Từ sự vào cuộc mạnh mẽ, quyết tâm của lực lượng vũ trang và các cấp, các ngành địa phương, sự thay đổi trong nhận thức của người dân, hy vọng một ngày không xa, nạn tảo hôn ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số huyện Sìn Hồ, Lai Châu sẽ được đẩy lùi.
Từ sự vào cuộc mạnh mẽ, quyết tâm của lực lượng vũ trang và các cấp, các ngành địa phương, sự thay đổi trong nhận thức của người dân, hy vọng một ngày không xa, nạn tảo hôn ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số huyện Sìn Hồ, Lai Châu sẽ được đẩy lùi.
Để nâng cao chất lượng công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL), vận động Nhân dân chấp hành pháp luật tại cơ sở, thực hiện có hiệu quả mục tiêu, nhiệm vụ của Đề án 1371 “Phát huy vai trò của lực lượng QĐND Việt Nam tham gia công tác PBGDPL, vận động nhân dân chấp hành pháp luật tại cơ sở giai đoạn 2021 - 2027” ở các cấp, nhất là những địa phương vùng biên giới, hải đảo, các cơ quan, đơn vị đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, ban, ngành tại địa phương để lựa chọn nội dung, hình thức PBGDPL, tổ chức PBGDPL cho nhân dân thông qua thực hiện nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị, làm công tác dân vận…
Một số cơ quan, đơn vị đã tổ chức khảo sát thực tế về công tác PBGDPL, nhu cầu pháp luật của nhân dân để nghiên cứu, biên soạn, mua sắm, bảo đảm tài liệu tuyên truyền pháp luật sát, đúng với nhu cầu thực tế, phù hợp với từng vùng miền và đối tượng.
Tại buổi lễ khai trương Cơ sở dữ liệu văn bản pháp luật về quân sự, quốc phòng và giao lưu nghệ thuật “Lan tỏa tinh thần thượng tôn pháp luật” do Bộ Quốc phòng tổ chức được truyền hình trực tiếp trên Truyền hình Quốc phòng mới đây, khán giả được giao lưu với Thiếu tá Mùa A Chứ, Trợ lý Chính trị Ban Chỉ huy quân sự (CHQS) huyện Sìn Hồ, Lai Châu, người nỗ lực tuyên truyền Luật Hôn nhân và Gia đình đến với bà con người Mông ở xã Sà Dề Phìn, huyện Sìn Hồ để phòng, chống nạn tảo hôn trong nhiều năm qua.
Tảo hôn là tình trạng từng phổ biến trong đồng bào dân tộc thiểu số ở Lai Châu. Điều này kéo theo nhiều hệ lụy cho cả phụ nữ và trẻ em. Theo số liệu thống kê của Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Sìn Hồ, từ năm 2019 đến nay trên địa bàn có hơn 550 cặp vợ chồng tảo hôn. Năm 2022 có gần 200 cặp và chủ yếu trong độ tuổi từ 13 - 17.
Xã Sà Dề Phìn có tỷ lệ tảo hôn đứng hàng đầu của huyện Sìn Hồ. Xã có hơn 400 hộ dân, trước đây, cứ 10 cặp vợ chồng thì có 6 - 7 cặp tảo hôn.
Thiếu tá Mùa A Chứ cho biết, sau khi triển khai Đề án 1371, tỷ lệ tảo hôn ở xã Sà Dề Phìn đã giảm từ 14% xuống còn 5,5%. 100% hộ gia đình, nhóm người được tuyên truyền tự nguyện viết cam kết và chấp hành pháp luật, không tảo hôn, không kết hôn cận huyết. Nhiều bạn trẻ như Sùng A Hờ, Sùng Páo Ly, Sùng A Lử đang học cấp 2, định bỏ học tảo hôn, nhờ được cán bộ Chứ và tổ công tác tuyên truyền đã không lấy vợ nữa.
Chị Mùa Thị Pà ở bản Sàng Phìn, xã Sà Dề Phìn cho biết: “Được chú Chứ tuyên truyền nên khi 14 tuổi, tôi không nghe theo cha mẹ lấy chồng mà tiếp tục học hết cấp 3 rồi đi học nghề. Tôi đã tuyên truyền cho các cháu ở bản khi nào đủ tuổi ăn, tuổi học, tuổi làm thì mới lấy chồng, lấy vợ”.
Thiếu tá Mùa A Chứ xuất hiện tại chương trình giao lưu với cây sáo Mông. Anh bảo, giống như văn hóa của người Kinh “miếng trầu là đầu câu chuyện”, tiếng khèn Mông là biểu tượng bản sắc văn hóa và tinh thần cố kết dân tộc của người Mông. Người Mông rất yêu thích tiếng khèn. Nếu biết phát huy những giá trị của tiếng khèn Mông vào thực tiễn trong PBGDPL sẽ rất hiệu quả vì khi gần dân, hiểu dân thì dân tin, dân yêu và tích cực học hỏi theo tinh thần thượng tôn pháp luật.
Cùng với đó, bộ đội phải không ngại khó, ngại khổ, vượt núi, băng rừng, lên nương giúp bà con gặt lúa, phối hợp với chính quyền, đoàn thể địa phương tuyên truyền pháp luật cho người dân. Do bất đồng ngôn ngữ, văn bản pháp luật không thể chuyển tải đến người dân nên chúng tôi phải dịch từ tiếng phổ thông sang tiếng dân tộc. Không phải dịch đúng từ ngữ sang tiếng dân tộc mà phải dịch thế nào để bà con hiểu được nội dung cốt lõi của văn bản luật. Có khi luật dài một trang chỉ cần nói 3 từ là người dân hiểu, nhớ cả đời.
Rồi Thiếu tá Chứ say sưa hát một bài hát Mông các anh hay hát khi đi tuyên truyền, PBGDPL cho bà con rồi dịch nghĩa của bài hát: “Bước sang tuổi 18, hỡi chàng trai người Mông, lòng xao xuyến quyết tâm học tập Đảng, Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh về đường lối phát triển kinh tế - văn hóa và chấp hành pháp luật tại cơ sở, không tảo hôn, kết hôn cận huyết, chấp hành thật nghiêm, chấp hành thật nghiêm, chấp hành thật nghiêm”.
Tại cuộc giao lưu, MC đã giới thiệu học viên, binh Nhì Sùng A Lử, học viên Đại đội 3, Tiểu đoàn 8, Trường Sĩ quan Lục quân 1. Sùng A Lử cho biết, khi học lớp 9 anh định bỏ học để lấy vợ theo lời khuyên của bà và mẹ. Nhưng khi được Thiếu tá Mùa A Chứ và tổ công tác của đơn vị tuyên truyền, Lử đã bỏ ý định lấy vợ, quyết tâm học và đã đỗ vào Trường Sĩ quan Lục quân 1. Hiện anh đang học năm thứ nhất của trường.