Bình Phước là tỉnh biên giới, có ba huyện, 15 xã tiếp giáp với nước bạn Campuchia, 58 xã, phường, thị trấn thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi; trong đó, có 46 thôn đặc biệt khó khăn. Sự quan tâm của cả hệ thống chính trị và sự góp phần quan trọng của đội ngũ người có uy tín, già làng tiêu biểu… đã góp phần xây dựng khu vực có đông đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới của Bình Phước ngày càng giàu mạnh.
Trong nhiều năm qua, tỉnh Bình Phước ưu tiên nhiều nguồn lực đầu tư phát triển vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số. Riêng trong giai đoạn 2016-2022, tỉnh đã có năm xã và 38 thôn hoàn thành Chương trình 135 (thoát vùng đặc biệt khó khăn); giải quyết việc làm cho 2.283.843 lao động. Công tác xóa nghèo cũng được tỉnh đặc biệt chú trọng, từ năm 2016 đến năm 2022 đã có 6.884 hộ dân tộc thiểu số thoát nghèo. Đóng góp vào quá trình xây dựng và phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có vai trò quan trọng của các già làng, người có uy tín trong cộng đồng.
Ông Điểu Nen, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Bình Phước cho biết: Các điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã phát huy có hiệu quả vai trò của mình, luôn gương mẫu về lối sống, làm nhiều việc tốt, được nhân dân tin tưởng và làm theo; là cầu nối giữa cấp ủy, chính quyền địa phương với nhân dân; đồng thời, tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; xóa bỏ các phong tục, tập quán lạc hậu, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; bảo vệ an ninh trật tự trên địa bàn. Họ luôn là tấm gương về đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau và nhất là góp phần củng cố lòng tin của đồng bào các dân tộc đối với Đảng, Nhà nước và bộ máy chính quyền.
Điển hình về công tác này phải kể đến bà Thị Mương, là người có uy tín ở xã Thanh An, huyện Hớn Quản. Bà tích cực vận động, đoàn kết, tập hợp chị em trong vùng, tranh thủ thời gian nông nhàn cùng nhau khơi dậy và phát triển nghề dệt thổ cẩm của đồng bào XTiêng. Bà Thị Mương cho biết: Để nghề dệt thổ cẩm-nét đẹp văn hóa của người XTiêng phát huy giá trị, ngoài việc truyền lại cho thế hệ sau, cần phải quảng bá đến đông đảo nhân dân. Để làm được điều này, thời gian qua, tôi đã đưa thổ cẩm của XTiêng tham gia các hội thi, giao lưu văn hóa để quảng bá và giới thiệu tìm kiếm thị trường tiêu thụ.
Đồng Nai là một xã vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc của huyện Bù Đăng với gần 70% là đồng bào dân tộc, trình độ dân trí không đồng đều. Trên địa bàn xã hiện có 16 dân tộc đang sinh sống, trong đó ba dân tộc tại chỗ là: XTiêng, Mơ Nông và Châu Mạ. Trước đây để đi vào xã Đồng Nai chỉ duy nhất một con đường đất, nhiều dốc cao nguy hiểm cho người qua lại. Đây cũng là một xã biệt lập với nhiều hủ tục, đói nghèo. Những năm gần đây, tỉnh Bình Phước đã ưu tiên nguồn lực đầu tư tuyến đường thảm nhựa hàng trăm tỷ đồng vào xã Đồng Nai giúp người dân di chuyển ra trung tâm huyện thuận lợi hơn.
Các chính sách hỗ trợ của Đảng và Nhà nước cho người đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn xã với nhiều hình thức, như: Tiếp cận các nguồn vốn vay, hỗ trợ đào tạo nghề, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; tập huấn, đào tạo quy trình chăm sóc áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến đạt hiệu quả kinh tế cao.
Với vai trò là già làng, người có uy tín trong cộng đồng, ông Điểu Dũng đã tích cực, chủ động trong công tác tuyên truyền vận động đồng bào dân tộc thiểu số bài trừ các hủ tục; đồng thời, bảo tồn, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc mình. Cùng với đó, ông đi đầu trong phát triển kinh tế hộ gia đình để lan truyền đến người thân, người dân, nhất là các thế hệ trẻ tích cực làm kinh tế gia đình nhằm góp phần đáng kể vào sự phát triển kinh tế-xã hội, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.
Ông Điểu Dũng cho biết: Hiện nay, các vị già làng, người có uy tín trên địa bàn xã Đồng Nai tích cực vận động nhân dân thực hiện tốt năm nội dung của cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”. Đây là mục tiêu lớn để giúp cho cộng đồng dân cư có đời sống ấm no, hạnh phúc; tham gia xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, bảo vệ môi trường, cảnh quan nơi mình sống; gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc bền vững, loại bỏ dần những phong tục, tập quán lạc hậu, bài trừ mê tín dị đoan, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang.
Bên cạnh đó, đội ngũ trí thức người dân tộc thiểu số với 1.500 người đã góp phần quan trọng ở hầu hết ở các cơ quan của đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân, các doanh nghiệp. Đây là lực lượng đã cống hiến trí tuệ của mình vào quá trình phát triển của tỉnh, góp phần phát triển kinh tế-xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, góp phần làm cho đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh từng bước được nâng lên.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Trần Tuyết Minh cho biết: Để Bình Phước ngày càng phát triển, đời sống vật chất, tinh thần của người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng nâng cao, chúng tôi chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tiếp tục quán triệt sâu sắc quan điểm, chủ trương của Đảng đối với công tác dân tộc; chủ động xây dựng kế hoạch, đề ra giải pháp, thực hiện hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; tiếp tục nhân rộng các điển hình tiên tiến, phát huy hiệu quả vai trò của già làng, người có uy tín, cán bộ cốt cán, nhân sĩ, trí thức, doanh nhân, người sản xuất, kinh doanh giỏi và thế hệ trẻ đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.