Chôl Chnăm Thmây là lễ hội mừng năm mới theo lịch cổ truyền của đồng bào dân tộc Khmer, cũng là 1 trong 3 Lễ, Tết lớn nhất trong năm của đồng bào Khmer. Diễn ra từ ngày 13 đến 16/4/2024 dương lịch, Tết năm nay mang đậm màu sắc văn hóa điển hình của đồng bào dân tộc Khmer, thể hiện ước vọng một năm mới mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu…
Lễ hội đua thuyền của đồng bào Khmer Nam bộ. (Ảnh: K.V) |
Theo đó, các địa phương phía Nam, nơi có đồng bào Khmer sinh sống đã đặc biệt quan tâm đến sự kiện này. Ngay từ sớm, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Vĩnh Long đã chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc Khmer quán triệt quan điểm, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước, đặc biệt là tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phấn đấu lao động sản xuất, học tập, thực hành tiết kiệm. Phát huy tính tự lực, tự cường vươn lên vượt khó thoát nghèo, đẩy mạnh phát triển kinh tế hộ gia đình. Đồng thời thực hiện tốt phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; nâng cao đời sống đồng bào dân tộc Khmer; luôn có ý thức đề cao cảnh giác để chống lại luận điệu tuyên truyền xuyên tạc của các thế lực thù địch nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Các sở, ban, ngành của tỉnh Vĩnh Long cũng tăng cường vận động cộng đồng hỗ trợ đồng bào Khmer nghèo và tổ chức thăm viếng chùa, sư sãi, các gia đình chính sách người dân tộc Khmer tiêu biểu, người có uy tín trong đồng bào dân tộc Khmer. Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch phối hợp tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí lành mạnh phù hợp với bản sắc văn hóa dân tộc, nhằm giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Khmer và truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Lực lượng công an, quân sự có kế hoạch bảo vệ tốt an ninh, trật tự xã hội cho đồng bào dân tộc Khmer vui Tết…
Tại tỉnh Kiên Giang, địa phương có trên 61.000 hộ, với 237.157 người, chiếm hơn 13% tổng số dân là đồng bào dân tộc Khmer, đứng thứ ba trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, sau hai tỉnh Sóc Trăng và Trà Vinh. Những năm gần đây, đời sống của đồng bào Khmer tỉnh Kiên Giang không ngừng khởi sắc. Các chính sách hỗ trợ của Đảng, nhà nước về nhà ở, đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt… đã góp phần thúc đẩy kinh tế-xã hội vùng đồng bào Khmer phát triển, giảm tỷ lệ hộ nghèo đáng kể.
Để chuẩn bị cho mùa Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây diễn ra từ ngày 13-16/4, tức mùng 5 - 8/3 (Âm lịch), Ban Quản trị và các vị sư sãi cũng như bà con đều tất bật, từ việc dọn dẹp, trang trí khuôn viên nhà chùa cho đến làm các loại bánh dân gian, luyện tập các tiết mục văn nghệ để đồng bào phật tử thưởng thức khi đến làm lễ tại đây. Để góp phần tạo nên mùa Tết cổ truyền đầm ấm, bà con đã dọn dẹp, vệ sinh đường giao thông, tạo cảnh quan quanh chùa để người dân có nơi để sinh hoạt, cúng bái tổ tiên, ông bà. Qua đó, càng thắt chặt hơn nữa mối quan hệ giữa cán bộ, đảng viên và đồng bào dân tộc Khmer, góp phần để Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây diễn ra trong an ninh, an toàn và gìn giữ được bản sắc văn hóa vốn có.
Trong những ngày này, các nhà chùa tưng bừng tổ chức nhiều nghi lễ, trò chơi dân gian, văn nghệ... Khi người dân đến thắp nhang, nhà chùa bố trí hợp lý, không tập trung quá đông người dân trong cùng một thời điểm, đảm bảo vấn đề an ninh, trật tự trong dịp Tết. Bên cạnh đó, nhà chùa tuyên truyền cho phật tử đón Tết phải đảm bảo an toàn, tiết kiệm, tiếp tục ra sức thi đua, học tập, lao động để góp phần giúp nhà nhà được no ấm, quê hương ngày thêm giàu đẹp.
Hòa chung không khí tất bật chuẩn bị đón Tết Chôl Chnăm Thmây của đồng bào Khmer, lãnh đạo tỉnh Kiên Giang cũng đã tổ chức nhiều đoàn đến thăm và chúc Tết Hội đoàn kết sư sãi yêu nước, các vị chức sắc và Ban Quản trị các chùa Khmer trên địa bàn. Đồng thời tuyên truyền, vận động đồng bào chư tăng, phật tử và nhân dân chấp hành nghiêm chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, đậm đà bản sắc dân tộc.
Hòa thượng Danh Đổng, Chủ tịch Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh Kiên Giang cho biết, khi Hội nhận được các văn bản chỉ đạo của Ủy ban Nhân dân tỉnh, Tỉnh ủy về việc tổ chức đón Tết Chôl Chnăm Thmây năm nay, Hội đã hướng dẫn Ban Quản trị các chùa Khmer trên địa bàn tỉnh thực hiện nghiêm, đồng thời tuyên truyền đến chư tăng, phật tử và đồng bào Khmer đón Tết cổ truyền trong không khí vui tươi, an toàn, tiết kiệm, không để xảy ra tình trạng mất an ninh, trật tự trong quá trình diễn ra Tết.
Phát quà miễn phí tặng đồng bào Khmer. (Ảnh: K.V) |
Tại tỉnh Bạc Liêu, ngay từ khá sớm, các ngôi chùa đã được bà con chỉnh trang nhằm đảm bảo phục vụ tốt nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng, vui chơi của cộng đồng. Cùng với đó, người dân cũng sửa sang nhà cửa để đón cái Tết ấm áp, tươm tất. Với đồng bào Khmer, ngôi chùa có một vị thế rất vững chắc trong đời sống xã hội và tâm thức. Chùa không chỉ là nơi thực hiện tín ngưỡng tâm linh mà còn là trung tâm sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Đại đức Hồ Mít, Trụ trì Chùa Dì Quán (xã Ninh Quới, huyện Hồng Dân) cho biết, hầu như tất cả dịp lễ, Tết truyền thống trong năm, đồng bào Khmer đều đến chùa. Chuẩn bị đón Tết Chôl Chnăm Thmây, Chùa Dì Quán vừa hoàn tất xây dựng ngôi Sala (ngôi nhà đầu tiên khi xây dựng chùa) cùng với một số công trình phụ phục vụ nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng của phật tử. Cùng với đó, nhà chùa còn tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao như: đua vỏ lãi, thi đấu bóng chuyền… để phục vụ nhu cầu sinh hoạt văn hóa, thể thao của người dân.
Cùng với việc chăm lo đời sống vật chất, việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Khmer được các cấp ủy, chính quyền ở tỉnh Bạc Liêu đặc biệt quan tâm. Tất cả 22 chùa Khmer trong tỉnh được chính quyền, mặt trận, đoàn thể các cấp quan tâm, tạo điều kiện tốt để các vị sư và đồng bào phật tử người dân tộc Khmer thực hiện các nghi thức tín ngưỡng. Tỉnh đã đầu tư hàng chục tỷ đồng để hỗ trợ mua sắm nhạc cụ ngũ âm, đóng mới và sửa chữa ghe ngo, đầu tư lò hỏa táng và xây dựng chánh điện cho các chùa Khmer. Những ngôi chùa, các Salaten (nhà văn hóa cộng đồng người Khmer) trong vùng có đông đồng bào dân tộc Khmer được hỗ trợ làm nơi sinh hoạt, thực hiện tín ngưỡng tôn giáo, không chỉ là nơi giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc Khmer, mà còn là nơi để các vị sư tập hợp phật tử người Khmer tuyên truyền, giúp đồng bào hiểu rõ và chấp hành tốt các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước.
Được biết, tỉnh Bạc Liêu hiện có trên 17.000 hộ gia đình người Khmer, với hơn 75.000 nhân khẩu, chiếm 7,58% dân số. Thời gian qua, nhiều chủ trương, chính sách đặc thù dành cho đồng bào dân tộc của Đảng và Nhà nước luôn được các cấp ủy Đảng, chính quyền tỉnh Bạc Liêu quan tâm chỉ đạo thực hiện kịp thời, chặt chẽ và phát huy hiệu quả. Đáng chú ý là "Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi", chỉ tính riêng năm 2023, từ nguồn vốn phân bổ của Trung ương và ngân sách đối ứng của địa phương, Bạc Liêu đã giải ngân gần 42 tỷ đồng đầu tư vào xây dựng hạ tầng, hỗ trợ sản xuất, nhà ở, hỗ trợ nước sạch sinh hoạt, chuyển đổi ngành nghề…, giúp cho hàng nghìn hộ gia đình Khmer phát triển sản xuất, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân./.