Những năm qua, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Ia Grai (tỉnh Gia Lai) đã triển khai xây dựng nhiều mô hình phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững.
Năm 2023, từ nguồn vốn sự nghiệp nông nghiệp huyện 1,17 tỷ đồng, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện đã cấp 90.500 cây cà phê giống chất lượng cao TRS1 để người dân tái canh; mở 4 lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi.
Bên cạnh đó, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện xây dựng mô hình quản lý tổng hợp phòng bệnh khảm lá mì. Từ nguồn vốn bảo vệ và phát triển đất trồng lúa hơn 2,3 tỷ đồng, Phòng Nông nghiệp và PTNT cũng hỗ trợ 25.710 kg giống lúa J02 và ĐT100 cho bà con nông dân.
Cũng trong năm 2023, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện thực hiện mô hình cánh đồng lúa ĐT100 với quy mô 40 ha tại 2 xã: Ia Sao và Ia Dêr; phối hợp với Công ty TNHH ThaiBinh Seed miền Trung-Tây Nguyên (thuộc Tập đoàn ThaiBinh Seed) sản xuất thử nghiệm giống lúa TBR39 với quy mô 4 ha tại xã Ia Dêr. Tương tự, tại 3 xã: Ia Grăng, Ia Pếch, Ia Bă, Trung tâm hỗ trợ giống lúa J02 và ĐT100 để bà con nông dân liên kết sản xuất-tiêu thụ lúa với quy mô 44 ha.
Ông R’com Alich (làng Blang 1, xã Ia Dêr) cho biết: “Gia đình tôi canh tác 6 sào lúa nước trong vụ mùa 2023. Nhờ được hỗ trợ giống lúa J02 và TBR39 nên đạt năng suất cao, sản phẩm làm ra được thu mua với giá cao.
Cùng với hỗ trợ lúa giống, Nhà nước còn đầu tư xây dựng đường giao thông xuống cánh đồng Ia Bua giúp người dân đi lại, vận chuyển vật tư, nông sản thuận lợi, an toàn”.
Không chỉ hỗ trợ giống cà phê và giống lúa năng suất chất lượng cao, hàng năm, huyện còn đầu tư nâng cấp, sửa chữa các công trình thủy lợi đáp ứng nhu cầu sản xuất của người dân.
Ông Nguyễn Đăng Lưu-Đội trưởng Đội Quản lý khai thác các công trình thủy lợi huyện-chia sẻ: “Đội đang quản lý 23 công trình thủy lợi vừa và nhỏ (gồm 9 hồ chứa nhỏ, 14 đập dâng). Hàng năm, đơn vị được phân bổ khoảng 2 tỷ đồng duy tu, sửa chữa những công trình bị hư hỏng, xuống cấp. Năm 2024, chúng tôi sẽ sửa chữa, nạo vét, nâng cấp 7 công trình thủy lợi nhằm đáp ứng nhu cầu nước tưới cho cây trồng”.
Trao đổi với P.V, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Phan Đình Thắm cho biết: Sản xuất nông nghiệp là thế mạnh trong phát triển kinh tế của địa phương. Vì vậy, hàng năm, huyện dành một phần ngân sách hỗ trợ người dân xây dựng các mô hình phát triển nông nghiệp bền vững.
Bên cạnh đó, huyện định hướng người dân sản xuất theo hướng tập trung, quy mô lớn với sản phẩm có chứng nhận theo các tiêu chuẩn xuất khẩu, gắn thị trường tiêu thụ và các nhà máy chế biến lớn. Tập trung hỗ trợ chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho đồng bào dân tộc thiểu số sản xuất nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống.
“Đặc biệt, hàng năm, Phòng phối hợp với các xã, thị trấn tiến hành rà soát tại các cánh đồng, khu vực sản xuất có diện tích lớn nhưng đi lại khó khăn để tập trung đầu tư xây dựng đường giao thông nội đồng giúp người dân vận chuyển hàng hóa thuận lợi.
Đồng thời, đầu tư củng cố, nâng cấp hệ thống công trình thủy lợi phát huy năng lực tưới của từng công trình giúp người dân sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững”-ông Thắm thông tin.