Kinh tế

Giải pháp giảm nghèo ở xã vùng biên

Văn Đoàn 14/04/2024 - 09:56

Bù Gia Mập là một trong những xã đặc biệt khó khăn của tỉnh Bình Phước với hơn 73% số hộ là người dân tộc thiểu số (DTTS), đời sống còn nhiều khó khăn. Những năm qua, công tác giảm nghèo luôn được các cấp ủy, chính quyền và đoàn thể địa phương quan tâm thực hiện. Nhờ đó, đời sống người dân nơi đây ngày một cải thiện, nâng cao.

Thực hiện đồng bộ nhiều chính sách

Bù Gia Mập là xã thuộc vùng sâu, vùng xa, biên giới của huyện Bù Gia Mập, đây cũng là một trong 5 xã thuộc diện đặc biệt khó khăn của tỉnh. Hiện toàn xã có 1.776 hộ dân với 7.786 người, trong đó 73,6% là đồng bào DTTS; tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo còn cao. Do đó, tạo điều kiện hỗ trợ người dân phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của các cấp ủy, chính quyền và đoàn thể xã. Để thực hiện và hoàn thành nhiệm vụ này, xã Bù Gia Mập đã cụ thể hóa các chương trình, chính sách, huy động lồng ghép nguồn lực hỗ trợ người dân phát triển sản xuất, kinh doanh.

1_10253012042024-1-.jpg
Nhờ được hỗ trợ đất, nhà ở và vốn sản xuất cùng sự nỗ lực, chịu khó làm ăn, gia đình ông Điểu Lý đã vươn lên thoát nghèo

Phó Chủ tịch UBND xã Bù Gia Mập Điểu Thuận cho biết: Để giúp người dân cải thiện đời sống, thời gian qua chúng tôi tranh thủ huy động mọi nguồn lực hỗ trợ các hộ phát triển kinh tế. Trên cơ sở các nguồn lực có được, chúng tôi triển khai đồng bộ nhiều giải pháp từ tuyên truyền, rà soát thống kê nhu cầu… đến hỗ trợ tư vấn, vốn. Nhờ sự hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng, phù hợp nhu cầu thực tế nên tỷ lệ hộ nghèo đã giảm nhiều so với các năm trước.

Riêng trong năm 2023, từ các nguồn lực xã Bù Gia Mập đã triển khai hỗ trợ 672 nhu cầu cho hộ nghèo với tổng kinh phí gần 15,5 tỷ đồng. Trong đó, chương trình giảm 1.000 hộ nghèo DTTS của tỉnh hỗ trợ 70 hộ với 422 nhu cầu, tổng kinh phí hơn 10,3 tỷ đồng; chương trình giảm nghèo của huyện hỗ trợ 35 hộ với 230 nhu cầu, tổng kinh phí gần 6 tỷ đồng; hỗ trợ đất ở và nhà ở cho 48 hộ theo chương trình hỗ trợ tái định canh, định cư hộ đồng bào DTTS, tổng kinh phí hơn 4,1 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, các hộ nghèo, cận nghèo còn được tạo điều kiện vay vốn ưu đãi phát triển sản xuất theo chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi. Các nguồn lực được tập trung hỗ trợ theo nhu cầu chỉ tiêu thiếu hụt của các hộ gia đình như: hỗ trợ đất ở, nhà ở; nông cụ, phương tiện phục vụ sản xuất; cây - con giống, vốn đầu tư phát triển sản xuất… Kết quả trong năm qua, xã Bù Gia Mập đã giảm 105 hộ nghèo, hiện chỉ còn 127 hộ nghèo và 80 hộ cận nghèo.

Nâng cao ý thức người dân

Vài năm trước, vợ chồng ông Điểu Lý ở thôn Đắk Á rất vất vả để lo từng bữa ăn hằng ngày. Năm 2020, gia đình ông được cấp 5.000m2 đất cùng căn nhà ở theo chương trình tái định canh, định cư cho đồng bào DTTS của huyện. Đến cuối năm 2021, gia đình ông tiếp tục được hỗ trợ 120 triệu đồng từ nguồn vốn nước sạch, vệ sinh môi trường và vốn phát triển sản xuất. Chịu khó, nỗ lực lao động, giờ đây gia đình ông đã vươn lên thoát nghèo.

Ông Điểu Lý phấn khởi: “Trước đây, gia đình tôi khó khăn lắm. Nhờ được Nhà nước cấp đất, xây nhà, hỗ trợ vốn phát triển sản xuất, nay cuộc sống gia đình ổn định hơn trước. Nhà nước đã hỗ trợ, vợ chồng tôi phải cố gắng phát triển kinh tế, chứ trông chờ vào Nhà nước hoài thì khi nào mới khá lên được”.

3_10265112042024-1-.jpg
Nhờ sự hỗ trợ của Nhà nước, cuộc sống gia đình chị Điểu Thị BRú dần ổn định và khấm khá hơn trước

Còn vợ chồng chị Điểu Thị BRú ở thôn Đắk Á do điều kiện khó khăn nên khi lập gia đình ở trong căn nhà xập xệ và không có đất sản xuất. Năm 2020, gia đình chị được Nhà nước cấp đất và hỗ trợ xây căn nhà cùng cặp bò giống. Có nhà ở ổn định, vợ chồng chị chịu khó làm thuê, tích cóp được ít vốn mở tiệm tạp hóa nhỏ bên đường. Hằng ngày, chồng đi làm thuê, còn chị ở nhà chăm sóc bò, lo cho con ăn học và bán tạp hóa. Tuy vẫn còn khó khăn nhưng cuộc sống gia đình dần ổn định hơn.

Chị Điểu Thị BRú chia sẻ: “Trước đây, khi gia đình chưa có nhà ở kiên cố thì lo lắng đủ điều, hằng ngày đi làm thuê kiếm ăn từng bữa. Được Nhà nước cấp đất, xây nhà ở, giờ mình chỉ lo làm thôi. Tiệm tạp hóa tuy nhỏ, ít đồ nhưng mình buôn bán cũng đủ trang trải cuộc sống hằng ngày. Chồng mình đi làm thêm nên cuộc sống cũng ổn định”.

Từ thực tế cho thấy, cùng với sự quan tâm hỗ trợ của các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể thì ý thức tự vươn lên của người dân đóng vai trò quyết định thay đổi cuộc sống gia đình. Tin chắc rằng, các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước cùng sự nỗ lực vươn lên của người dân, diện mạo vùng biên nơi đây sẽ ngày càng tươi sáng, góp phần bảo vệ vững chắc an ninh biên giới.

Theo Báo Bình Phước
Copy Link
(0) Bình luận
Nổi bật
Thủ tướng: Trẻ em là hạnh phúc của mỗi gia đình, là tương lai của đất nước
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ đầu tư cho trẻ em là đầu tư cho tương lai đất nước; làm tốt công tác này là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, gia đình, nhà trường, toàn xã hội.
Tin mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO