Kinh tế

Giúp dân xóa bỏ hủ tục, vươn lên phát triển bền vững

Phương Liên 15/04/2024 - 07:27

Bằng nhiều giải pháp, BĐBP Hà Giang đang từng ngày, từng giờ giúp đồng bào các dân tộc nơi đây xóa bỏ hủ tục, xây dựng nếp sống văn minh, vươn lên phát triển bền vững.

Hủ tục - gánh nặng xã hội

Khu vực biên giới tỉnh Hà Giang có 32 xã, 2 thị trấn/346 thôn, bản, trong đó, có 123 thôn, bản giáp biên giới. Đây là địa bàn sinh sống của cộng đồng 19 dân tộc anh em, trong đó, dân tộc Mông chiếm gần 60%. Vùng biên giới Hà Giang có đặc điểm là địa bàn rộng, giao thông khó khăn, khí hậu, thời tiết khắc nghiệt, tỷ lệ hộ nghèo cao, trình độ dân trí không đồng đều... Chính vì thế, trong cuộc sống thường ngày, đồng bào các dân tộc nơi đây vẫn đang còn tồn tại một số hủ tục như: tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, tổ chức đám tang dài ngày, giết mổ nhiều gia súc, gia cầm trong đám tang...

84560714pm14433658pmanh-1.jpg
Ký cam kết thực hiện xóa bỏ hủ tục, xây dựng nếp sống văn minh trong dòng họ Vàng ở xã Pả Vi, huyện Mèo Vạc. Ảnh: Phương Liên

Đơn cử như với phong tục tổ chức đám tang, ông Giàng Mí Ly, ở xã Lũng Chinh, huyện Mèo Vạc cho biết, theo phong tục của người Mông, mỗi người con trai có trách nhiệm phải tổ chức tang lễ cho bố mẹ một ngày. Ngày đó, phải mổ ít nhất một con gia súc mời anh em, họ hàng, xóm giềng tới ăn. Vì thế, nhà nào đông con trai thì có khi đám tang mổ cả chục con bò, dê, lợn... Vậy nên nhiều gia đình vốn đã nghèo lại càng khó khăn hơn khi gánh thêm khoản nợ chi phí tổ chức đám ma cho người thân. Không chỉ ăn uống tốn kém, một bộ phận đồng bào còn để người chết dài ngày trong nhà, thi hài không cho vào áo quan... Bên cạnh đó, do đặc điểm xã hội và phong tục tập quán nên trong cuộc sống, nhiều hộ vẫn nuôi nhốt gia súc, gia cầm dưới gầm sàn hoặc sát ngay cạnh nhà ở. Lối sống này gây mất vệ sinh, ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống của đồng bào...

Trước tình hình trên, nhận thức rõ trách nhiệm của mình trong việc tham gia tuyên truyền, vận động đồng bào xóa bỏ tập tục lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy BĐBP Hà Giang đã thành lập Ban Chỉ đạo, chỉ đạo tập trung hướng mạnh về cơ sở, phát huy vai trò, trách nhiệm của 34 cán bộ BĐBP tỉnh tăng cường 34 xã, thị trấn biên giới, 177 đảng viên đồn Biên phòng sinh hoạt tại 172 chi bộ thôn, bản, 343 đảng viên đồn Biên phòng phụ trách 1.598 hộ gia đình ở khu vực biên giới, phối hợp với 346 Tổ vận động thôn, bản trong công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân xóa bỏ hủ tục.

Thực hiện chỉ đạo của Đảng ủy, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh, các cán bộ tăng cường trên cương vị Phó Bí thư Đảng ủy xã đã tích cực, chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương các xã, thị trấn biên giới thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh ở các xã, thị trấn biên giới.

Các đảng viên đồn Biên phòng sinh hoạt tại các chi bộ thôn, bản biên giới đã tích cực, chủ động tham mưu cho chi ủy chi bộ ra nghị quyết, bổ sung nội dung thực hiện xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh vào nghị quyết lãnh đạo và coi đây là tiêu chí đánh giá, nhận xét cán bộ, đảng viên hằng năm cũng như công nhận gia đình văn hóa trong thôn bản; đưa những nội dung cần cải tiến, cắt giảm, bài trừ các hủ tục, phong tục lạc hậu vào quy ước, hương ước của thôn, bản. Thường xuyên báo cáo Đảng ủy đồn Biên phòng những vấn đề nảy sinh, khó khăn, vướng mắc ở cơ sở để Đảng ủy, Ban Chỉ huy đồn báo cáo Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh, trao đổi thống nhất với cấp ủy, chính quyền địa phương tìm ra chủ trương, giải pháp thực hiện.

"Lấy cái đẹp, dẹp cái xấu"

Trong cuộc vận động đồng bào “lấy cái đẹp, dẹp cái xấu”, BĐBP Hà Giang xác định công tác tuyên truyền có ý nghĩa quan trọng và cần phải làm theo hình thức “mưa dầm thấm lâu” để đồng bào tự giác ngộ về nhận thức, từ đó tự nguyện, tự giác xóa bỏ hủ tục. Vậy nên, trong công tác tuyên truyền, vận động, BĐBP Hà Giang đã linh hoạt thực hiện bằng nhiều hình thức phong phú như: Tổ chức hội thi, hội nghị tọa đàm; tuyên truyền tại các phiên chợ bằng xe chuyên dụng, tại các trường học, các buổi sinh hoạt chi bộ, họp thôn, sinh hoạt cộng đồng, tuyên truyền qua hệ thống loa truyền thanh của thôn.

87660714pm24133712pmbdbp-ha-giang-cung-dan-lao-dong-san-xuat.jpg
Cán bộ BĐBP Hà Giang gắn bó mật thiết, giúp dân phát triển kinh tế ở khu vực biên giới. Ảnh: Phương Liên

Đồng thời, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể trên địa bàn triển khai cho cán bộ, công chức, viên chức, cán bộ, đảng viên và nhân dân ký cam kết xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh. Các xã khu vực biên giới thường xuyên tổ chức các buổi sinh hoạt cộng đồng, hoạt động văn hóa, văn nghệ, giúp đồng bào tiếp cận với nét văn hóa mới, tiến bộ trong đời sống, lao động sản xuất, sinh hoạt thường ngày...

Ngoài ra, BĐBP Hà Giang còn xây dựng các mô hình điểm “Dòng họ tự quản về an ninh, trật tự gắn với thực hiện xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh” như dòng họ Lù, thôn Thuồng Luồng, xã Xín Cái; họ Chảo, thôn Lùng Vần Chải, xã Xín Cái; họ Vừ, thôn Thàn Chư và họ Chá, thôn Hầu Lùng Sán, xã Thượng Phùng (địa bàn Đồn Biên phòng Xín Cái); dòng họ Lầu, thôn Trà Mần, xã Sơn Vĩ; dòng họ Thò, thôn Lẻo Chá Phìn A, xã Sơn Vĩ (địa bàn Đồn Biên phòng Sơn Vĩ). Qua triển khai thực hiện mô hình, các dòng họ đã ban hành được quy ước nội bộ và các thành viên trong họ ký cam kết thực hiện. Khi gia đình nào đó có việc tang thì trưởng dòng họ và người có uy tín cùng với thân nhân người chết cân đối thời gian tổ chức đám tang cho phù hợp. Trưởng dòng họ và người có uy tín tại thôn đó trực tiếp là người chủ trì phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng người, đồng thời, gương mẫu đi đầu thực hiện, từ đó, tạo chuyển biến trong nhận thức và hành động cho bà con.

Ông Vàng Sính Khề, Trưởng dòng họ Vàng ở xã Thài Phìn Tủng, huyện Đồng Văn chia sẻ, sau khi được tuyên truyền, vận động, các thành viên trong dòng họ đã hiểu ra, xóa bỏ hủ tục là việc tốt, mang lại lợi ích cho tất cả mọi người nên đồng tình cam kết thực hiện. Còn chị Mua Thị Dua, xã Tả Ván, huyện Quản Bạ tâm sự, nhờ có sự tuyên truyền, vận động tận nơi, tận nhà của BĐBP, bản thân chị và gia đình đã hiểu ra rằng, xóa bỏ hủ tục lạc hậu, bảo tồn văn hóa và xây dựng nếp sống văn minh là vì chính bản thân mình, gia đình mình và dòng họ mình nên tự nguyện, tự giác thực hiện, để xây dựng gia đình hạnh phúc, no ấm.

Kết quả của sự vào cuộc quyết liệt của các chiến sĩ quân hàm xanh Đồn Biên phòng Lũng Cú, Sơn Vĩ, Xín Cái, Phó Bảng là đã vận động hoãn hôn, hủy hôn được nhiều cặp chưa đủ tuổi đăng ký kết hôn; vận động hàng trăm hộ gia đình có đám tang giết mổ ít hoặc không giết mổ gia súc; đám tang tổ chức không quá 48 giờ. Một số dân tộc trước đây còn hủ tục không cho người chết vào áo quan, mời thầy cúng, thầy mo tổ chức các nghi lễ, tổ chức đám tang dài ngày gây lãng phí tiền của, thời gian; rồi tình trạng đi viếng đám tang bằng hiện vật; tục phơi nắng thi hài, chôn cất quá nông..., đến nay đã cơ bản được xóa bỏ.

Không chỉ vậy, BĐBP Hà Giang còn tích cực phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động nhân dân thay đổi thói quen, tư duy, ý thức trong đời sống sinh hoạt, không tổ chức cúng bái nhiều khi có người nhà mắc bệnh; hạn chế nạn tự tử trong nhân dân do tiêu cực cá nhân, mâu thuẫn gia đình; đồng bào thực hiện nếp sống tương thân, tương ái, đoàn kết trong dòng họ, trong cộng đồng dân cư; ăn ở hợp vệ sinh, di dời chuồng trại ra xa nhà...

Những kết quả đã đạt được là động lực để thời gian tới, BĐBP Hà Giang tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, góp phần tạo ra những chuyển biến tích cực, nâng cao chất lượng cuộc sống theo xu hướng văn minh, tiến bộ cho đồng bào nơi biên cương cực Bắc Tổ quốc.

Theo Báo Biên phòng
Copy Link
(0) Bình luận
Nổi bật
Thủ tướng: Trẻ em là hạnh phúc của mỗi gia đình, là tương lai của đất nước
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ đầu tư cho trẻ em là đầu tư cho tương lai đất nước; làm tốt công tác này là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, gia đình, nhà trường, toàn xã hội.
Tin mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO