Văn hóa

Chợ phiên Ngàm Pốc - Nơi hội tụ sắc màu vùng cao

Trần Hằng 15/03/2024 - 06:37

Họp đều đặn vào chủ nhật hằng tuần, chợ phiên Ngàm Pốc, xã Yên Thắng (Lang Chánh, Thanh Hoá) luôn đông đúc, tấp nập. Đồng bào tới chợ không chỉ mua bán, trao đổi hàng hóa mà còn gặp gỡ, hẹn hò, giao lưu, sinh hoạt văn hóa cộng đồng, góp phần gìn giữ văn hóa truyền thống của các dân tộc nơi vùng cao xứ Thanh.

Khoảng 6 đến 7 giờ sáng, từ các triền núi của bản Xắng Hằng, xã Yên Khương; bản Vần, bản Tráng, bản Ngàm xã Yên Thắng (Lang Chánh) người dân đã nhộn nhịp kéo về. Đặc biệt, đồng bào bản Cân, bản Cang huyện Sầm Tớ, tỉnh Hủa Phăn nước bạn Lào cũng đã có mặt để tham dự phiên chợ. Đến đây, chị Lò Thị Nhường, bản Tráng chỉ mang theo chục quả trứng gà và vài mớ rau rừng, nhưng với chị: "Cứ họp chợ, có vài bó rau, hay quả trứng, con gà... là mang đến chợ để bán. Đến đây ngoài việc mua bán, tôi còn được gặp gỡ mấy bà bạn để thăm hỏi sức khỏe... Chợ còn có cả người Lào, có cả khách du lịch nữa nên đông vui lắm".

177d4101649t30758l0.jpg
Đồng bào đến mua bán, trao đổi tại chợ phiên Ngàm Pốc.

Còn bà Vi Thị Ngót, bản Vần, gùi hàng mang đến buổi chợ phiên đều là những sản phẩm được thu hái trên nương, trong vườn nhà và có cả vài chục cái kiềng, sản phẩm gia truyền của gia đình... Phiên chợ Ngàm Pốc không chỉ là nơi mua bán mà còn là không gian giao lưu thấm đẫm bản sắc văn hóa địa phương.

Nét độc đáo ở phiên chợ Ngàm Pốc chính là sự đa dạng, phong phú của các mặt hàng mà đồng bào đem đến, họ gùi trên lưng những đặc sản của núi rừng, những sản vật của địa phương như: măng khô, mộc nhĩ, nấm hương, gạo nếp nương, sắn, khoai, thậm chí chỉ là vài mớ rau rừng xanh non, vài bọng mật ong còn nguyên cả tảng... Những mặt hàng thổ cẩm đặc trưng của đồng bào Thái như: váy, áo, sợi... cũng được bày bán. Tại đây, đồng bào còn bán cả những vật dụng hàng ngày như dao, cuốc, xẻng... Tất cả hàng hóa đồng bào bày bán trong phiên chợ đều được trao đổi mua bán một cách dung dị, chân chất như chính con người vùng cao. Điều đặc biệt là hầu như giá cả của các mặt hàng đều được người dân tính sẵn, nên người mua cũng khó lòng mặc cả được.

Điểm nhấn tạo nên sự độc đáo của chợ phiên Ngàm Pốc không chỉ là sản phẩm hàng hóa đặc trưng của vùng miền mà còn là nét đẹp trong trang phục truyền thống của đồng bào Thái nơi đây. Những mặt hàng thủ công do chính bàn tay khéo léo của người phụ nữ Thái làm ra như: váy Thái, màn Thái, khăn, nón, áo khóm. Đối với đồng bào Thái, vào dịp lễ tết, hội hè hay gia đình có việc lớn, việc trưng diện những bộ trang phục truyền thống là không thể thiếu. Do vậy, đến ngày chợ phiên, gian hàng quần áo luôn tấp nập người mua bán. Từ người già đến trẻ nhỏ, ai nấy đều say mê lựa chọn cho mình những bộ trang phục đẹp nhất... Với đồng bào dân tộc xã Yên Thắng, chợ phiên có từ lâu, đã gắn liền với đời sống sinh hoạt văn hóa truyền thống của họ, đặc biệt vào dịp tết, đến chợ phiên ngoài việc mua sắm các sản phẩm, đồng bào còn đến chợ để giao lưu, gặp mặt. Người cao tuổi đến chợ hỏi nhau sức khỏe, trao đổi kinh nghiệm sản xuất, cách làm ăn. Chợ không chỉ là nơi đa dạng hóa các hoạt động thương mại, nâng cao đời sống, sản xuất mà còn trở thành sản phẩm du lịch có sức hút đặc biệt đối với du khách.

Ông Hà Văn Hạnh, Chủ tịch UBND xã Yên Thắng cho biết: "Ngàm Pốc là chợ đầu tiên của huyện Lang Chánh, trước năm 1981 người ta gọi là chợ Yên Khương. Sau khi tách xã Yên Khương thành 2 xã Yên Khương và Yên Thắng (năm 1981) thì chợ lấy tên là Yên Thắng, sau đó đổi tên là chợ Ngàm Pốc (vì chợ ở tại bản Ngàm, xã Yên Thắng). Đây là chợ biên giới vùng cao của huyện Lang Chánh, nơi thông thương buôn bán của Nhân dân hai nước Việt - Lào. Qua phiên chợ, cư dân cụm bản Phôn Xay, huyện Sầm Tớ nước bạn Lào và bà con vùng biên giới Lang Chánh, mà từ nhiều đời nay vẫn là những người hàng xóm thân thiện thường xuyên qua lại giao lưu buôn bán...".

Đến với chợ phiên Ngàm Pốc, du khách không chỉ được thưởng thức các món ăn đặc sản địa phương mà còn được hòa mình vào những điệu khặp Thái tình cảm, thả lời làm quen của các đôi trai gái, trong bộ trang phục dân tộc. Đây sẽ là một trải nghiệm khó quên cho bất kỳ du khách mỗi khi dừng chân. Mỗi gian hàng trong chợ đều có một nét thú vị riêng, từ các mặt hàng truyền thống, đồ trang sức cho đến các loại gia súc, gia cầm.

"Ngày nay, đời sống đồng bào vùng cao đã được cải thiện đáng kể. Cùng với đó, các phiên chợ vùng cao cũng được quan tâm đầu tư, nhất là cơ sở hạ tầng và không gian văn hóa truyền thống, đồng bào vùng cao không buôn bán thường xuyên, không phải là những tiểu thương nên họ luôn có nhu cầu giao lưu, trao đổi văn hóa khi đến với phiên chợ. Vì vậy, không gian văn hóa chợ phiên rất cần được bảo tồn và phát triển vừa giúp đồng bào có cơ hội gặp gỡ, giao lưu, vừa giúp du khách cho nhu cầu tìm hiểu các giá trị văn hóa của địa phương. Đối với chính quyền địa phương, đã thành lập Ban Quản lý chợ Ngàm Pốc và luôn duy trì hàng hóa, nhất là các mặt hàng nông sản, đặc sản của địa phương. Đồng thời tuyên truyền để du khách thập phương đến giao lưu, buôn bán hàng hóa đối với phiên chợ vùng cao xã Yên Thắng" - ông Hạnh cho biết thêm.

Theo Báo Thanh Hóa
Copy Link
(0) Bình luận
Nổi bật
Thủ tướng: Trẻ em là hạnh phúc của mỗi gia đình, là tương lai của đất nước
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ đầu tư cho trẻ em là đầu tư cho tương lai đất nước; làm tốt công tác này là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, gia đình, nhà trường, toàn xã hội.
Tin mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO