Bản sắc văn hóa

Để di sản đưa du lịch phát triển

Ngọc Diễm 02/12/2023 - 09:19

Chiều 1/12, tại Hà Nội, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam tổ chức khai mạc Chương trình giới thiệu, trưng bày di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO công nhận gắn với phát triển du lịch vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Đây là hoạt động nhằm triển khai nhiệm vụ thuộc Dự án 6 Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2023; và hưởng ứng Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam (23/11).

m.png
Thông qua chương trình, Ban tổ chức mong muốn tăng cường thu hút khách du lịch đến tham quan và trải nghiệm

Phát biểu khai mạc chương trình, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Nguyễn Lê Phúc cho biết: Du lịch văn hóa được xác định là một trong những dòng sản phẩm chủ đạo trong Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 và là một thành phần quan trọng trong Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

"Trong 3 năm 2019, 2020, 2022, Việt Nam đã vinh dự được Tổ chức Giải thưởng Du lịch thế giới (World Travel Awards) trao tặng danh hiệu “Điểm đến Di sản hàng đầu thế giới”, cho thấy những giá trị nổi bật toàn cầu và sức hấp dẫn của di sản văn hóa Việt Nam đối với cộng đồng quốc tế", ông Nguyễn Lê Phúc nhấn mạnh.

Chương trình giới thiệu, trưng bày di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO công nhận gắn với phát triển du lịch vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là một hoạt động có ý nghĩa thiết thực nhằm đẩy mạnh quảng bá các giá trị độc đáo của di sản để phát triển du lịch.

Theo ông Hoàng Quốc Hòa, Giám đốc Trung tâm thông tin du lịch (Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam), để tổ chức chương trình, Ban tổ chức đã có sự phối hợp chặt chẽ với các địa phương, đơn vị liên quan, nhất là các chuyên gia, nghệ nhân đến từ các lĩnh vực văn hóa, di sản, giáo dục, du lịch… với mong muốn truyền tải một cách tốt nhất những giá trị nổi bật của các di sản văn hóa phi vật thể.

Theo đó, tại chương trình, các đại biểu và công chúng đã được nghe giới thiệu, thưởng thức các tiết mục trình diễn và khám phá không gian trưng bày hai di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại được UNESCO công nhận là Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên và Nghệ thuật Xòe Thái, tìm hiểu việc các di sản này đã được cộng đồng thực hành ra sao ở địa phương thông qua chia sẻ của các nghệ nhân thực hành di sản.

Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Quang Thanh (Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam) nhận định: Để di sản mang lại những lợi ích về kinh tế, văn hóa và nâng cao nhận thức của cộng đồng về di sản thì không có cách nào khác phải có những hình thức quảng bá như này, vừa là quảng bá cho cộng đồng nội tại, vừa là quảng bá cho các đối tượng du khách khác nhau đến từ các vùng miền trong nước và nước ngoài. Đây là hình thức góp phần vào phát triển công nghiệp văn hóa Việt Nam theo đúng chiến lược đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Trong chương trình, Trung tâm Thông tin du lịch đã cho ra mắt các video clip quảng bá về di sản Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên và Nghệ thuật Xòe Thái, với mong muốn góp phần đưa di sản đến gần hơn với du khách trong và ngoài nước.

captureb.png
Giới thiệu không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên và Nghệ thuật Xòe Thái tại chương trình

Video clip có độ dài 30 giây mang đến cho du khách hình ảnh về miền Tây Bắc huyền thoại, với những thửa ruộng bậc thang chín vàng đang ôm ấp núi rừng trùng điệp, bao bọc lấy những bản làng trù phú của đồng bào nơi đây. Đặc biệt, trong không gian hùng vĩ thơ mộng, nổi bật lên là Nghệ thuật Xòe Thái - tinh hoa văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc Thái. Năm 2021, Nghệ thuật Xòe Thái được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể Đại diện Nhân loại - là niềm tự hào và là dịp quảng bá văn hóa Việt ra cộng đồng quốc tế.

Sau khi trải nghiệm vùng Tây Bắc huyền bí, du khách sẽ đến với Tây Nguyên - mảnh đất đại ngàn chan hòa nắng gió được biết đến là xứ sở của không gian văn hóa cồng chiêng đậm đà bản sắc. Cồng chiêng gắn bó mật thiết với đời sống của đồng bào các dân tộc Ê Đê, Gia Rai, Ba Na, Xơ Đăng, Rơ Mâm, Mạ… là một phần không thể thiếu trong suốt các nghi lễ vòng đời mỗi con người và trong các sự kiện quan trọng của cộng đồng bản địa. Với những giá trị nổi bật và đáp ứng các tiêu chí, ngày 25/11/2005, Không gian Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên đã được UNESCO công nhận là Kiệt tác truyền khẩu và Di sản văn hóa phi vật thể Đại diện Nhân loại.

(0) Bình luận
Nổi bật
Thủ tướng: Trẻ em là hạnh phúc của mỗi gia đình, là tương lai của đất nước
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ đầu tư cho trẻ em là đầu tư cho tương lai đất nước; làm tốt công tác này là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, gia đình, nhà trường, toàn xã hội.
Tin mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO