấp và nỗ lực vươn lên của dân bản, đến nay, số hộ nghèo của bản còn 34 hộ, chiếm 44,16%; hộ cận nghèo 27 hộ, chiếm 35,6%. Đặc biệt, những năm qua, năm nào bản Mò O Ồ Ồ cũng có người tự nguyện viết đơn xin ra khỏi danh sách hộ nghèo như trường hợp của gia đình anh Đinh Xuân Phúc.
Bình luận của bạn đã được gửi và sẽ hiển thị sau khi được duyệt bởi ban biên tập.
Ban biên tập giữ quyền biên tập nội dung bình luận để phù hợp với qui định nội dung của Báo.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ đầu tư cho trẻ em là đầu tư cho tương lai đất nước; làm tốt công tác này là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, gia đình, nhà trường, toàn xã hội.