Văn hóa

Đưa trà sen tỏa hương thế giới

Dương Thảo 01/11/2023 - 09:56

Như một sản vật quốc hồn quốc túy, trà sen Tây Hồ không chỉ là món quà trời đất ban tặng người Tây Hồ, mà còn là niềm tự hào của người Kinh kỳ. Ướp trà sen và thưởng trà đã trở thành thú chơi thanh tao, mang đặc trưng của người Hà thành.

Tinh hoa đất trời

Trong các loại trà Việt, mỗi loại trà có một vị trí và chỗ đứng khác nhau, sự cảm nhận cũng tùy thuộc vào độ tinh tế và vị giác của mỗi người. Có người thích trà tươi vì vị chan chát đầu lưỡi, người lại “mê” Shan Tuyết, trà Ô Long Bảo Lộc… với vô vàn lý do khác nhau. Đã gọi là trà, chắc chắn phải có vị riêng và được “fan” hâm mộ.

sen_zing_5132.jpg
Sen để làm trà phải là sen Tây Hồ với cái tên mỹ miều là Bách Diệp, không nơi nào có được

Danh sách trà Việt Nam thì nhiều lắm, ấy nhưng, trà sen Tây Hồ thì được kha khá người say như “điếu đổ”. Chỉ cần lướt tìm nhanh trên mạng, đã thấy tên trà sen được đứng ngay đầu tiên trong số các loại trà Việt. Người “phải lòng” trà sen Tây Hồ vì mùi thơm có một không hai, người khác cũng chỉ vì mùi thơm sánh quện của trà, của sen mà ao ước được một lần nhâm nhi. Hay có những đoàn khách quốc tế đến Tây Hồ để tận mắt xem người Hà Nội làm trà sen như thế nào, pha trà ra sao? Âu cũng có điểm chung vì tiếng của trà sen.

pasted-image-0-1-.png
Trà sen Tây Hồ được coi là "nữ hoàng" của các loại trà

Nhắc đến trà sen Tây Hồ, nhiều người thắc mắc “báu vật” này có gì đặc biệt mà nhiều người coi là “nữ hoàng” của các loại trà? Theo những nghệ nhân ở khu vực Quảng Bá, Nghi Tàm, sen ở Tây Hồ là loại đặc biệt nhất, với cái tên mỹ miều là Bách Diệp, không nơi nào có được. Cũng là cây sen nhưng trồng ở nơi khác thì mùi vị sẽ không giống sen Tây Hồ, chỉ có sen Tây Hồ là nồng nàn, ngát hương nhất. Bởi sen mọc ở gần sông Hồng, nơi có nhiều phù sa, vị phù sa đã “ướp” vào từng cánh sen, đưa hương sen trở nên ngào ngạt.

Nếu coi sen là “quốc bảo” của Hồ Tây thì trà Tân Cương trên mảnh đất Thái Nguyên cũng là “đệ nhất” trong các nguyên liệu dùng để ướp hương sen. Hai thứ tinh hoa cùng pha trộn với nhau thì có lẽ sẽ tạo ra những sản phẩm “để đời”.

Theo các nghệ nhân ở Tây Hồ, sen Hồ Tây phải được ướp từ trà Tân Cương, bởi trà Tân Cương có vị đậm đà. Người làm trà cũng cần thực hiện rất nhiều công đoạn, từ hái hoa, sơ chế hoa, tỷ lệ pha trộn giữa chè khô và cánh sen, thời gian ủ, sấy trà…

Ở Tây Hồ giờ còn vài nghệ nhân theo nghề ướp trà sen. Ướp trà sen có chung cách làm nhưng mỗi nhà có bí quyết riêng, ai khéo ở khâu nào thì chè ngon theo cách đó. Chẳng hạn khéo chọn trà mạn thì nước ngọt, khéo sấy thì đượm thơm hương. Mọi công đoạn làm thủ công và rất sạch sẽ.

Người Tràng An vốn cầu kỳ trong lối ăn, lối chơi, nên cách ướp trà “đệ nhất”, như ướp trà sen Tây Hồ, trà thủy tiên. Chẳng biết tục ướp trà có từ bao giờ, nhưng thú chơi này vẫn được gìn giữ và duy trì đến tận bây giờ.

Nâng tầm trà Việt

pasted-image-0.png
Sen Hồ Tây mọc ở gần sông Hồng, vị phù sa đã “ướp” vào từng cánh sen, đưa hương sen trở nên ngào ngạt

Làm ra “thiên cổ đệ nhất trà” đã tỉ mỉ, cầu kỳ, việc thưởng trà cũng cầu kỳ không kém. Vẫn là những kinh nghiệm của nghệ nhân Tây Hồ, trà ngon phải đun nước sôi già, tráng ấm chén, rót từng ít sau đó một nửa ấm sau đó lại chế tiếp. Cũng có những người chọn từng loại ấm cho trà khác nhau. Người thích thưởng trà bằng ấm đất. Trà không được pha quá đặc, khi thưởng thức, phải ngậm từ từ rồi nuốt, hương sen phảng lên trên đầu, cả vị chát của trà, rồi từ từ ngòn ngọt trong cổ họng.

Từ ngàn xưa, Người Việt Nam có nhiều cách thưởng trà khác nhau. Trà ướp hương hoa cũng có nhiều loại. Người Việt Nam ướp nhiều loại hoa làm trà, từ mộc, ngâu, lan cho đến bưởi, sói, nhài… Những nhà văn tài hoa của Hà Nội như Nguyễn Tuân, Vũ Bằng… cũng mô tả về trà. Thế mới biết văn hóa trà được nối tiếp như dòng chảy mãnh liệt của lịch sử.

captureb.png
Sử dụng trà để ướp sen không biết có từ khi nào, đã trở thành nét văn hóa của người Hà Nội nói riêng

Cũng là nghệ thuật thưởng trà, ở Nhật Bản, trà là một trong số những đồ uống nổi tiếng nhất bởi chủng loại đa dạng, hương vị đặc sắc, cách pha và thưởng thức vô cùng tinh tế. Điểm đặc biệt trong văn hóa thưởng trà của người Nhật là ăn kèm một vài loại bánh ngọt để làm gia tăng hương vị của trà. Bốn nguyên tắc cơ bản của Trà đạo bao gồm Hòa - Kính - Thanh - Tịch. Văn hóa trà đạo Nhật Bản ảnh hưởng từ văn hóa trà Trung Quốc nhưng chứa đựng sự tỉ mỉ, chỉn chu và nghi thức cầu kỳ đặc trưng Nhật Bản, đã vượt qua giới hạn của đất nước mặt trời mọc và vươn lên thành biểu tượng văn hóa thế giới.

Tản mạn câu chuyện trà sen Tây Hồ, tôi chợt nhớ tới những điều xì gà Cu Ba. Có nét tương đồng giữa làm trà thủ công như ở Hà Nội và xì gà Cu Ba. Yếu tố đầu tiên tạo nên sự đặc biệt của xì gà Cu Ba là vùng đất trồng cây xì gà chỉ có ở tỉnh Pinar de Rio, nơi cho ra thứ lá làm nên loại xì gà hảo hạng Cu Ba mà cả thế giới từng biết đến. Cây xì gà là biểu tượng của Pinar de Rio. Người ta nói, vẫn giống cây xì gà ấy, nếu đem trồng ở khu vực khác, cây vẫn ra lá nhưng không cho hương vị chuẩn để làm xì gà hảo hạng, mà chỉ để làm thuốc lá. Mỗi cây xì gà, người nông dân sẽ thu hoạch khoảng 14 - 15 lá để làm xì gà.

Lá xì gà thu hoạch xong được hong phơi trong nhà kho rồi được chuyển tới nhà máy. Xì gà Cu Ba được cuốn thủ công. Một điếu xì gà có tới 4 loại lá khác nhau. Lá tạo hương vị là loại lá ở giữa cây, có mùi vị trung bình. Lá tạo độ chắc cho điếu thuốc nằm ở phần ngọn. Lá dẫn cháy nằm gần gốc. Những lá này tạo thành lõi xì gà, được cuốn bên ngoài bởi lá bọc thường mỏng và dai. Xì gà sau khi cuốn được ép, cắt, tạo dáng và sau cùng được kiểm tra từng điếu một trước khi xuất xưởng.

cdn-congly-vn_tra-sen-tay-ho-net-dep-trong-van-hoa-viet-hinh-anh1874414083.jpg
Trà sen muốn có hương vị nhất thì việc quan tâm nằm ở cách chọn trà và chọn sen

Cu Ba có xì gà nổi tiếng thế giới, có hương vị thủ công của bàn tay nghệ nhân và vùng đất Pinar de Rio. Người Hà Nội có hương sen Bách Diệp ở Tây Hồ, có những nghệ nhân hơn 70 năm giữ nghề để làm ra thứ nước uống “độc nhất vô nhị”. Hà Nội có những tiệm trà trên một số con phố để cho tao nhân gặp gỡ, đàm đạo về trà. Hay ở Quảng An, Tứ Liên… mùa sen nào cũng có những du khách quốc tế tới tìm hiểu, khám phá về quy trình làm trà, để hiểu hơn về ẩm thực trà của người Hà thành. Không chỉ được thưởng trà, du khách còn thích thú thả mình vào những đầm sen, chụp ảnh cùng sen…

Người Hà Nội vẫn tự hào về sen Tây Hồ, người Tây Hồ tự hào về sen Quảng Bá, Nghi Tàm, Tứ Liên, Quảng An… trong câu chuyện về trà sen, nếu người dân biết kết hợp vừa giữ nghề truyền thống, giữ văn hóa trà sen và làm du lịch, để đưa văn hóa thưởng trà thành “quốc trà” của người Việt và lên tầm thế giới thì tốt biết bao.

(0) Bình luận
Nổi bật
Thủ tướng: Trẻ em là hạnh phúc của mỗi gia đình, là tương lai của đất nước
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ đầu tư cho trẻ em là đầu tư cho tương lai đất nước; làm tốt công tác này là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, gia đình, nhà trường, toàn xã hội.
Tin mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO