Phát triển - Hội nhập

Phụ nữ dân tộc thiểu số phát huy văn hoá truyền thống, góp phần nâng cao quyền năng kinh tế

Khánh An 20/03/2024 - 07:44

Theo bà Nguyễn Thị Hải Nhung, Vụ trưởng Vụ Văn hóa dân tộc, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, mỗi phụ nữ dân tộc thiểu số từ khi mới sinh ra đến khi trưởng thành được “ươm mầm” trong môi trường giàu bản sắc văn hoá; chính họ trở thành lực lượng chính trực tiếp tham gia gìn giữ, phát huy và bảo tồn văn hoá truyền thống của dân tộc mình.

Nước ta có 54 dân tộc với những nét đặc sắc, đa dạng, phong phú và độc đáo; trong đó, phụ nữ dân tộc thiểu số (DTTS) đã có những đóng góp quan trọng thế nào trong việc bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống các DTTS, thưa bà?

Bà Nguyễn Thị Hải Nhung: Nhìn chung, trong những giai đoạn vừa qua, việc tổ chức triển khai các Chương trình mục tiêu quốc gia như Chương trình mục tiêu phát triển văn hóa, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, đã được triển khai thực hiện và đạt được kết quả tích cực. Đóng góp vào kết quả chung, có thể khẳng định, phụ nữ các dân tộc là lực lượng chính trực tiếp tham gia vào các hoạt động gìn giữ, phát huy và bảo tồn văn hoá truyền thống của dân tộc mình. Mỗi người phụ nữ ngay từ khi mới sinh ra cho đến khi trưởng thành họ đã được các bà, các mẹ và người thân trong gia đình dạy cách biết trồng bông, trồng dâu, nuôi tằm để lấy sợi, se tơ dệt vải, thêu, dệt thổ cẩm để may thành các bộ trang phục, hay những tấm chăn, màn, gối đệm sử dụng cho gia đình và thậm chí là sản phẩm trao đổi hàng hóa trong cộng đồng; các loại hình diễn xướng dân gian được hình thành trong đời sống lao động, tình cảm, tín ngưỡng tôn giáo và các sinh hoạt cộng đồng; dân ca, dân vũ, dân nhạc đặc sắc được sáng tạo, duy trì và phát triển thành sản phẩm phục vụ du lịch.

1d78042571acddf284bd-17108400830191149827899.jpg
Bà Nguyễn Thị Hải Nhung, Vụ trưởng Vụ Văn hóa dân tộc, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Tiêu biểu trong số đó là: Mô hình bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch tại tỉnh Lào Cai và Hà Giang; Phụ nữ đồng bào dân tộc Mông và Hà Nhì đóng vai trò trung tâm của hoạt động bảo tồn dân ca, dân vũ truyền thống, gắn với phát triển du lịch tại các điểm du lịch cộng đồng địa phương.

Với tình yêu đối với dân tộc, bản sắc văn hóa dân tộc của mình, nhiều gương điển hình bằng nhiều cách thức khác nhau, phụ nữ các DTTS đã có các hoạt động khôi phục, bảo tồn, gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống và tận dụng, phát huy giá trị của văn hóa bản địa để phát triển thành sản phẩm đặc thù phục vụ phát triển du lịch, tạo công ăn việc làm cho nhiều phụ nữ, tăng thêm nguồn thu nhập, phát triển kinh tế hộ gia đình.

Điển hình là tỉnh Sơn La có khoảng 3.300 đội văn nghệ quần chúng nữ; 4 nữ nghệ sĩ ưu tú và 7 nữ nghệ nhân ưu tú. Nhiều câu lạc bộ, mô hình duy trì hoạt động hiệu quả, góp phần bảo tồn văn hóa dân tộc như: Mô hình "Nét đẹp khăn piêu" xã Viêng Lán, CLB "Văn hóa Thái cổ Mường Vạt" xã Chiềng Pằn, CLB hát Thái, xã Chiềng Khoi (cùng ở huyện Yên Châu). Duy trì lễ tục gội đầu, lễ hội kinh pang then, múa xòe của dân tộc Thái; các điệu múa cổ truyền dân tộc Kháng, Khơ Mú; các trò chơi dân gian như ném pao, ném còn, đánh yến, bắn nỏ… do phụ nữ làm chủ đạo. Hay tại một số địa phương khác, cũng có Hợp tác xã thổ cẩm dân tộc Pà Thẻn xã Tân Bắc, huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang; Hợp tác xã thổ cẩm dân tộc Dao xã Tả Phìn, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai…

Phụ nữ dân tộc thiểu số phát huy văn hoá truyền thống, góp phần nâng cao quyền năng kinh tế- Ảnh 2.

Phụ nữ DTTS phát huy giá trị của văn hóa bản địa, phát triển thành sản phẩm đặc thù để phát triển kinh tế

- Phụ nữ DTTS giữ gìn, phát huy văn hoá truyền thống còn góp phần nâng cao quyền năng kinh tế, thúc đẩy bình đẳng giới, bà có ý kiến thế nào về nhận định này?

Bà Nguyễn Thị Hải Nhung: Phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của các DTTS, lực lượng tham gia chính chủ yếu là phụ nữ, do đó việc xác định đóng góp công sức và kinh tế của phụ nữ là điều cần thiết. Thời gian tham gia vào các hoạt động bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa, các nghề thủ công truyền thống thường chiếm thời gian nhiều hơn làm nông nhưng họ chủ động về thời gian, về tài chính và chủ động trong công việc. Mối quan hệ vợ chồng cũng bình đẳng hơn, thể hiện ở sự tôn trọng khi cả hai cùng đóng góp và hỗ trợ nhau hàng ngày. Vai trò kinh tế của phụ nữ trong gia đình được nhìn nhận ở việc đóng góp tiền mặt và công sức, quản lý tiền của và ra quyết định làm ăn kinh tế như tiếp cận, kiểm soát nguồn lực và lợi ích.

Đối với các vùng có các Hợp tác xã sản xuất, phát triển kinh doanh sản phẩm từ các nghề thủ công truyền thống như: dệt thổ cẩm, trang phục truyền thống, may thêu, đan lát, làm gốm, thịt chua…, phụ nữ đều có vai trò quan trọng và dành phần lớn thời gian để làm nghề. Quan niệm về việc phụ nữ chỉ làm việc nhà và trách nhiệm kiếm tiền thuộc về nam giới đã thay đổi.

Không chỉ đời sống kinh tế của các hộ gia đình vững vàng, nâng cao chất lượng cuộc sống, mà còn giúp nâng cao vị thế và vai trò của phụ nữ rất lớn. Đối với mô hình sản xuất nông nghiệp thuần túy, vai trò chỉ đạo sản xuất thường gắn với người đàn ông trong gia đình, nhưng khi phát triển du lịch, thì người phụ nữ thường nắm vai trò chủ đạo. Cụ thể như khảo sát tại xã Tả Phìn (Sa Pa - Lào Cai) có tới 80% là phụ nữ đóng vai trò chính trong các hoạt động phát triển du lịch tại địa phương; tại Mai Châu (Hòa Bình), đa số phụ nữ đóng vai trò và quyết định quan trọng trong gia đình khi làm kinh tế du lịch…

Phụ nữ dân tộc thiểu số phát huy văn hoá truyền thống, góp phần nâng cao quyền năng kinh tế- Ảnh 3.

Hợp tác xã sản xuất, phát triển kinh doanh sản phẩm từ các nghề thủ công truyền thống tạo thu nhập cho hội viên, phụ nữ

- Để nâng cao vai trò của phụ nữ DTTS hơn nữa, theo bà cần thực hiện những giải pháp gì trong thời gian tới?

Bà Nguyễn Thị Hải Nhung: Thứ nhất, tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền phố biến nâng cao nhận thức các giá trị văn hóa tốt đẹp của cộng đồng các dân tộc.

Thứ hai, tích cực tổ chức các chương trình giao lưu, liên hoan văn hóa văn nghệ, học tập kinh nghiệm giữa Câu lạc bộ sinh hoạt văn hóa văn nghệ, Hợp tác xã sản xuất kinh doanh các sản phẩm nghề thủ công truyền thống của các dân tộc…

Thứ ba, xây dựng các mô hình cụ thể tại các chi hội trong việc thực hiện các cuộc vận động, các chương trình, đề án có liên quan đến việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa.

Thứ tư, tăng cường công tác truyền thông, quảng bá các mô hình, hình ảnh, các gương điển hình tiên tiến của phụ nữ lĩnh vực này.

Thứ Năm, phối hợp cùng với các cơ quan, đoàn thể tại cơ sở và phát huy vai trò của người có uy tín, các cá nhân am hiểu trong xây dựng các hoạt động văn hóa văn nghệ, các nội dung sinh hoạt cộng đồng, phát huy các thiết chế văn hóa truyền thống.

Thứ sáu, phát huy vai trò của hệ thống chính trị cơ sở, các cấp Hội phụ nữ cần chủ động xây dựng kế hoạch hoạt động trong đó chú ý tích hợp các nội dung kế thừa và phát huy các giá trị văn hóa trong điều kiện hiện nay.

Thứ bảy, tổ chức tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện Chương trình phối hợp công tác giữa Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Hội LHPN Việt Nam, từ đó xây dựng Chương trình phối hợp giai đoạn tiếp theo.

- Trân trọng cảm ơn bà!

(0) Bình luận
Nổi bật
Thủ tướng: Trẻ em là hạnh phúc của mỗi gia đình, là tương lai của đất nước
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ đầu tư cho trẻ em là đầu tư cho tương lai đất nước; làm tốt công tác này là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, gia đình, nhà trường, toàn xã hội.
Tin mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO