Phát triển - Hội nhập

Hiệu quả từ chính sách dân tộc

Vy Anh 23/10/2023 - 20:16

Những năm qua, Bạc Liêu lồng ghép chương trình mục tiêu giảm nghèo, an sinh xã hội với các chính sách hỗ trợ về nhà ở, đất ở, đất sản xuất, dạy nghề và giải quyết việc làm, xây dựng cơ sở hạ tầng, cung cấp điện, nước sinh hoạt… nên kinh tế - xã hội trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) không ngừng phát triển.

Thời gian qua, công tác dân tộc và việc thực hiện các chính sách dân tộc trong vùng đồng bào DTTTS luôn được Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu quan tâm và tăng cường chỉ đạo thực hiện nhằm phát huy tiềm năng thế mạnh của từng địa phương, phát triển kinh tế, giảm nghèo. Trong đó, giáo dục vùng DTTS đã nhận được sự quan tâm đặc biệt thông qua các chủ trương, chính sách hỗ trợ, đầu tư phát triển.

Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS đã giúp bà con là người dân tộc thiểu số vượt qua khó khăn, có thêm động lực để vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống ấm no. Bên cạnh các chương trình hỗ trợ sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo từ nguồn ngân sách của Nhà nước; những mô hình của các hội, đoàn thể triển khai đã góp phần tích cực trong công tác phát triển kinh tế, xã hội.

Ông Lương Văn Pho, Phó Trưởng Ban Dân tộc và Tôn giáo tỉnh Bạc Liêu cho biết: Giai đoạn 2021 - 2025, Bạc Liêu triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS (viết tắt là Chương trình) tại 14 xã, phường, thị trấn vùng đồng bào DTTS. Trong hai năm 2022 và 2023, từ nguồn vốn sự nghiệp và nguồn đối ứng của tỉnh gần 47 tỷ đồng, Bạc Liêu đã triển khai thực hiện 8/10 dự án thuộc Chương trình.

Tuy nhiên, có 2 dự án không thể giải ngân được, do không có địa bàn thực hiện, phân bổ vốn và đối tượng thụ hưởng (trong đó có dự án 6 là bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS).

tinh_thuong_tai_thanh_pho_bac_lieu1872019_74727.jpg
Trao hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà tình thương cho các hộ dân tộc thiểu số nghèo trên địa bàn thành phố Bạc Liêu.

“Các nguồn lực hỗ trợ từ Trung ương cùng sự nỗ lực của các cấp chính quyền và người dân đã góp phần làm thay đổi diện mạo các phum, sóc có đông đồng bào Khmer sinh sống, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc nâng lên. Hiện các khu vực có đông đồng bào dân tộc Khmer đều có đường giao thông nông thôn liên xã, liên ấp, trạm y tế và có trường học kiên cố....”, Ông Lương Văn Pho cho biết thêm.

Tỉnh hỗ trợ về nhà ở, vay vốn để sản xuất kinh doanh, tổ chức triển khai ứng dụng khoa học - kỹ thuật trong sản xuất; tổ chức khôi phục bản sắc văn hóa, ngành nghề và sản phẩm đặc trưng gắn với phát triển du lịch ở những vùng có đông đồng bào dân tộc, nhất là dân tộc Khmer sinh sống, giúp đồng bào vượt qua khó khăn.

Cùng với đó, Bạc Liêu chủ động tuyên truyền, phổ biến quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc, tôn giáo và các văn bản liên quan để các tầng lớp nhân dân hiểu đúng, đủ, chính xác nhằm nâng cao tinh thần cảnh giác trước những âm mưu, thủ đoạn hoạt động lôi kéo, xúi giục của các thế lực thù địch.

Ngoài ra, tỉnh cũng quan tâm xây dựng lực lượng cốt cán, người có uy tín để tập hợp tín đồ xây dựng cuộc sống “Tốt đời, đẹp đạo”. Các sở, ban, ngành cấp tỉnh ưu tiên nguồn lực thực hiện hoặc lồng ghép thực hiện các nhiệm vụ của ngành trong thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tôn giáo…

Theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều, xác định công tác dân tộc và đoàn kết các dân tộc có vai trò đặc biệt quan trọng trong tiến trình xây dựng và phát triển chung của cả nước, thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách toàn diện, phù hợp với yêu cầu ổn định và phát triển vùng đồng bào DTTS nói chung và vùng đồng bào Khmer Nam Bộ nói riêng.

Nội dung các chính sách ngày càng đa dạng, sâu rộng, hiệu quả thực hiện các chương trình, dự án đầu tư, chính sách hỗ trợ ngày càng được nâng lên. Từ đó, kết cấu hạ tầng vùng DTTS từng bước phát triển; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, trọng tâm là đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp, quy hoạch sản xuất theo hướng nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Nhờ triển khai các chính sách dân tộc gắn với phát triển kinh tế-xã hội, hiện toàn tỉnh Bạc Liêu chỉ còn 1.624 hộ DTTS nghèo, chiếm 7,46% trong tổng số hộ DTTS trên địa bàn.

3-7394(1).jpg
Đầu tư cơ sở hạ tầng cho vùng đồng bào dân tộc luôn được các cấp chính quyền quan tâm.

Về các xã có đông đồng bào Khmer sinh sống như: Hưng Hội (huyện Vĩnh Lợi), Vĩnh Hậu A (huyện Hòa Bình), Lộc Ninh (huyện Hồng Dân), Vĩnh Phú Đông (huyện Phước Long)… người ta cảm nhận rõ sự hiện diện, lợi ích to lớn từ những chính sách dành cho dân tộc nhiều công trình đáp ứng nhu cầu đời sống dân sinh, phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội địa phương.

Ông Danh Mỹ người có uy tín trong đồng bào Khmer ở ấp Tà Ben, xã Ninh Hòa (huyện Hồng Dân) phấn khởi nói: "Được Đảng, Nhà nước quan tâm, trong 5 năm qua, đời sống đồng bào Khmer đã thay đổi từ vật chất đến tinh thần, đường làng, ngõ xóm trong ấp được xây dựng khang trang, sạch đẹp, bà con đồng bào Khmer đồng lòng, chung tay góp sức xây dựng quê hương và có ý thức vươn lên, không trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước.

Phấn khởi nhất là trẻ em trong độ tuổi đều được đến trường học tập. Không ít con em người Khmer công tác tại nhiều cơ quan, tổ chức trong tỉnh. Từ đó, đồng bào Khmer ngày thêm tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng bộ các cấp, ra sức thực hiện các chủ trương, chính sách vì sự phát triển chung của tỉnh".

Có thể thấy, từ việc triển khai đồng bộ, hiệu quả các chương trình, chính sách dân tộc của các địa phương trong tỉnh đã giúp diện mạo vùng có đông đồng bào DTTS ngày càng khởi sắc; đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng cao.

Đây là cơ sở để tỉnh tiếp tục ưu tiên triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội vùng có đông đồng bào DTTS, trong đó tập trung phát triển, hoàn thiện kết cấu hạ tầng, triển khai xây dựng các công trình trọng điểm, thiết yếu; đẩy mạnh các chính sách phát triển giáo dục, y tế, văn hóa vùng có đông đồng bào DTTS. Cùng với đó là củng cố hệ thống chính trị cơ sở, tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc, đảm bảo quốc phòng - an ninh, đưa kinh tế vùng có đông đồng bào DTTS ngày càng phát triển.

(0) Bình luận
Nổi bật
Thủ tướng: Trẻ em là hạnh phúc của mỗi gia đình, là tương lai của đất nước
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ đầu tư cho trẻ em là đầu tư cho tương lai đất nước; làm tốt công tác này là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, gia đình, nhà trường, toàn xã hội.
Tin mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO