Văn hóa

Đặc sắc Sán Dìu

Vân Phạm 03/12/2023 19:58

Tuy chỉ hơn 183.000 người, song dân tộc Sán Dìu đã và đang có nhiều đóng góp cho công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và cũng tạo nên rất nhiều màu sắc trong bức tranh đa sắc màu của các dân tộc Việt Nam.

“Đất lành chim đậu”

Sán Dìu (hoặc San Déo Nhín, Sơn Dao Nhân) là một dân tộc trong số 54 dân tộc tại Việt Nam, sinh sống trên địa bàn miền trung du của một số tỉnh miền Bắc Việt Nam như Vĩnh Phúc, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Bắc Giang, Quảng Ninh.

Theo gia phả của một số dòng họ và lời kể của các cụ cao tuổi người Sán Dìu thì dân tộc này di cư từ Trung Quốc vào Việt Nam vào cuối thời nhà Minh, đầu thời nhà Thanh. Tức là vào khoảng giữa thế kỷ thứ XVII. Con đường di cư của họ qua Hoàng Chúc, Cao Sơn, tới Hà Cối, Tiên Yên, rồi sang Đầm Hà, vào Móng Cái, xuống Hoành Bồ, Mạo Khê, Uông Bí, Đông Triều, rồi từ đây lại chia thành hai đường di cư tiếp. Một nhóm nhỏ đi theo đường vào Chí Linh, còn đại bộ phận, vượt núi Yên Tử vào Lục Ngạn, Lục Nam, Lạng Giang, Yên Thế (Bắc Giang), từ đó di chuyển sang Vĩnh Phúc, ngược lên Thái Nguyên, Tuyên Quang.

Trong tác phẩm Kiến văn tiểu lục, nhà bác học Lê Quý Đôn (1723-1782) cũng có nhắc tới tộc người Sơn Man, có thể hiểu Sơn Man là Sơn Dao tức là Sán Dìu: “Người Sán Dìu xưa vốn ở vùng Lĩnh Bắc, thuộc Bách Việt, di cư về Lĩnh Nam (Việt Nam ngày nay) và định cư hơn 300 năm nay...”.

anh-bai-doc-dao-san-diu-1.jpg
Ẩm thực của người Sán Dìu hết sức độc đáo và đặc sắc

Do chung sống lâu ngày cùng với các dân tộc khác, người Sán Dìu không tránh khỏi việc thay đổi nhiều thói quen trong đời sống hàng ngày cũng như trồng trọt và canh tác. Nhưng về cơ bản dân tộc này vẫn giữ được nhiều phong tục hết sức riêng biệt, nhất là xây dựng nhà ở và các sinh hoạt văn hóa.

Do thói quen cư trú trên một dải bán sơn địa rộng lớn có rừng, có núi đồi, thế nên cuộc sống của đồng bào Sán Dìu xưa kia thường phụ thuộc vào việc thai thác lâm thổ sản, săn bắn, lấy măng, lấy củi, hái các loại quả, nấm và các loại cây thuốc dược liệu quý... Ngày nay, đồng bào đã biết tăng gia sản xuất và biết làm nhiều loại ruộng như: Ruộng cao (cao thén) trồng lúa nương, ngô, sắn...; Ruộng đất pha cát (láy pha sa) trồng khoai lang, lạc, khoai sọ, củ từ...; Ruộng thấp (láy thén) cấy lúa nước, và các loại hoa màu; Ruộng nương (láy xé) trồng lúa nương, ngô, kê, sắn và mía...; Ruộng lầy thụt (sim phang thén) thì trồng cấy rau màus…

Xưa kia, người Sán Dìu kia thường ở nhà vách đất, tường trình đất hoặc đóng gạch đất rồi tự xây bằng vữa đất dẻo. Mái thường lợp cỏ tranh hoặc lợp lá mía. Những người thợ Sán Dìu rất giỏi trong việc tết các phên cỏ tranh hoặc phên lá mía lại thành từng mảng để lợp nhà, đảm bảo được độ bền chắc và không bị dột khi trời mưa.

Trong khuôn viên đất ở, người ta thường bài trí nhà ở và các công trình phụ trợ theo hình chữ U. Nhà ở chính nằm ở đáy chữ U còn gọi là “nhà trên”, quy mô từ 3 đến 5 gian, hai bên hồi nhà thường có hai trái nhà làm vẩy ra để chứa các phương tiện vận chuyển, phương tiện đi lại và là nơi xay lúa, giã gạo; bên tay phải là dãy nhà bếp, nhà để nông sản, nông cụ gọi là “nhà ngang”, bên tay trái thường là khu chuồng trại nuôi gia súc, gia cầm và công trình phụ.

Ngày nay, kinh tế xã hội phát triển, nhà ở của người Sán Dìu đã thay đổi về chất liệu xây dựng và kiểu dáng. Nhà gạch xây theo kiểu hiện đại thay thế cho nhà tranh, vách đất truyền thống. Nhiều hộ đã có nhà cao tầng, nhà mái bằng kiên cố như nhà của người Kinh.

Văn hoá, tín ngưỡng phong phú và đa dạng

Đồng bào Sán Dìu là một trong những dân tộc có những sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng hết sức phong phú và đa dạng. Với thế giới quan đầy sinh động, dân tộc này tin theo thuyết “vạn vật hữu linh”, tam giáo đồng nguyên (Nho - Phật - Đạo)... Đồng bào quan niệm rằng: Con người có hai phần đó là linh hồn và thể xác. Thể xác là cái tạm thời, khi chết thể xác mất đi, chỉ có linh hồn tồn tại vĩnh cửu. Do vậy, tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên được đồng bào coi trọng hàng đầu.

Ngoài thờ cúng tổ tiên ra, người Sán Dìu còn thờ thần cửa, thổ công, vua bếp. Đây là những vị thần bảo hộ, không cho các ma quỷ vào trong nhà, phù trợ cho các thành viên trong gia đình được mạnh khoẻ. Những gia đình có con nhỏ hay người trong thời kỳ sinh nở đều có bàn thờ mụ (Pha công, pha mủ).

Đặc biệt, đồng bào Sán Dìu có khái niệm “cúi” (ma). Khái niệm này dùng để chỉ chung các thần, thánh, tổ tiên và ma quỷ, nhưng cũng có sự phân biệt rõ ma lành (hén cúi) là thần thánh, Phật, tổ tiên... và ma dữ (thoọc cúi) là cô hồn, người chết không nơi thờ phụng.

anh-bai-doc-dao-san-diu-2.jpg
Một buổi hát Soọng cô của người Sán Dìu ở Tam Đảo, Vĩnh Phúc

Những người làm thầy cúng thờ Phật Quán Thế Âm, thờ Tam Thanh và thờ tổ sư. Bàn thờ Phật và bàn thờ Tam Thanh được đặt một nơi riêng nhưng phải cao hơn bàn thờ tổ tiên, còn bàn thờ tổ sư được đặt ngang hàng với bàn thờ tổ tiên.

Ở người Sán Dìu có sự dung hợp của Tam giáo (Phật giáo, Khổng giáo, Đạo giáo). Đồng bào tin vào thuyết luân hồi, thuyết nhân - quả, thuyết định mệnh... của giáo lý nhà Phật. Những người làm thầy cúng theo phái Mật tông, sử dụng những phép thuật huyền bí để cúng bái, làm phép, chữa bệnh...

Các ngày lễ tết được người Sán Dìu phân bố theo thời gian trong năm. Do vậy, hầu như tháng nào đồng bào cũng có tết như: Tết Nguyên Đán (Sin nén chẹt phoi); Tết Thanh minh (Sênh mếnh chẹt phoi); Tết mùng 5 tháng 5 (Lống són chẹt phoi); Tết rằm tháng 7 (Mộc nén ka chẹt); Tết cơm mới (Sệch sin phan); Tết Đông chí (Đông chi chẹt phoi); Tết Tất niên (Khiu nén chẹt phoi).

Lễ hội lớn nhất của dân tộc này là lễ hội Đại phan (Thai phan). Đây là hệ thống các nghi lễ như: Lễ dựng vương đàn, ngũ nhạc lầu, lễ nhập phướn, lễ chém thảo chiều, ngũ đại thiên vương chạy đàn, lễ leo gươm, lễ cấp sắc, lễ giải oan hồn, hát soọng cô... Lễ hội được tổ chức từ 5 đến 7 ngày với sự hiện diện của các vị thầy cúng cao tay cùng sự tham gia của hàng nghìn người dân. Ngoài lễ Đại phan còn có nhiều lễ hội khác như: lễ thượng điền, lễ hạ điền, các lễ ở đình làng, hội xuân...

Nỗ lực bảo tồn

Trước sự giao thoa văn hóa trong đời sống hiện đại, nhiều loại hình văn hóa mới du nhập, các nét văn hóa truyền thống của dân tộc Sán Dìu ít nhiều việc bị ảnh hưởng. Song dân tộc này vẫn giữ được nhiều sinh hoạt văn hóa độc đáo và đặc sắc, nhất là các làn điệu dân ca, dân vũ. Trong đó phải kể đến hát soọng cô. Đây là thể loại dân ca trữ tình, thường hát theo lối đối đáp, giao duyên, giữa nam và nữ.

Theo truyền thuyết “truyện quả bầu” nói về nguồn gốc dân tộc Sán Dìu, kể rằng thuở xa xưa trời đất còn gần nhau, có một làng quê đông đúc trù phú soi bóng xuống dòng sông thơ mộng. Bỗng một hôm ông trời nổi giận, cho nước sông dâng cao làm chết muôn loài. Trong làng có hai chị em họ nhanh chân chui vào quả bầu khô, nổi lên theo dòng nước nên sống sót.

Khi nước rút, vì trong vùng không còn ai, họ bèn lấy nhau, sinh nhiều con cháu làm cho người Sán Dìu hồi sinh trở lại. Tuy làng đông người nhưng toàn con cháu cùng huyết thống, không thể lấy nhau được nên phải sang làng khác tìm hiểu. Để bạn tình ở làng bên rung động họ dùng tiếng hát để diễn tả lòng mình. Hát Soọng cô ra đời từ đó và tồn tại đến ngày nay.

anh-bai-doc-dao-san-diu-3.jpg
Người Sán Dìu ở Tam Đảo, Vĩnh Phúc đón nhận Bằng chứng nhận Soọng cô là Di sản văn hóa phi vật thể

Soọng cô phát âm theo tiếng Hán nghĩa là xướng ca, tiếng Sán Dìu nghĩa là ca hát, được lưu truyền từ đời này sang đời khác, trở thành một nhu cầu tinh thần không thể thiếu được trong đời sống sinh hoạt, lao động sản xuất của đồng bào.

Giống như làn điệu sli của người Nùng và sình ca của người Cao Lan, soọng cô là một thể loại dân ca trữ tình với lời hát đối đáp nam nữ. Mỗi bài ca là một bài thơ được viết theo thể thất ngôn tứ tuyệt, ghi chép bằng chữ Hán và lưu truyền trong dân gian. Làn điệu soọng cô bắt nguồn từ cuộc sống bình dị, chất phác, nói lên tâm tư, tình cảm, ước vọng của người dân lao động.

Soọng cô có hai dạng thức: Hát giao duyên gắn với đời sống sinh hoạt, lao động sản xuất (hị soon soọng cô), hát đối đáp trong lễ hội, lễ cưới (sênh ca chíu cô). Ở dạng thức thứ nhất, nội dung hát vừa để tìm hiểu, có khi để trổ tài: Nếu hát trong nhà thì phải hát theo trình tự, còn khi hát ở ngoài trời có thể ứng tác, lời ca phù hợp với hoàn cảnh cụ thể.

Ở dạng thức thứ hai phải hát theo các bài bản giai điệu bắt buộc. Dù ở dạng thức nào cũng đòi hỏi người hát phải hiểu biết, phải nhanh trí, thông minh, tài ứng khẩu, giỏi đặt lời mới cho các bài ca.

Nội dung của làn điệu Soọng cô rất phong phú, thể hiện sự đa dạng và độc đáo trong văn nghệ dân gian của người Sán Dìu. Tùy từng hoàn cảnh cụ thể mà Soọng Cô đã truyền tải những thông điệp văn hóa đến cho mọi người. Lời hát càng phong phú, sinh động hơn khi hát ứng tác trong đời sống sinh hoạt, lao động, sản xuất…

Nguồn cảm hứng cho những làn điệu ấy chính là những hoạt động của cuộc sống đời thường. Mặc cho thăng trầm thời gian, những lời ca bình dị ấy luôn được ngân lên như có một sức sống mãnh liệt, và lắng đọng cùng thời gian.

Nhằm bảo tồn và phát huy những sinh hoạt văn hóa đặc sắc của dân tộc Sán Dìu, cuối năm 2018, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã công nhận hát soọng cô của người Sán Dìu ở các huyện Lập Thạch, Tam Đảo, Bình Xuyên và thành phố Phúc Yên (Vĩnh Phúc) là Di sản văn hóa phi vật thể nằm trong Danh mục Quốc gia. Đây là niềm vui và cũng là niềm tự hào của người Sán Dìu ở Vĩnh Phúc nói riêng và người Sán Dìu trên cả nước nói chung.

(0) Bình luận
Nổi bật
Thủ tướng: Trẻ em là hạnh phúc của mỗi gia đình, là tương lai của đất nước
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ đầu tư cho trẻ em là đầu tư cho tương lai đất nước; làm tốt công tác này là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, gia đình, nhà trường, toàn xã hội.
Tin mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO