Tiêu điểm

Đồng bào Công giáo xứng đáng với niềm tin của dân tộc

Dương Thảo 15/10/2023 - 19:16

Là tổ chức xã hội, đại diện cho phong trào thi đua yêu nước trong đồng bào Công giáo, Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam luôn nỗ lực dấn thân thực hiện tốt đường hướng gắn bó, "đồng hành với dân tộc"; khẳng định vai trò là cầu nối phản ánh những tâm tư, nguyện vọng hợp pháp, chính đáng của người Công giáo với Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam... Nhiệm kỳ 2018-2023, Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam đã gặt hái được nhiều kết quả.

Tham gia phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh

Uỷ ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam các cấp trong nhiệm kỳ 2018-2023 ngày càng ý thức việc đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, ý thức việc triển khai phong trào thi đua yêu nước là yêu cầu sống còn của tổ chức nên đã có nhiều cố gắng trong tìm tòi, sáng tạo, xác định tính thiết thực khi triển khai phong trào, gây được lòng tin trong đồng bào Công giáo và trong xã hội.

Mặc dù tình hình trong nước và khu vực diễn biến phức tạp, tình hình trong nước còn không ít khó khăn, thách thức tác động đến tư tưởng, tình cảm của nhân dân, trong đó có đồng bào Công giáo, song khối đại đoàn kết toàn dân tộc đã được tăng cường. Ủy ban đã luôn phát huy vai trò, trách nhiệm của mình đối với tổ chức và tiên phong trong các phong trào thi đua yêu nước trong đồng bào Công giáo, tích cực tham gia hoạt động của Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam các cấp.

_dsc7463.jpg
Đồng bào Công giáo tham gia hoạt động, đóng góp trên nhiều lĩnh vực đời sống

Trong phát triển sản xuất, kinh tế, nhiều mô hình sản xuất kinh doanh đã phát huy hiệu quả kinh thế cao nhờ mạnh dạn áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, phát triển ngành nghề, tạo việc làm cho người lao động, tăng thu nhập, cải thiện đời sống, giảm nghèo bền vững.

Các mô hình này chủ yếu tập trung vào chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, các mô hình sản xuất phù hợp với đặc điểm của từng địa phương, tập trung đầu tư cải tạo xây dựng các mô hình trang trại, nâng cao giá trị sản lượng hàng hoá…

Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp do người Công giáo làm chủ đã tích cực động viên, giúp đỡ nhau phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu chính đáng… Qua đó hình thành nhiều vùng chăn nuôi, tập trung đổi mới công nghệ nâng cao chất lượng sản phẩm, đem lại giá trị kinh tế cao, góp phần tham gia hoạt động bác ái từ thiện.

Hướng đến bảo vệ sức khoẻ cộng đồng, nhiều dòng tu cũng nêu gương và cung cấp cho thị trường những sản phẩm nông nghiệp bảo đảm chất lượng và an toàn, giữ gìn sức khỏe của người tiêu dùng. Đồng thời, thực hiện nhiều chương trình hỗ trợ các gia đình nghèo phát triển sản xuất, chăn nuôi, hỗ trợ việc làm cho lao động nghèo, người có hoàn cảnh đặc biệt trong xã hội.

Một số mô hình như: Công đoàn Betania - Hội dòng mến Thánh giá Xuân Lộc (Đồng Nai) tổ chức chương trình dạy nghề may thêu và tạo việc làm cho nhiều phụ nữ nghèo, khuyết tật; Giáo xứ Nam Hà, giáo xứ Xuân Mỹ (Đồng Nai) tổ chức chương trình “Đại lý hỗ trợ các hộ nghèo chăn nuôi”, vận động các hộ kinh doanh ứng bán thức ăn chăn nuôi cho các hộ nghèo và thu tiền sau khi bán vật nuôi…

_dsc7701.jpg
Đại hội Đại biểu toàn quốc Người Công giáo Việt Nam xây dựng và bảo vệ Tổ quốc lần thứ VIII nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước

Qua 5 năm triển khai, phong trào đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế của đồng bào Công giáo ngày càng phát triển cả bề rộng và chiều sâu. Qua đó, xuất hiện ngày càng nhiều tấm gương điển hình tiên tiến, xuất sắc trong lao động sản xuất, phát triển kinh tế, giúp nhau giảm nghèo, đẩy mạnh các hoạt động từ thiện, nhân đạo. Đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào không ngừng được cải thiện, góp phần đẩy lùi các tệ nạn xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trận tự an toàn xã hội.

Chăm sóc sức khỏe, y tế toàn diện cho đồng bào Công giáo

Với tinh thần “thương người như thể thương thân”, đồng bào Công giáo đã tích cực tham gia các hoạt động khám, chữa bệnh cho người nghèo, chăm sóc sức khỏe cộng đồng bằng cách tổ chức các đợt khám, chữa bệnh lưu động và tại các phòng khám, chữa bệnh từ thiện do các vị linh mục, nữ tu và bà con giáo dân thực hiện ở nhiều địa phương trên cả nước.

Thông qua Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Hội Chữ Thập đỏ địa phương, nhiều linh mục đã mời gọi các đoàn y, bác sĩ ở các bệnh viện tuyến Trung ương (Tp. Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh) về khám bệnh và cấp phát thuốc miễn phí cho các bệnh nhân nghèo tại các giáo xứ, không phân biệt lương, giáo.

Ngoài ra, nhiều linh mục đã tạo điều kiện giúp đỡ cho các bệnh nhân nan y phải điều trị dài ngày; thăm viếng, giúp đỡ những bệnh nhân có hoàn cảnh neo đơn; đồng thời hướng dẫn bà con ở cộng đồng dân cư giữ gìn vệ sinh môi trường, sử dụng thực phẩm vệ sinh, an toàn, không sử dụng các loại thực phẩm không rõ nguồn gốc gây hại cho sức khỏe.

Tổng số kinh phí tham gia ủng hộ các quỹ của Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam tỉnh, thành phố 5 năm (2017-2022): Quỹ “Vì biển đảo Việt Nam”, “Vì người nghèo”, “Đền ơn đáp nghĩa”, “Xây nhà đại đoàn kết”… với tổng số tiền là hơn 2.013 tỷ đồng.

Ngoài ra, các linh mục, các nữ tu cũng đóng góp rất lớn công sức của mình vào công tác từ thiện bác ái thông qua hoạt động tại các phòng khám bệnh từ thiện, trực tiếp phục vụ tại các bệnh viện, các trung tâm chăm sóc người bị nhiễm HIV/AIDS và tổ chức các hình thức “Nồi cháo tình thương cho bệnh nhân nghèo”, “Bếp ăn tình thương”, “Tủ thuốc miễn phí”...

Trong thời gian dịch Covid - 19 hoành hành tại Việt Nam, hưởng ứng Lời kêu gọi của Hội đồng Giám mục Việt Nam gửi đồng bào Công giáo Việt Nam về việc hỗ trợ cho người dân Tp. Hồ Chí Minh và các tỉnh trong cơn đại dịch, đồng bào Công giáo mỗi nơi đều đã tìm ra những cách thức riêng khắc phục những khó khăn trong thời gian dịch bệnh bùng phát.

_dsc7899.jpg
Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến chúc mừng Linh mục Trần Xuân Mạnh

Các dòng tu nam, nữ ở Đà Lạt đã chủ động đến các nhà vườn có rau bị các Công ty ngừng thu mua do dịch Covid-19 để xin thu hoạch gửi về Tp. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai… giúp đỡ các dòng, các cơ sở xã hội đang nuôi dưỡng người già, người tàn tật, trẻ mồ côi. Đã có nhiều giáo dân tự kết thành nhóm thiện nguyện để chung tay làm việc bác ái, bằng việc mua rau quả, thực phẩm gửi đến đồng bào đang gặp khó khăn do dịch bệnh…

Trong phòng chống đại dịch Covid-19, chỉ riêng tại Tp. Hồ Chí Minh, các vị chức sắc, chức việc, nam nữ tu sĩ và đồng bào Công giáo Thành phố đã quyên góp ủng hộ tiền, hàng hoá, trang thiết bị y tế, các phần quà trị giá trên 20 tỷ đồng; đã có hơn 1000 lượt các vị linh mục, tu sĩ và giáo dân tình nguyện phục vụ tại các bệnh viện hồi sức, bệnh viện dã chiến thu dung trên địa bàn, hỗ trợ, giúp đỡ việc điều trị cho hàng chục nghìn bệnh nhân nhiễm Covid-19...

Khi đại dịch tạm lắng, hưởng ứng lời kêu gọi của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về việc lễ tưởng niệm đồng bào tử vong vì Covid-19, Ban Thường trực Trung ương Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam kêu gọi Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam các tỉnh, thành phố phối hợp và động viên các linh mục là thành viên của Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam các cấp tổ chức thánh lễ cầu nguyện hoặc nghi thức tưởng niệm cho đồng bào tử vong và cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh trong đại dịch Covid-19.

Bảo vệ, giữ gìn môi trường

Cùng đó, trong hoạt động bảo vệ môi trường, khí hậu, đã có nhiều mô hình khu dân cư bảo vệ môi trường ở cộng đồng dân cư có đông đồng bào Công giáo mang lại hiệu quả thiết thực. Các vị linh mục, ban hành giáo và đồng bào Công giáo ở các giáo xứ, giáo họ cùng với cộng đồng dân cư ra quân dọn dẹp vệ sinh khu phố, thôn, ấp, bản, làng; giữ gìn cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp, xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hóa.

Người Công giáo tham gia thực hiện bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu bằng nhiều hành động thiết thực, hiệu quả như: Mô hình xử lý rác thải hữu cơ tại hộ gia đình; tiết kiệm nước, sử dụng bóng đèn và các thiết bị điện ít tiêu hao năng lượng, tắt điện khi không sử dụng, không xả rác thải ra nơi công cộng, không sử dụng hóa chất độc hại trong canh tác, trồng trọt và sản xuất...

5 năm qua, phong trào thi đua yêu nước trong đồng bào Công giáo tiếp tục được duy trì và phát triển cả về bề rộng và chiều sâu, xuất hiện ngày càng nhiều mô hình hay, cách làm tốt cùng với nhiều tấm gương điển hình tiên tiến, xuất sắc trong lao động sản xuất, phát triển kinh tế, giúp nhau xóa đói giảm nghèo.

9d403365f23d25637c2c.jpg
Phong trào thiện nguyện được triển khai tại các địa phương trong Ủy ban các cấp

Những hoạt động này góp phần quan trọng vào việc thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ kinh tế, xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh của đất nước, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đồng thời thực hiện tốt chương trình mục vụ hằng năm của Giáo hội Công giáo Việt Nam.

Nhờ đó, đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân ngày càng được chăm lo, bản sắc văn hóa của dân tộc được giữ gìn và phát huy. Nhiều hoạt động đền ơn, đáp nghĩa được triển khai thực hiện, có ý nghĩa giáo dục, nhân văn sâu sắc. Sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân, giáo dục đào tạo, dạy nghề và giải quyết việc làm ngày càng có nhiều kết quả thiết thực.

Đối tượng chính sách, hộ nghèo được Nhà nước và xã hội chăm lo tích cực với tinh thần “Không để ai bị bỏ lại phía sau”. An sinh xã hội được bảo đảm. Quốc phòng, an ninh được giữ vững. Chính trị - xã hội ổn định, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của đồng bào Công giáo.

Hệ thống kiện toàn

Nhiệm kỳ qua, Uỷ ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam các cấp không ngừng được củng cố, kiện toàn và phát triển về mặt tổ chức, kịp thời bổ sung, kiện toàn các chức danh chủ chốt của Uỷ ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam các cấp khi bị thiếu, khuyết.

Nhiều mô hình Uỷ ban Đoàn kết Công giáo ở quận, huyện, thị xã, thành phố; Tổ Đoàn kết Công giáo ở xã, phường, thị trấn tiếp tục hình thành. Uỷ ban tiếp cận với bà con giáo dân ở cơ sở và là tiền đề quan trọng để hoàn thiện cơ cấu, hệ thống tổ chức từ Trung ương đến cơ sở khi có điều kiện.

_dsc8009.jpg
Nhiều cá nhân được trao Bằng khen tại Đại hội đại biểu toàn quốc Người Công giáo Việt Nam xây dựng và bảo vệ Tổ quốc lần thứ VIII vì những thành tích và đóng góp cho các phong trào, hoạt động

Hoạt động của Uỷ ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam các cấp ngày càng đi vào ổn định, có chương trình, kế hoạch cụ thể, phối hợp chặt chẽ với Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp. Các Ủy viên Uỷ ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam các cấp ngày càng phát huy vai trò, trách nhiệm của mình trong sinh hoạt và tham gia các hoạt động của Ủy ban cũng như hoàn thành nhiệm vụ được giao phụ trách, theo dõi, hỗ trợ, tham gia hoạt động của Ủy ban cấp dưới.

Nhiều vị thành viên của Uỷ ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam các cấp thể hiện rõ tính tiêu biểu, vai trò nêu gương và thiết thực tham gia vào các hoạt động chung của Ủy ban.

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến biểu dương, ghi nhận kết quả của Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam dịp Đại hội Đại biểu toàn quốc Người Công giáo Việt Nam xây dựng và bảo vệ Tổ quốc lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2023-2028.

Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến nhấn mạnh: “Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam, tôi xin chúc mừng những kết quả đáng trân trọng mà Uỷ ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam trong nhiệm kỳ qua. Xin ghi nhận, biểu dương và trân trọng cảm ơn công sức của các vị linh mục, nam nữ tu sỹ và đồng bào Công giáo đối với sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời gian vừa qua”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Thủ tướng: Trẻ em là hạnh phúc của mỗi gia đình, là tương lai của đất nước
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ đầu tư cho trẻ em là đầu tư cho tương lai đất nước; làm tốt công tác này là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, gia đình, nhà trường, toàn xã hội.
Tin mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO