Trong bất kỳ một trận chiến nào, vấn đề đảm bảo giao thông vận tải luôn được đặt lên hàng đầu và là yếu tố góp phần làm nên chiến thắng. Đặc biệt đối với một chiến dịch lớn như Chiến dịch Điện Biên Phủ, một chiến dịch có ý nghĩa quyết định chiến lược thì vấn đề tổ chức mở đường, bảo vệ hệ thống đường để hành quân và vận chuyển các loại vật chất hậu cần, phương tiện phục vụ cho chiến dịch trở nên vô cùng cấp thiết.
Công tác vận tải chiến dịch là khâu trung tâm của công tác hậu cần Chiến dịch Điện Biên Phủ. Trong suốt cả thời gian chiến dịch, công tác vận tải không lúc nào giảm bớt căng thẳng vì phải đảm nhận những nhiệm vụ với những khó khăn to lớn lúc đầu tưởng chừng như không vượt qua được.
Bộ Chính trị Trung ương Đảng ta đã thông qua phương châm “đánh chắc, tiến chắc” và khẩu hiệu “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng” đã được quán triệt trong toàn quân, toàn dân. Công tác vận tải từ hậu phương xa xôi và cả từ những vùng địch tạm chiếm ở Khu III lên đến Điện Biên Phủ, đã diễn ra như một mặt trận thực sự, với tính chiến đấu quyết liệt.
Để có được Chiến thắng Điện Biên Phủ, Đảng và nhân dân ta đã đưa ra mặt trận những người con ưu tú nhất. Ngoài việc bổ sung binh sĩ cho các đơn vị chiến đấu, còn huy động trên 26 vạn dân công, đi từng đợt dài ngắn khác nhau, nhưng đã lên tới hàng chục triệu ngày công và cả một khối lượng tài sản lớn: 30.000 tấn vật chất, 21.000 xe đạp thồ, 628 xe ô tô, 2.600 thuyền các loại và hơn 1 vạn con ngựa thồ.
Tất cả lực lượng lao động đông đảo và khối lượng vật chất cực lớn này được đưa lên từ khắp các nẻo đường đất nước ở Khu III, Khu IV, vào đường 6, ở Việt Bắc đến, vào đường 13 nhưng cuối cùng cũng đều dồn vào con đường độc đạo, có đoạn mới làm, có đoạn mới sửa lại luôn bị máy bay địch tập trung đánh phá ngày đêm trên đoạn từ Cò Nòi lên Điện Biên Phủ dài 210 km. Đòi hỏi một nghệ thuật tổ chức và chỉ huy tài giỏi, sao cho người đông mà không rối, phương tiện nhiều mà không ùn tắc, để hàng ngày một lượng gạo và thực phẩm được chuyển đều đều tới các chiến sĩ, một lượng vũ khí nhất định đủ để bóp nát “con nhím” khổng lồ với gần hai chục ngàn tên xâm lược, trang bị vũ khí hiện đại.
Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, từ hậu phương xa xôi lên mặt trận, kể cả tuyến vận chuyển của các tỉnh, huyện và tuyến của Hội đồng Cung cấp mặt trận Trung ương cũng đã sử dụng 16.200 xe thồ, hơn 150 thuyền và 180 xe ô tô trên các trục đường ra phía trước.
Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, lần đầu tiên ở Sơn La một tuyến vận tải cơ giới gần 100 km được bảo vệ bằng một tiểu đoàn pháo cao xạ 37mm cơ động, phục kích đón lõng máy bay địch, cũng đã bắn rơi được một số chiếc, trong đó có 1 chiếc B57 rơi tại chỗ, làm cho toàn tuyến, nhất là các đồng chí lái xe rất phấn khởi, yên tâm, nhất là những buổi cần tranh thủ đi sớm, lúc trời còn nắng và về muộn, khi sương đã tan dần. Mọi hoạt động của các binh chủng đều được chỉ đạo phục vụ xoay quanh công tác vận tải, sao cho các đơn vị ô tô có thời gian lăn bánh có ích, được tận dụng dài nhất trong một ngày đêm.
Cơ quan tham mưu vận tải của tuyến đã phấn đấu theo sát bánh xe lăn để chỉ huy các lực lượng, đảm bảo cho từng người lái và từng chiếc xe đưa càng nhanh, nhiều hàng ra phía trước. Công tác tổ chức chỉ huy vận tải thực chất là tổ chức chỉ huy chiến đấu hiệp đồng các binh chủng bảo đảm cho vận tải cơ giới hoàn thành nhiệm vụ vận chuyển là nhiệm vụ trung tâm của tuyến vận tải.
Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, các cơ quan tham mưu các binh trạm và tuyến vận tải đã phấn đấu trở thành cơ quan 4 giỏi: Giỏi phát hiện, giỏi đề xuất, giỏi tổ chức, hiệp đồng và giỏi chỉ huy điều độ thực hiện. Rồi trên cơ sở thực hiện kế hoạch lại phát hiện ra các ưu điểm và khuyết điểm, đề xuất cách giải quyết và tổ chức tiếp việc hiệp đồng và thực hiện.
Cơ quan tham mưu vận tải, hệ thống các trạm chỉ huy vận tải trên mặt đường và bàn đạp xuất phát tấn công được nối bằng mạng thông tin điện thoại vững chắc là những tổ chức cơ bản được củng cố, đi đôi với việc xây dựng các đại đội xe mạnh, gọn, nhẹ, đó là những kinh nghiệm về tổ chức vận tải của Chiến dịch Điện Biên Phủ.
Công tác vận tải trong Chiến dịch Điện Biên Phủ có một thành công lớn và cũng là thắng lợi đầu tiên so với các chiến dịch trước, đó là việc vận chuyển thương binh trên tuyến đường dài bằng cơ giới. Trong hoàn cảnh tác chiến ở vùng rừng núi, xa hậu phương, lại không có những cơ sở dân y tại chỗ. Tổng cục Cung cấp tiền phương đã đề ra phương châm: “Vừa đánh vừa chuyển thương binh, chuyển liên tục, chuyển thường xuyên, kết hợp chuyển thương binh và điều trị dọc đường”.
Muốn chuyển được thường xuyên phải tranh thủ kết hợp vận chuyển bằng ô tô theo phương châm: “Khi lên tải gạo, khi về chuyền thương”, vì không có đủ xe hồng thập tự chuyên dụng; và cũng vì thế khẩu hiệu an toàn phải đặt lên hàng đầu.
Có thể nói, Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954, là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam, để làm nên trang sử vĩ đại đó phải kể đến sự đóng góp vô cùng quan trọng của lực lượng giao thông vận tải. Họ đã vượt qua muôn vàn gian khổ, hy sinh để phá núi, bắc cầu, vượt đèo qua suối, đắp đường... giữ vững mạch máu giao thông cho chiến dịch. Hàng ngàn km đường giao thông đã được mở, hàng chục vạn tấn vũ khí, lương thực đã được vận chuyển kịp thời phục vụ mặt trận. Đây là sức mạnh to lớn, là những chiến công kỳ diệu bắt nguồn từ đường lối “giao thông vận tải nhân dân” của Đảng và lòng yêu nước nồng nàn của hàng triệu con người trên mặt trận giao thông vận tải.