Lễ hội Mừng cơm mới của dân tộc Bru-Vân Kiều ở xã Ngân Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình vừa được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia.
Thông tin này khiến người Bru - Vân Kiều rất vui mừng. Người Bru - Vân Kiều sống trên địa bàn tỉnh Quảng Bình nói chung, xã Ngân Thủy nói riêng coi thần lúa là vị thần quan trọng nhất. Vì vậy, đồng bào rất coi trọng các lễ cúng mùa vụ, như lễ trỉa lúa, lễ mừng cơm mới…
Lễ hội mừng cơm mới được bà con Bru - Vân Kiều trên dãy Trường Sơn tổ chức vào khoảng tháng 10 âm lịch hàng năm. Đây là nghi lễ được tiến hành khi vụ mùa kết thúc để bước vào một vụ mùa mới. Người dân cúng tạ ơn các thần linh phù hộ có một vụ mùa tốt, đồng thời cầu xin thần lúa, và các vị thần sông, thần núi cho họ mùa tới tốt hơn.
Tại buổi lễ, đồng bào tham gia thực hiện các nghi lễ, các trò chơi dân gian và thực hành, trao truyền các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Lễ hội vừa có giá trị về lịch sử và văn hóa tộc người, vừa góp phần thu hút các nhà nghiên cứu, khách du lịch đến trải nghiệm đời sống văn hóa cộng đồng của người dân địa phương. Lễ hội hiện còn lưu giữ những nghi lễ liên quan tới vòng đời cây lúa, là nghi thức tâm linh để tạ ơn trời đất, thần linh đã ban cho đồng bào mưa thuận, gió hòa.
Việc bảo tồn và phát triển lễ hội mừng cơm mới của đồng bào dân tộc Bru - Vân Kiều ở Quảng Bình cũng giúp người dân nơi đây phát triển du lịch với mô hình du lịch văn hóa cộng đồng. Lấy giá trị văn hóa cốt yếu của bà con Bru - Vân Kiều làm trọng tâm để kết nối với các điểm du lịch khác trên địa bàn tỉnh. Qua đó vừa gìn giữ nét văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc; đồng thời góp phần nâng cao đời sống của bà con ở nơi đại ngàn Trường Sơn.
Ngay sau đó, tỉnh Quảng Bình đã triển khai nhiều giải pháp để bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn. Bảo tồn và phát triển lễ hội mừng cơm mới của dân tộc Bru - Vân Kiều gắn với việc phát triển du lịch sẽ góp phần nâng cao đời sống kinh tế - văn hóa của đồng bào dân tộc sống trên dãy Trường Sơn, góp phần thực hiện tốt chủ trương của Đảng và Nhà nước đề ra trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.
Tiến sỹ Sử học Nguyễn Khắc Thái, chuyên gia nghiên cứu lịch sử - văn hóa con người cho rằng, lễ hội vừa có giá trị về lịch sử và văn hoá tộc người, vừa góp phần thu hút các nhà nghiên cứu, khách du lịch đến trải nghiệm đời sống văn hoá cộng đồng của người dân địa phương: “Ở đó đã bảo tồn những giá trị văn hóa và lịch sử lâu dài và bền vững, trao truyền qua nhiều thế hệ. Cho nên đồng bào nơi đây cho chúng ta nhìn thấy bức tranh về quá khứ của con người Việt Nam. Vì thế, các nhà khoa học trên thế giới hay đến đây để nghiên cứu về lịch sử Việt Nam thông qua cộng đồng các dân tộc, về phương diện văn hóa, lịch sử, ngôn ngữ và phương diện tổ chức cộng đồng”.
Xây dựng các sản phẩm du lịch liên quan lễ hội Mừng cơm mới là cách làm hay giúp di sản văn hóa phi vật thể này tiếp tục bám rễ và sống bền bỉ trong đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào. Hình thức chủ yếu là phát triển du lịch lễ hội nằm trong mô hình du lịch văn hóa cộng đồng. Cách làm này vừa gìn giữ nét văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc, vừa góp phần nâng cao đời sống của bà con ở nơi đại ngàn Trường Sơn.
Hiện tỉnh Quảng Bình có 2 di sản văn hóa phi vật thể được tổ chức UNESCO đưa vào danh mục các di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại là: Hát ca trù của người Việt và Nghệ thuật bài chòi Trung bộ Việt Nam. Tỉnh cũng có 10 di sản được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Tỉnh đang phục dựng một số lễ hội tiêu biểu, lễ hội truyền thống, từ đó nhân rộng, khuyến khích các địa phương bảo lưu giá trị văn hóa cổ truyền. Các di sản văn hóa phi vật thể tại tỉnh Quảng Bình đều mang sắc thái độc đáo, thể hiện bản sắc đặc trưng riêng của các địa phương. Đây chính là tiềm năng để phát triển văn hóa, đưa văn hóa trở thành nguồn lực quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Việc khai thác, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể quốc gia trở thành sản phẩm du lịch sẽ là nguồn lực giúp nâng cao đời sống đồng bào miền núi Quảng Bình.