Đến nay, toàn tỉnh Lào Cai đã xây dựng và duy trì hoạt động hiệu quả 5.287 mô hình, điển hình “Dân vận khéo” trên các lĩnh vực của đời sống xã hội.
Phát huy sức mạnh cả hệ thống chính trị
Xã Sàng Ma Sáo cách huyện lị Bát Xát (Lào Cai) khoảng 40-50km nhưng khoảng 10 năm trước, phải đi mất nửa ngày đường. Vậy mà giờ đây, đường vào bản xa đã hóa gần bởi có đường bê tông phẳng phiu kết nối giao thương, văn hóa. Những bản người Mông sinh sống đã đổi thay từng ngày. Cái ấm, cái no mở ra khi đồng bào biết tiếp nhận và làm theo cái hay, cái đúng.
Nhà anh Lý Seo Sàng trước đây nghèo nhất xã Sàng Ma Sáo. Bởi nghèo nên anh Sàng nghĩ đơn giản là cho các con nghỉ học để đi kiếm tiền trang trải cuộc sống. Nhờ có Ban dân vận của xã và huyện đến động viên cho các con đi học, anh đã hiểu ra học có cái chữ mới thay đổi cuộc sống được.
“Nếu không có cán bộ vận động cho các con đi học, có lẽ giờ này, cái đói cái nghèo còn đeo bám gia đình và các con tôi. Giờ các con tôi đều đã có bằng đại học đi làm kiếm tiền về xây nhà to cho bố mẹ”, anh Sàng nói.
Ông Vàng Seo Say, Trưởng ban Dân vận huyện Bát Xát chia sẻ: Thay đổi nếp nghĩ, hướng bà con đến lối sống lành mạnh, tìm ra hướng phát triển kinh tế không phải là việc một sớm một chiều. Xây dựng phong trào đã khó mà giữ phong trào lại còn gian nan hơn.
Nhờ những nỗ lực không ngừng nghỉ của chính quyền các cấp, thôn Choản Thèn, thôn Lao Chải, xã Y Tý đã có mô hình vệ sinh đường làng, ngõ xóm do chi hội phụ nữ thực hiện. Thôn Tả Cồ Thàng, xã Trịnh Tường có mô hình chỉnh trang nhà ở, vệ sinh môi trường. Còn ở thôn Ná Rin, xã Mường Vi, Đoàn Thanh niên xã thực hiện mô hình đoàn viên, thanh niên không tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống…
Đối với lĩnh vực kinh tế, thời gian qua cũng có nhiều mô hình đồng bào dân tộc thiểu số sản xuất, kinh doanh giỏi. Tiêu biểu như anh Vàng Văn Sưởng, dân tộc Dáy mở xưởng chiết xuất tinh dầu sả và thành lập Hợp tác xã với doanh thu 1,2 tỉ đồng/năm, được vinh danh nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2022.
Còn tại Bảo Yên, là huyện vùng thấp nhưng có hơn 76% hộ là người dân tộc thiểu số. Một trong những điểm sáng trong công tác dân vận trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số là xây dựng những mô hình cải tạo tập tục lạc hậu.
Cấp huyện lựa chọn triển khai tại 3 bản; cấp xã lựa chọn xây dựng ít nhất 1 mô hình tại thôn, bản có đồng bào Mông. Các hoạt động dân vận được đẩy mạnh đã góp phần xóa bỏ những tập tục lạc hậu, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp và vai trò chủ thể của người dân; tạo điều kiện cho kinh tế hộ phát triển, tạo dựng mối quan hệ đoàn kết, gắn bó tình làng, nghĩa xóm.
Công tác dân vận trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số của huyện Bảo Yên còn phát huy hiệu quả từ các mô hình khác như chương trình “Dân vận hướng về cơ sở”, mô hình “Chính quyền thân thiện”. Gần đây, Bảo Yên phát huy sức mạnh cả hệ thống chính trị trong công tác dân vận thực hiện Chiến dịch “60 ngày đêm hỗ trợ giải phóng mặt bằng Cảng Hàng không Sa Pa” đạt hiệu quả cao.
Phát huy vai trò già làng, trưởng bản
Theo báo cáo tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện nghị quyết 25-QN/TW và biểu dương mô hình điển hình “Dân vận khéo” do Tỉnh uỷ Lào Cai tổ chức ngày 6.12.2023, đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng và duy trì hoạt động hiệu quả 5.287 mô hình, điển hình “Dân vận khéo”. Trong đó có gần 200 mô hình tiêu biểu trên tất cả các lĩnh vực, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng dân cư. Góp phần quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới, thúc đẩy giảm nghèo và đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.
Các phong trào thi đua yêu nước, cuộc vận động do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp phát động hiệu quả thiết thực, tiêu biểu như: Phong trào “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”; phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”; phong trào “Tuổi trẻ xung kích, sáng tạo xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, “5 xung kích, 4 đồng hành”; “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”...
Về những mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Lào Cai Lý Thị Vinh nhấn mạnh: “Giải pháp quan trọng nhất là phải gần dân, nắm tình hình nhân dân nhất là bà con vùng cao, biên giới, đồng bào dân tộc thiểu số.
Các địa phương, các ngành đẩy mạnh phong trào thi đua dân vận khéo, phát huy vai trò của người có uy tín, già làng, trưởng bản, xây dựng các bản làng vùng cao ngày càng ấm no, hạnh phúc”.