'Quê hương đã sinh ra em, giờ là lúc em quay trở về cống hiến cho quê hương' đã giúp em thêm quyết tâm', Hòa nhớ lại.
“Em sinh ra và lớn lên ở mảnh đất còn nhiều gian khó nên thấu hiểu những nỗi nhọc nhằn của bà con dân tộc.
Cùng với sự hiểu biết về sản xuất kinh doanh nông nghiệp, sạch, hiện đại sau nhiều năm sinh sống tại Thủ đô, em quyết định thành lập hợp tác xã (HTX) để khởi nghiệp, giúp nền nông nghiệp quê hương phát triển, mang lại cuộc sống ấm no hơn cho bà con”.
Đó là chia sẻ của chị Lưu Thị Hòa, Giám đốc HTX Nông lâm nghiệp và Dịch vụ thương mại tổng hợp Po Mỷ (Đồng Văn, Hà Giang) chia sẻ.
Bỏ phố về rừng
Hòa có bố là người dân tộc Cờ Lao, mẹ là người Pu Péo. Từ nhỏ, bố mẹ đã định hướng cho em theo con đường học tập. Vì thế, tốt nghiệp trung học phổ thông, Hòa thi vào khoa Quốc tế học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn.
Ra trường, Hòa đã có 2 năm làm cho các tập đoàn trong và ngoài nước ở vị trí marketing. Tuy nhiên, tình yêu với nông nghiệp, sự thấu hiểu khó khăn của đồng bào dân tộc ở quê hương đã khiến Hòa quyết định từ bỏ môi trường làm việc hiện đại, chọn cho mình con đường đi riêng.
“Năm 2017, em quyết định về quê lập nghiệp. Khi ấy, em mệt mỏi với những bon chen, xô bồ nơi phố thị, thèm cảm giác sống hòa mình với thiên nhiên, hít hà không khí trong lành và trở về với những nét văn hóa truyền thống vùng cao.
Rồi những chuyến giải cứu nông sản từ quê xuống Hà Nội đã khiến em nhận ra một Hà Giang rất nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế nhưng người dân còn chưa biết khai thác, sản xuất nông nghiệp còn manh mún.
Thêm vào đó, một câu nói của anh cán bộ huyện Đồng Văn với em: “Quê hương đã sinh ra em, giờ là lúc em quay trở về cống hiến cho quê hương” đã giúp em thêm quyết tâm”, Hòa nhớ lại.
Nghĩ nhanh, làm gọn, chỉ hơn một tháng sau, vào tháng 10/2017, HTX Nông lâm nghiệp và Dịch vụ thương mại tổng hợp Po Mỷ ra đời với 8 thành viên, đều là người Mông. Po Mỷ theo tiếng địa phương là “viên ngọc” - viên ngọc sáng trên cao nguyên đá Đồng Văn.
Hòa mong muốn Po Mỷ sẽ trở thành doanh nghiệp tiêu biểu vì cộng đồng và sẽ giúp đỡ thật nhiều cho bà con dân tộc tại địa phương. Thế nhưng để biến ý tưởng thành thực tế, Hòa đã phải trải qua rất nhiều khó khăn.
Trong đó, việc đầu tiên cô gái trẻ phải làm là thuyết phục gia đình đồng ý với quyết định của cô.
Bên cạnh đó, dù điều kiện tự nhiên khí hậu, thổ nhưỡng của mảnh đất Đồng Văn thích hợp cho rau củ quả… phát triển, được nhiều du khách ưa dùng nhưng sản xuất nông nghiệp của bà con lại manh mún, nhỏ lẻ, sản xuất thủ công không theo quy trình cũng là hạn chế lớn.
Tạo chuỗi cung ứng
Ở nơi địa đầu Tổ quốc, khó khăn vất vả nhất chính là việc đi lại vì địa bàn xa xôi cách trở. Địa hình với đa số là đường núi, có những vùng nguyên liệu cách đường cái đến 40-50km đã gây nhiều trở ngại cho Hòa trong việc vận chuyển và quản lý chất lượng hàng hóa.
Người dân tộc lại có tâm lý ngại thay đổi và khó thuyết phục nên khi làm việc Hòa gặp vô vàn khó khăn.
Để thuyết phục được họ thì phải cho họ thấy được thành quả và cô lăn xả vào làm cùng với họ như những người trong gia đình. Có một may mắn, cha mẹ cô cũng là những người có uy tín; chính quyền ủng hộ nên dần dần Hòa tạo được lòng tin với người dân địa phương và họ đã đồng ý hợp tác với cô.
Sản phẩm đầu tiên của Po Mỷ là mật ong bạc hà và cho tới giờ vẫn là sản phẩm chủ lực của HTX. Có rất nhiều lý do, theo Hòa, mật ong bạc hà là món quà tinh túy, mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe con người mà thiên nhiên tặng riêng cho người dân Hà Giang.
Sản xuất mật ong bạc hà là nghề truyền thống, gắn với văn hóa bản địa Hà Giang, góp phần tạo kế sinh nhai cho người dân. Nhưng điều khiến Po Mỷ chọn mật ong bạc hà là vì muốn đưa đến tay người tiêu dùng loại mật ong bạc hà gốc, chất lượng khi mà khắp nơi tràn ngập hàng giả. Tuy nhiên, kinh doanh chưa bao giờ dễ dàng.
Ngoài mật ong bạc hà, những sản phẩm khác với Hòa đều là bài toán khó, bởi như cô tự nhận là “chưa có nhiều kiến thức về nông nghiệp nhưng lại lao vào sản xuất, xây dựng hệ thống trồng rau an toàn… để rồi chỉ thấy toàn rau hỏng”.
Trong 5 tháng đầu tiên, HTX bị thua lỗ, vốn cạn kiệt. Hòa tạm thời chuyển từ sản xuất sang bao tiêu sản phẩm, chỉ nhập sản phẩm của bà con về bán và dành nhiều thời gian để dự các cuộc hội thảo, hội chợ triển lãm khắp các tỉnh, thành trên cả nước để học hỏi kinh nghiệm.
Trở về, Hòa kêu gọi các thanh niên người dân tộc thiểu số trên địa bàn cùng liên kết sản xuất, tạo ra những sản phẩm chất lượng, đồng thời giải quyết vấn đề đầu ra ổn định. Đến nay, Po Mỷ đã có 5 sản phẩm, gồm: Mật ong bạc hà, quả lê, rượu vang lê, sâm khoai, phở sâm.
Tri thức bản địa, văn hóa bản địa được Hòa tỉ mỉ đưa vào sản phẩm, từ bao bì bên ngoài đến nguyên liệu và cách làm đều dựa vào công thức truyền thống của người dân tộc thiểu số địa phương.
Hòa đi nhiều nơi, tìm nhiều kênh phân phối sản phẩm, đến các hội chợ triển lãm, kết nối tiêu thụ nông sản, mở các nhóm bán hàng trên mạng xã hội, kênh trực tuyến. Sau 5 năm, sản phẩm của Po Mỷ đã có mặt ở nhiều địa phương từ bắc vào nam.
Mô hình du lịch gắn với tài nguyên bản địa
Từ việc chiều lòng du khách muốn đi mua mật ong và ngắm cảnh đẹp, gặp gỡ người địa phương, học được tri thức bản địa độc đáo, Hòa đã phác họa Po Mỷ trong tương lai với dự án kinh doanh farmstay - du lịch nông nghiệp gắn với tài nguyên bản địa.
Dự án tập trung triển khai vùng trồng rau an toàn và cây ngắn ngày tại xã Phố Là, Sủng Là. Bước đầu là liên kết, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, khắc phục những khó khăn trong quá trình canh tác và kết nối sản phẩm đặc sản đến với thị trường rộng lớn hơn.
Giai đoạn thứ hai, dự án tập trung vào khai thác yếu tố văn hóa, du lịch từ nền tảng thế mạnh du lịch địa phương kết hợp nông trại đã xây dựng giai đoạn 1, tiến hành hoàn thiện cơ sở vật chất, liên kết đồng bào dân tộc thiểu số trong khu vực tham gia vào mô hình du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp.
Theo Hòa, dự án được thực hiện thành công sẽ mang lại nhiều lợi ích cho cộng đồng về các mặt: Kinh tế, văn hóa, xã hội. Cụ thể, dự án sẽ tạo việc làm cho các thành viên và nhiều lao động; thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng bền vững, góp phần làm tăng trưởng nền kinh tế của địa phương;
Bên cạnh đó, góp phần hạn chế hiện tượng người dân bỏ nhà sang Trung Quốc làm thuê, tạo ra mô hình kiểu mẫu làm động lực cho thanh niên địa phương mạnh dạn vay vốn khởi nghiệp từ chính nguồn tài nguyên quê hương...
Ngoài ra, các sản phẩm của HTX còn góp phần phủ xanh đất trống, tạo diện mạo mới cho phố thị, bảo vệ môi trường và sức khỏe người tiêu dùng.
“Du lịch đang là thế mạnh của Hà Giang. Một mô hình du lịch mới sẽ là yếu tố thu hút du khách nhiều hơn. Để hoàn thành dự án, mình sẽ phải nỗ lực rất nhiều nhưng mình tin nó sẽ góp phần làm cho đời sống đồng bào dân tộc thêm ấm no”, Hòa cho biết.
Hiện Po Mỷ có 8 lao động thường xuyên và 20-50 lao động thời vụ. Thu nhập bình quân của người lao động là 4,5 triệu đồng/tháng, doanh thu hàng năm của Po Mỷ đạt khoảng 2 tỷ đồng.
Đến với Đồng Văn hẳn nhiều người biết đến mảnh đất mà đồng bào dân tộc thiểu số “sống trên đá, chết vùi trong đá”, đất đai để sản xuất nông nghiệp rất hạn chế, cần phải được sử dụng một cách hiệu quả.
Những bước đi táo bạo của cô gái Cờ Lao đã và đang truyền cảm hứng cho nhiều thanh niên dân tộc thiểu số ở Đồng Văn, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số rất ít người trên con đường khởi nghiệp, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.