Không chỉ tập trung xây dựng đơn vị và huấn luyện sẵn sàng chiến đấu bảo vệ vững chắc chủ quyền, biên giới quốc gia, những năm qua, Bộ đội Biên phòng các tỉnh bắc Tây Nguyên còn tích cực, chủ động giúp đỡ người dân các dân tộc vùng biên giới phát triển kinh tế. Đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số ngày càng phát triển, tình đoàn kết quân dân củng cố, bền chặt.
Những ngày cuối tháng hai, chúng tôi đi lên vùng biên giới bắc Tây Nguyên, hai bên đường tuần tra biên giới bạt ngàn một mầu xanh cây lá. Gặp chúng tôi từ đầu làng, ông Siu Bình Chueng, 67 tuổi, dân tộc Gia Rai, già làng Sơn, xã Ia Nan, huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai cười vui và đưa tay chỉ về phía ngôi nhà rông văn hóa vừa mới được sửa chữa to đẹp, rồi dẫn chúng tôi đến thăm một số gia đình “vượt khó làm giàu”.
Trên con đường làng được đổ bê-tông, già làng Sơn tự hào khoe: Hơn ba năm qua, được Bộ đội Biên phòng giúp đỡ tận tình, hiệu quả cho nên bà con ai cũng tập trung làm kinh tế, chăm lo cho con cái học hành. Nhiều hộ khá giả, có của ăn, của để dành và đã san sẻ, giúp lại cho những người nghèo trong làng để cùng vượt khó vươn lên. Họ cũng chính là những “mắt xích” cùng Bộ đội Biên phòng tuyên truyền, hướng dẫn bà con đoàn kết, phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống và tham gia bảo vệ thôn làng và vùng biên giới.
Hơn 10 năm trước, vợ chồng anh Rơ Ma Mon ở làng Sơn còn đi làm thuê hằng ngày kiếm cái ăn. Nhờ chính quyền địa phương và Bộ đội Biên phòng giúp đỡ, hỗ trợ cây giống, phân bón, hướng dẫn trồng, chăm sóc..., đến nay gia đình anh Mon đã có gần 2 ha cà-phê, 700 cây hồ tiêu đang độ tuổi thu hoạch, hơn 1 ha
cao su và 1,2 ha mì (sắn), hằng năm cho thu nhập trung bình khoảng 150 triệu đồng. “Có tiền mình đầu tư cho ba đứa con ăn học, đầu tư cho sản xuất, bón cho cây nhiều phân, đủ nước, đủ chất mới tốt tươi và cho nhiều trái, nhiều mủ. Các hộ dân trong làng ai thiếu tiền mình cho mượn, nhà nào thiếu cây giống vợ chồng mình cũng cho. Khi đói khổ được dân làng bao dung, lúc thiếu đói được bộ đội giúp đỡ, bây giờ no đủ rồi phải giúp lại những người nghèo khó, để cùng nhau vươn lên thoát nghèo” - anh Rơ Ma Mon nói.
Gặp chúng tôi trong chuyến đi kiểm tra cơ sở, Thiếu tá Hoàng Long, Chính trị viên Phó Đồn Biên phòng Ia Chía (Bộ đội Biên phòng Gia Lai) cho biết: Ngoài xác định nhiệm vụ huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, quản lý, bảo vệ vùng biên giới, cán bộ, chiến sĩ đơn vị còn phối hợp chính quyền cơ sở vừa tuyên truyền, vừa “cầm tay chỉ việc” và trực tiếp tham gia giúp người dân sửa chữa, xây dựng nhà cửa, cấp gạo mùa giáp hạt, khám bệnh cấp thuốc miễn phí, hỗ trợ hạt giống, con giống,... để bà con phát triển kinh tế.
Được biết, Bộ đội Biên phòng tỉnh Gia Lai, Kon Tum thường đóng quân ở những vùng biên giới heo hút, đường sá đi lại khó khăn, ngoài việc phấn đấu hoàn thành trọng trách của Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó, nếu không có niềm tin và nghị lực thì thật khó để làm cho nhân dân, đặc biệt là bà con dân tộc thiểu số tin tưởng, học và làm theo. Vì vậy, cán bộ chiến sĩ Bộ đội Biên phòng luôn xác định tư tưởng phải “cùng ăn, cùng ở, cùng làm” với bà con địa phương, nói đi đôi với làm. Khi bà con tin tưởng vào những việc làm của bộ đội thì lúc đó việc tuyên truyền mới có hiệu quả.
Cùng với đó, Bộ Chỉ huy Biên phòng hai tỉnh bắc Tây Nguyên còn tích cực bám nắm địa bàn, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương những giải pháp phù hợp để xây dựng phương án hướng dẫn bà con vùng biên giới phát triển kinh tế. Nhờ đó mà người dân vùng biên giới đã biết trồng cao su, điều, cà-phê, sắn, trồng lúa nước để xóa nghèo ổn định cuộc sống.
Ngoài nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới của Tổ quốc, ổn định tình hình chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng các tỉnh bắc Tây Nguyên đã chỉ đạo và triển khai cho các đơn vị điều động cán bộ, đảng viên trong các đồn tích cực cắm thôn làng, nắm địa bàn và phối hợp xây dựng cơ sở vững mạnh. Thực hiện tốt công tác đối ngoại Biên phòng, tổ chức gặp gỡ trao đổi kinh nghiệm bảo vệ biên giới với lực lượng vũ trang nước bạn Campuchia và Lào để cùng nhau đoàn kết chống lại các luận điệu xuyên tạc chia rẽ tình đoàn kết, chung sức bảo vệ biên giới.
Đến xã Ia Chía, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai khi nắng chiều đã chen sau bóng cây, vợ chồng ông Siu Vi ở làng Bia cũng vừa đi thu hạt điều về. Ông Vi bộc bạch: Có đất, có tiền được Ngân hàng chính sách cho vay, có cây giống cà-phê, cao su, hồ tiêu, rồi có cả con bò giống được Bộ đội Biên phòng Đồn Ia Chía (Bộ đội Biên phòng tỉnh Gia Lai) hỗ trợ, vợ chồng mình đêm ngày lao vào làm. Cây trồng không phụ công người, đến nay 5 ha điều, tiêu, cao su trong vườn đã bắt đầu khai thác, sáu con bò sinh sản... theo giá như hiện tại, một năm cũng thu về hơn 200 triệu đồng, cuộc sống gia đình sẽ no đủ hơn.
Anh Rơ Ma Hly, 40 tuổi, dân tộc Giơ Rai, ở thôn 4, xã Ia Dal, huyện Ia H’Rai, tỉnh Kon Tum cho biết thêm, ở đây đất đai màu mỡ, cây cối xanh tốt, cho nhiều hoa, nhiều quả, người dân chăm làm thì không bao giờ đói khổ. Có Bộ đội Biên phòng Kon Tum tiếp sức, kinh tế khá lên rồi, mình thường xuyên khuyên thanh niên phải chịu khó làm nương, rẫy, trồng cây lúa, cây mì, chăm cây cà-phê, cao su, hồ tiêu..., phải biết đoàn kết giúp đỡ nhau lao động, sản xuất ổn định cuộc sống và làm giàu bằng đôi bàn tay của mình, để có cuộc sống ổn định, hạnh phúc.
Trải dài trong tầm mắt, vùng biên giới bắc Tây Nguyên của Tổ quốc một mầu xanh bạt ngàn của cây trái. Được sự giúp đỡ của Bộ đội Biên phòng các tỉnh Gia Lai, Kon Tum, người dân nơi đây đã biết yêu quý hơn giá trị của sức lao động chính đáng bằng bàn tay, khối óc của chính mình. Tình đoàn kết quân dân bền chặt, sức mạnh đoàn kết đó thật sự là “lá chắn thép” vững vàng nơi phên dậu của Tổ quốc.