Với lối hát và âm nhạc đơn giản, dễ thực hành nghệ thuật hát Soọng cô luôn tồn tại, hiện hữu trong đời sống, được cộng đồng người Sán Dìu ở Đồng Hỷ (Thái Nguyên) lưu giữ và trở thành di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu quốc gia.
Huyện Đồng Hỷ là địa bàn sinh sống của nhiều dân tộc anh em, trong đó người Sán Dìu chiếm tỷ lệ đông nhất.
Kho tàng văn hóa dân gian các dân tộc ở Đồng Hỷ rất đa dạng và phong phú. Nếu người Tày có hát Then, hát Sli, hát Lượn, Thái có các làn điệu Khắp, người Cao Lan có Sình ca, Sán Chỉ có hát Xắng cọ thì người Sán Dìu có Soọng cô.
Theo tiếng Sán Dìu, "Soọng" có nghĩa là hát, "Cô" nghĩa là ca. Soọng cô là làn điệu ca hát của người Sán Dìu, viết theo thể thất ngôn tứ tuyệt, ghi chép bằng chữ Hán cổ và được lưu truyền trong dân gian. Nội dung soọng cô thường dựa vào cảnh đẹp quê hương, làng xóm, sinh hoạt hàng ngày để nói lên nỗi lòng mình. Lời ca và giai điệu của Soọng cô không hề khô cứng mà mềm dẻo đầy sức lan tỏa, diễn đạt tâm tư tình cảm của người hát, làm mê đắm lòng người.
Có thể nói hát Soọng cô là phương tiện để truyền tải những tâm tư, tình cảm và ước muốn của người Sán Dìu trong cuộc sống thường ngày, là dấu hiệu nhận biết bản sắc văn hóa tộc người.
Hát dân ca Soọng cô thường là lối hát đối đáp giữa nam và nữ với những lời thơ trữ tình, giàu tính nhạc, tính họa, mang đậm bản sắc dân tộc. Lời soọng cô là thể thơ bảy chữ, ví von, tình tứ, như trải nỗi niềm tâm sự của chàng trai, cô gái Sán Dìu.
Điệu hát Soọng cô thường được cất lên trong lao động sản xuất (trụ soọng cô), trong lễ cưới hỏi (sênh ca chíu cô), trong các dịp lễ Tết (tạo nén cô), trong lúc đi chơi làng (hị son cô), trong lúc ru con ngủ (ếnh slảy cô)…
Những bài “trụ soọng cô” có nội dung ca ngợi đức tính cần cù, chịu khó trong lao động sản xuất, phê phán thói lười biếng, khuyên răn con người cần biết chăm chỉ làm việc để có cuộc sống ấm no, tốt đẹp.
Người Sán Dìu hát Soọng cô vào những dịp Tết đến xuân về, tổ chức cưới hỏi, mừng vào nhà mới hay những lúc nông nhàn, người Sán Dìu đều mượn tiếng hát Soọng cô để gửi gắm lòng mình.
Dù hát trong hoàn cảnh, không gian nào, các bài Soọng cô đều truyền tải nội dung tốt đẹp, thể hiện tình yêu quê hương, đất nước, con người, ca ngợi vẻ đẹp thiên nhiên, tình nghĩa giữa người với người, ước mơ về một tương lai tươi đẹp, hạnh phúc, lên án cái xấu, cái ác.
Môi trường diễn xướng của hát Soọng cô khá tự do. Người hát có thể hát giao duyên bên bờ suối, hát Soọng cô trong lao động, hát đối đáp trong nhà, hát trong đám cưới, hát nhân dịp Tết đến, Xuân về.
Đặc biệt, người Sán Dìu còn có hát ru con với những làn điệu mượt mà, sâu lắng, thể hiện tình cảm và ước vọng của ông bà, cha mẹ đối với con trẻ của mình.
Trải qua thăng trầm của thời gian, hát Soọng cô vẫn giữ nguyên được nét độc đáo và đậm bản sắc dân tộc của người Sán Dìu. Với lối hát và âm nhạc đơn giản, dễ thực hành nên nghệ thuật hát Soọng cô luôn tồn tại, hiện hữu trong đời sống, được cộng đồng người Sán Dìu ở Đồng Hỷ lưu giữ và trở thành di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu, đặc sắc.
Năm 2015, với những nét văn hóa độc đáo, nghệ thuật hát Soọng cô của đồng bào dân tộc Sán Dìu ở Đồng Hỷ đã được Bộ VHTTDL công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây là niềm vinh dự không chỉ của đồng bào Sán Dìu, mà còn là niềm tự hào của cộng đồng các dân tộc tỉnh Thái Nguyên.
Cũng như các di sản văn hóa truyền thống của nhiều dân tộc khác, loại hình nghệ thuật hát Soọng cô đang đứng trước nhiều thách thức biến đổi, mất dần đi trong bối cảnh hội nhập văn hóa, cần được bảo tồn và phát huy giá trị trong cộng đồng.
Trước thực trạng đó, Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam đã phối hợp với UBND huyện Đồng Hỷ tổ chức chương trình hỗ trợ nghiên cứu, phục hồi bảo tồn, phát huy nghệ thuật hát Soọng Cô cho 43 học viên, trong đó, người cao tuổi nhất là 80 tuổi và 17 học viên từ 11-16 tuổi là dân tộc Sán Dìu đang sinh sống tại xã Nam Hòa, huyện Đồng Hỷ.
Hoạt động được tổ chức nhằm triển khai hiệu quả Dự án 6 về “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” trên địa bàn Thái Nguyên, hướng tới mục tiêu đưa các giá trị văn hóa truyền thống gắn liền với cuộc sống đương đại.
Dịp này, Bảo tàng Văn hoá các dân tộc Việt Nam còn nghiên cứu, chụp ảnh, ghi hình, dựng phim tư liệu về nghệ thuật hát Soọng Cô của dân tộc Sán Dìu tại xã Nam Hòa để phục vụ cho việc tuyên truyền, quảng bá di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc Sán Dìu tại Bảo tàng Văn hoá các dân tộc Việt Nam.
Đồng thời, trao tặng, hỗ trợ 30 bộ trang phục truyền thống dân tộc Sán Dìu để phục vụ cho hoạt động trình diễn, giao lưu văn hóa, góp phần bảo tồn, phát huy và lan tỏa các giá trị di sản văn hóa phi vật thể dân tộc Sán Dìu, từng bước xây dựng thành sản phẩm du lịch hấp dẫn du khách khi đến trải nghiệm tại Đồng Hỷ.
Đây chính là hoạt động hiệu quả của Bảo tàng Văn hoá các dân tộc Việt Nam, UBND huyện Đồng Hỷ góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng, phát huy vai trò chủ thể văn hóa của các nghệ nhân trong việc phổ biến trao truyền cho thế hệ trẻ di sản văn hóa tốt đẹp của cha ông.
Qua đó, nêu cao tinh thần trách nhiệm bảo vệ di sản văn hóa dân tộc, góp phần làm phong phú và đa dạng kho tàng văn hóa dân tộc Sán Dìu nói riêng, các dân tộc Việt Nam nói chung.