Để giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Cao Lan, xã Tân Hương, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, phát huy sức mạnh và sự tham gia của toàn thể nhân dân để giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc tại địa phương.
Nghệ nhân ưu tú Lạc Tiên Sinh (bên trái) trực tiếp truyền dạy chữ viết cho các học viên ở thôn Khuôn La.
Tân Hương là địa phương đồng bào Cao Lan sinh sống lâu đời và còn giữ được bản sắc văn hóa dân tộc độc đáo trong nghi thức thờ cúng, trang phục và ngôn ngữ, đặc biệt, các điệu múa, làn điệu dân gian, hát đối, hát gọi, hát giao duyên... vẫn được duy trì và phổ biến qua các hoạt động thường ngày.
Đời sống văn hóa tinh thần của người Cao Lan rất phong phú thể hiện qua hệ thống lễ hội cổ truyền, các phong tục tập quán lâu đời. Nền văn hóa có ngôn ngữ, phong tục tập quán, truyện, thơ, tục ngữ, dân ca, dân vũ... Trong đó, có nhiều nghi lễ, tập tục, diễn xướng dân gian được lưu truyền qua nhiều thế hệ, tiêu biểu trong các là nghi lễ thờ cúng như: hát sình ca, múa súc tép, múa pâng loóng, hát đắp cọi, hát đối, lễ cấp sắc, lễ cầu yên, trình diễn dân gian…
Qua thời gian dài, việc truyền dạy và lưu truyền văn hóa dân tộc Cao Lan tại địa phương chủ yếu thông qua hình thức nắm bắt trực quan, truyền miệng. Việc học tập cũng tùy thuộc vào những người có sở thích, năng khiếu, khả năng nên vẫn còn nhiều khó khăn.
Do vậy, thời gian qua, xã đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các ngành có liên quan để làm tốt công tác tuyên truyền và xây dựng phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa dựa vào sức mạnh và sự tham gia của toàn thể nhân dân để góp phần vào việc phát huy và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.
Bà Lạc Thị Bình - Phó Chủ tịch UBND xã Tân Hương cho biết: "Đảng ủy, chính quyền đã cụ thể hóa bằng các chỉ thị, nghị quyết và chương trình, đề án... để khôi phục bảo tồn và phát triển bản sắc văn hóa các dân tộc, đặc biệt là dân tộc Cao Lan bản địa”.
"Xã xác định, ngoài sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị thì rất cần phát huy vai trò trung tâm của nghệ nhân dân gian, người có uy tín am hiểu về văn hóa dân tộc. Thông qua họ để gây dựng phong trào, hình thành các đội, nhóm văn nghệ dân gian; tổ chức các lớp tập huấn, truyền dạy văn hóa dân tộc Cao Lan bằng các giáo trình, kế hoạch phát triển cụ thể. Cùng với đó, xã tận dụng nguồn lực từ trung ương tới địa phương để đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất, kinh phí giúp duy trì, phát triển phong trào hơn nữa” - bà Bình nói về cách giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Cao Lan.
Với cách làm này, từ năm 2015, xã Tân Hương đã tổ chức ra mắt Câu lạc bộ (CLB) dân ca các dân tộc đầu tiên của xã tại thôn Khe Gầy, tiếp đến thành lập CLB văn nghệ dân gian dân tộc Cao Lan ở thôn Khuôn La vào năm 2019. Các CLB văn nghệ dân gian thường xuyên duy trì luyện tập, tham gia hoạt động giao lưu, các hội thi cấp huyện, cấp tỉnh.
Thực hiện việc tổ chức lớp truyền dạy lĩnh vực văn hóa phi vật thể huyện Yên Bình, từ năm 2022 đến nay, xã đã rà soát và đăng ký thành lập 2 đội văn nghệ dân gian dân tộc Cao Lan với gần 100 thành viên tham gia sinh hoạt và được hỗ trợ kinh phí hoạt động; mở 2 lớp truyền dạy tiếng nói, nghệ thuật trình diễn nghệ thuật dân gian dân tộc Cao Lan cho 50 học viên. Hoạt động của các CLB, các lớp truyền dạy đều được cán bộ chuyên môn của xã và nghệ nhân ưu tú Lạc Tiên Sinh bám sát, truyền dạy tâm huyết.
Nghệ nhân ưu tú Lạc Tiên Sinh chia sẻ: "Các lớp học không chỉ thu hút các học viên đến từ các thôn Khuôn La, Khe Gầy mà còn người dân ở các thôn lân cận, học sinh là con em các dân tộc trên địa bàn xã. Các học viên đã múa được các điệu múa đặc sắc của dân tộc mình và biết phân biệt, sử dụng các nhạc cụ phù hợp với các điệu múa, hát được những bài hát của dân tộc Cao Lan như: hát sình ca, hát đối, hát giao duyên... Mọi người sẽ tiến bộ hơn theo thời gian khi sinh hoạt cùng CLB”.
Công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào các dân tộc thiểu số ở xã Tân Hương đã được triển khai từ cấp tỉnh đến cơ sở với hệ thống văn bản hướng dẫn, chỉ đạo thực hiện cụ thể. Các nghệ nhân dân gian, người có uy tín, người dân tích cực tham gia gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Cao Lan nói riêng và các dân tộc khác nói chung sẽ giúp địa phương khai thác, phát huy giá trị nét đặc sắc văn hóa dân tộc dân gian vào quá trình xây dựng quê hương, phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới.
Bình luận của bạn đã được gửi và sẽ hiển thị sau khi được duyệt bởi ban biên tập.
Ban biên tập giữ quyền biên tập nội dung bình luận để phù hợp với qui định nội dung của Báo.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ đầu tư cho trẻ em là đầu tư cho tương lai đất nước; làm tốt công tác này là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, gia đình, nhà trường, toàn xã hội.