Những năm gần đây, tỷ lệ hộ nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Bắc Trà My (Quảng Nam) đã giảm đáng kể. Đời sống người dân được nâng lên, góp phần quan trọng phát triển kinh tế, xã hội của huyện.
Vươn lên từ cây quế
Tận dụng tối đa nguồn tài nguyên bản địa là cây quế Trà My, nhiều hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) ở Bắc Trà My đã biết cách làm ăn, vươn lên thoát nghèo bền vững, trở thành hộ khá. Ông Trần Ngọc Liên (dân tộc Xê Đăng, ở thôn 1, xã Trà Giáp) đã cần mẫn bám vườn quế hơn 10 năm qua dù có bao biến thiên về giá cả.
Ông Liên nhẩm tính, gia đình có 2ha quế đến kỳ thu hoạch, với giá vỏ khô trên thị trường hiện nay 80 nghìn đồng/kg, vườn quế có thể mang về cho ông số tiền kha khá.
Để gìn giữ nguồn quế bản địa, ông Liên còn tự tay ươm giống quế Trà My từ hạt của những cây quế gốc được bảo tồn để bán cho người dân trong và ngoài xã.
Với nguồn thu nhập chính từ cây quế, thêm việc phát triển kinh tế gia đình từ chăn nuôi heo, bò,... đã giúp gia đình ông không chỉ thoát nghèo mà cuộc sống ngày càng khấm khá, xây dựng nhà cửa khang trang.
Rẫy quế xanh ngút ngàn của gia đình ông Đoàn Duy Giáo (ở thôn 3, xã Trà Giáp) hút tầm mắt giữa đại ngàn hùng vĩ. Hơn 5 năm trước, từ nguồn vốn vay ưu đãi dành cho đồng bào DTTS ở vùng đặc biệt khó khăn, ông Giáo đã mạnh dạn vay 30 triệu đồng để nuôi bò, trồng quế.
Có được nguồn trợ lực ban đầu tương đối ổn định, ông Giáo đã mạnh dạn vay thêm 80 triệu đồng để mở rộng diện tích trồng quế Trà My của gia đình. Đến nay, gia đình ông Giáo có hơn 5ha quế, một số gốc quế sắp đến kỳ thu hoạch.
Ông Giáo nói: “Để lấy ngắn nuôi dài và cải thiện kinh tế gia đình, tôi đã trồng xen canh cây sắn dưới các rẫy quế để vừa hạn chế cỏ dại, vừa có nguồn thức ăn tại chỗ để gia đình nuôi thêm heo, gà. Từ một hộ nghèo, đến nay gia đình tôi đã thoát nghèo, con cái được chăm lo học hành, nhà cửa được xây dựng vững chắc”.
Giảm nghèo bền vững
Các chương trình, chính sách đầu tư ở huyện Bắc Trà My không gì khác là tập trung giảm nghèo trong nhân dân, đặc biệt trong vùng đồng bào DTTS.
Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững được triển khai tại địa phương với các dự án thành phần, gồm hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội; đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo; hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng; phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững; hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo; truyền thông và giảm nghèo về thông tin; nâng cao năng lực và giám sát, đánh giá chương trình.
Tranh thủ nguồn lực của chương trình, huyện đã triển khai thực hiện các nội dung, góp phần to lớn vào công tác giảm nghèo trong thời gian qua.
Đối với chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 - 2025 theo Nghị định số 07/2021 của Chính phủ, tỷ lệ hộ nghèo bình quân giai đoạn 2022 - 2023 của Bắc Trà My giảm 7,94%, đạt so với mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân hằng năm từ 3,5%/năm theo Nghị quyết HĐND huyện.
Tính đến cuối năm 2023, Bắc Trà My có 4.013 hộ nghèo (tỷ lệ 34,56%), phần lớn hộ nghèo thuộc vùng đồng bào DTTS. Kết quả công tác giảm nghèo là nỗ lực của cả hệ thống chính trị từ huyện đến các xã, thị trấn và sự đoàn kết, đồng lòng của đồng bào các dân tộc huyện Bắc Trà My.
Bắc Trà My đang hướng tới đạt mục tiêu huyện thoát nghèo vào năm 2025, vì thế những khó khăn trong giảm nghèo bền vững ở vùng đồng bào DTTS đang được tập trung tháo gỡ bằng nhiều giải pháp.
Huyện Bắc Trà My xác định rõ đời sống của đồng bào các DTTS ở vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, kết quả giảm nghèo chưa thực sự bền vững, nguy cơ tái nghèo cao, còn có sự chênh lệch về mức sống giữa vùng núi, vùng đồng bào DTTS với các vùng trung và hạ du.
Bắc Trà My sẽ tập trung khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương, đẩy mạnh phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững.
Mục tiêu tập trung thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập so với bình quân chung của cả nước, giảm dần số xã, thôn đặc biệt khó khăn.
Huyện cũng đang quy hoạch, sắp xếp ổn định dân cư, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, liên vùng, kết nối với các vùng phát triển, cải thiện đời sống của nhân dân ở vùng đồng bào DTTS và miền núi.