Trong những năm gần đây, tình hình tội phạm nói chung, tội phạm mua bán người nói riêng ở Lai Châu diễn biến hết sức phức tạp với phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, gây ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh, trật tự. Trước thực tế ấy, các lực lượng chức năng của tỉnh đã và đang cố gắng nhằm ngăn chặn loại tội phạm này.
Tội phạm ngày càng tinh vi, xảo quyệt
Là tỉnh miền núi Tây Bắc, với địa bàn rộng, nhiều dân tộc thiểu số sinh sống, thế nên tình hình hoạt động của tội phạm mua bán người ở Lai Châu hết sức phức tạp. Các đối tượng thông qua quan hệ dân tộc, thân tộc để làm quen, tạo lòng tin với phụ nữ, trẻ em để xuất cảnh trái phép, lừa bán ra nước ngoài.
Lợi dụng sự nhẹ dạ, cả tin, hoàn cảnh gia đình khó khăn, không có việc làm, quá lứa lỡ thì của chị em phụ nữ hoặc những cô gái trẻ thích ăn chơi hưởng thụ nhưng lười lao động, một số đối tượng xấu đã lợi dụng để tiếp cận làm quen, dụ dỗ, lừa gạt bán qua biên giới nhằm trục lợi.
Tội phạm buôn người ở đây thường hình thành đường dây khép kín. Liên lạc với nhau qua điện thoại di động, mạng xã hội như zalo, facebook để tránh sự kiểm soát của các lực lượng chức năng. Khi lừa nạn nhân, chúng dặn dò về lý do qua biên giới để thăm thân, mua sắm hàng hóa, làm thuê gây khó khăn cho công tác điều tra, xác minh, truy bắt tội phạm cũng như tìm kiếm, giải cứu nạn nhân.
Điều đáng nói là loại tội phạm mua bán người hoạt động trên phạm vi rất rộng, đối tượng liên quan đến từ nhiều tỉnh. Phương thức, thủ đoạn của chúng hết sức tinh vi, xảo quyệt. Nếu như trước đây, tội phạm thường trực tiếp di chuyển vào từng bản làng để tìm hiểu, hành động thì thời gian gần đây chúng lợi dụng các mối quan hệ để cấu kết, móc nối với nhau tạo thành đường dây khép kín. Mỗi đối tượng phụ trách một công đoạn nhất định và chỉ liên lạc với nhau qua mạng điện thoại di động. Chúng sử dụng sim điện thoại khuyến mại, sau mỗi vụ án vứt bỏ sim cũ để tránh sự kiểm tra, phát hiện của các lực lượng chức năng.
Trước khi đưa nạn nhân qua biên giới, chúng dặn dò cẩn thận và thống nhất về lý do qua biên giới để thăm thân, mua sắm hàng hóa, làm thuê… hòng che mắt của cơ quan chức năng. Và, khi nạn nhân rơi vào “bẫy” thì được chúng đặt tên giả, địa chỉ giả, bắt nạn nhân giao dịch bằng tên, địa chỉ giả đó. Đồng thời, quản lý chặt chẽ về tiền bạc, điện thoại… gây khó khăn rất lớn cho công tác điều tra, xác minh, truy bắt tội phạm cũng như tìm kiếm, giải cứu nạn nhân.
Về nguyên nhân khiến tình trạng mua bán người trên tuyến biên giới tỉnh Lai Châu thời gian qua có chiều hướng gia tăng và diễn biến phức tạp là do Lai Châu có tuyến biên giới dài (hơn 265 km) với nhiều đường mòn, lối tắt qua lại hai bên biên giới. Nhân dân sống ở khu vực biên giới trình độ dân trí, sự hiểu biết về chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước còn hạn chế, phong tục tập quán còn lạc hậu. Trong khi đó, tình trạng công dân ở hai bên biên giới kết hôn bất hợp pháp vẫn còn xảy ra khá phổ biến.
Tuyên truyền nâng cao cảnh giác cho nhân dân
Trước tình hình đó, chính quyền và các lực lượng chức năng tỉnh Lai Châu đã triển khai nhiều biện pháp, tích cực đấu tranh, phòng chống tội phạm về mua bán người. Đặc biệt là tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao cảnh giác.
Hàng năm, Công an tỉnh Lai Châu đã tham mưu cho UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm tỉnh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể tăng cường thực hiện các biện pháp, công tác phòng, chống tội phạm mua bán người và tổ chức có hiệu quả các hoạt động tuyên truyền, hưởng ứng Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người.
Lực lượng Công an đã tích cực phối hợp với ban, ngành chức năng tăng cường công tác truyền về phòng, chống mua bán người. Chỉ tính riêng Phòng Cảnh sát hình sự - Công an tỉnh Lai Châu trong 6 tháng đầu năm 2023 đã tổ chức 296 buổi tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho 74.000 lượt người. Đối tượng tuyên truyền chủ yếu là phụ nữ, trẻ em, học sinh, sinh viên.
Nội dung tuyên truyền cũng được triển khai với nhiều hình thức phong phú, đa dạng như tuyên truyền miệng, chiếu phim, ảnh, biểu diễn văn nghệ… Trong đó, tập trung vào các địa bàn trọng điểm là các xã vùng sâu, vùng xa, xã biên giới, khu vực cửa khẩu, đường tiểu ngạch..., và đối tượng chủ yếu là phụ nữ, trẻ em. Nội dung tuyên truyền tập trung vào các thủ đoạn, hình thức tội phạm...
Lực lượng công an cũng thường xuyên rà soát, đánh giá tình hình, qua đó xác định các tuyến địa bàn trọng điểm để tập trung đấu tranh. Chủ động làm tốt công tác điều tra cơ bản, nắm tình hình; trên cơ sở đó, phân tích tính chất, phương thức thủ đoạn hoạt động của tội phạm, tuyến, địa bàn, cụm dân cư thường xảy ra và các nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm đề xuất đối sách và phương án đấu tranh cụ thể.
Cùng với công tác tuyên truyền, các đơn vị công an cũng đã làm tốt công tác dân vận, dựa vào dân để khai thác, mở rộng nguồn tin phá án, bắt giữ tội phạm. Từ nguồn tin của quần chúng nhân dân cung cấp, lực lượng công an điều tra, khám phá nhiều vụ án mua bán người đã xảy ra và ngăn ngừa kịp thời nhiều vụ mua bán người qua biên giới. Nhờ làm tốt các mặt công tác đó tình hình tội phạm mua bán người trên địa bàn tỉnh Lai Châu đã thuyên giảm theo từng năm.
Bên cạnh việc đẩy mạnh tuyên truyền, với tinh thần kiên quyết tấn công, trấn áp tội phạm, thời gian qua Công an tỉnh Lai Châu còn lập nhiều chuyên án, mở các đợt cao nhằm vào loại tội phạm mua bán người.
Đồng thời, lực lượng Công an còn phối hợp với Viện Kiểm soát, Tòa án trong công tác tiếp nhận, xử lý tin báo, tố giác về tội phạm, đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án hình sự các vụ mua bán người; lựa chọn các vụ án điển hình để tập trung điều tra, truy tố và đưa ra xét xử điểm nhằm phát động mạnh mẽ phong trào quần chúng nhân dân phát hiện, tố giác tội phạm và răn đe phòng ngừa tội phạm.
Tích cực đấu tranh
Cùng với lực lượng công an, những năm qua, Bộ đội Biên phòng (BĐBP) Lai Châu đã tích cực đấu tranh, phòng chống tội phạm về mua bán người. Từ năm 2015 đến đầu năm 2022, BĐBP Lai Châu đã tiếp nhận 20 tin báo tố giác tội phạm mua bán người; trực tiếp phát hiện, xử lý 17 vụ, 18 đối tượng với 38 nạn nhân; giải cứu 5 người và 4 người được trao trả…
Quá trình đấu tranh với tội phạm mua bán người cho thấy, nạn nhân thuộc nhóm có nguy cơ cao như thiếu hiểu biết về pháp luật, xã hội và kỹ năng sống, nhẹ dạ, cả tin; gặp khó khăn về kinh tế, cần tìm kiếm việc làm...
Nắm được tâm lý đó, đối tượng thông qua mạng xã hội để giao lưu, kết bạn rồi tìm hiểu, giả vờ yêu đương, giúp đỡ, tạo dựng lòng tin và dụ dỗ bằng tiền. Lực lượng BĐBP đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền các cấp, ngành chức năng, các già làng, trưởng bản, người có uy tín ở cơ sở thông qua các buổi họp dân ở khu dân cư, các buổi sinh hoạt, hội họp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho nhân dân, chú trọng vào địa bàn biên giới, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.
Song song với việc đấu tranh, BĐBP Lai Châu cũng đã chú trọng đổi mới nâng cao chất lượng, nội dung, hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho đồng bào các dân tộc khu vực biên giới, giúp bà con hiểu và nhận thức được về phương thức, thủ đoạn của tội phạm để chủ động phòng ngừa.
Đồng thời, phối hợp với các cơ quan, đơn vị đẩy mạnh tuyên truyền thông qua các hội nghị, tập huấn, truyền thông, hội thi, sinh hoạt nhóm, sinh hoạt câu lạc bộ... Thực tiễn cho thấy, nhiều trường hợp nhờ công tác tuyên truyền mà nạn nhân biết tự cứu mình.
Từ năm 2012-2022, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã tổ chức hơn 3.994 buổi tuyên truyền với hơn 155.903 lượt người tham dự. Xây dựng 201 tin, bài, phóng sự. Tổ chức 23 buổi tọa đàm tại các địa bàn trọng điểm về mua bán người. Qua đó, góp phần nâng cao ý thức, nhận thức phòng ngừa cho quần chúng nhân dân, chủ động phát hiện, tố giác và tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người ở cơ sở.
Theo nhận định của các lực lượng chức năng, thời gian tới tình hình hoạt động của tội phạm mua bán người trên tuyến biên giới Lai Châu sẽ tiếp tục gia tăng cả về phạm vi, tính chất, số vụ, số đối tượng vi phạm và số nạn nhân bị lừa bán. Nạn nhân chủ yếu là phụ nữ, trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn. Do đó, cần có sự vào cuộc nhiều hơn nữa của chính quyền địa phương, các cấp các ngành. Đặc biệt, là tinh thần cảnh giác của mỗi người dân để không bị kẻ xấu lợi dụng hoặc rơi vào vòng cám dỗ.