Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận, vươn lên của người dân, công tác giảm nghèo đã đạt được những kết quả tích cực.
Thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và Chương trình phát triển sản xuất vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, huyện Phú Bình đang nỗ lực triển khai các mô hình hỗ trợ sinh kế cho người dân. Trong đó, mô hình hỗ trợ giống bò nái sinh sản và chăn nuôi gà an toàn sinh học bước đầu đã có những tín hiệu tích cực, tạo động lực cho người dân trong hành trình thoát nghèo của mình.
Theo đó, các hộ nghèo, hộ cận nghèo tham gia chương trình có nhu cầu và khả năng nuôi bò sinh sản; mỗi hộ được nhận 01 con bò cái (lai Sind), có độ tuổi từ 12 - 15 tháng với trọng lượng từ 185 -220 kg/con.
Nguồn giống do Công ty CP Giống gia súc Hà Nội cung cấp, đã được tiêm phòng vắc xin Tụ huyết trùng, Lở mồm long móng và Viêm da nổi cục. Bên cạnh đó, các hộ được hỗ trợ một phần thức ăn, thuốc thú y; được tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật và cam kết chăn nuôi bò ít nhất trong 02 năm.
Ngoài tiêu chí là hộ nghèo, cận nghèo, các hộ nhận bò phải đảm bảo các điều kiện có chuồng trại, có lao động và kinh nghiệm chăn nuôi. Tại buổi bàn giao bò, các hộ được cấp phát sổ theo dõi bò và hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc bò.
Gia đình anh Đặng Văn Dũng tại xóm Kén, xã Nga My cũng phấn khởi vì cuối tháng 1/2024 được Nhà nước hỗ trợ cho một con bò giống. Theo anh Dũng với lợi thế chuồng trại rộng, có ruộng để trồng cỏ, chăn bò phù hợp với điều kiện của gia đình, nên chi phí đầu tư chăm sóc không đáng kể. Đối với những hộ nghèo như chúng tôi được hỗ trợ nuôi bò giống như này là rất ý nghĩa, tạo cơ hội cho gia đình có thêm nguồn thu nhập, từ đó có thể thoát nghèo và phát triển kinh tế của gia đình.
Cũng theo anh Dũng, những năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương, nhiều họ nghèo không chỉ dừng lại ở việc được xây dựng một căn nhà, hỗ trợ cho một khoản tiền mà còn được hỗ trợ hướng dẫn tạo sinh kế, giúp người dân phát huy nội lực tiếp cận với những cách thức sản xuất đúng hướng để cải thiện cuộc sống. Với mô hình chăn nuôi bò nagy khi được triển khai thực hiện đã kịp thời giải quyết và đề hướng phát triển sản xuất cho những hộ dân nghèo như gia đình chúng tôi tại địa phương.
Trao đổi với phóng viên, ông Hoàng Văn Hải, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Thành cũng cho biết : Năm 2023 huyện Phú Bình triển khai dự án hỗ trợ phát triển sản xuất vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền.
Cụ thể địa phương nhận 40 con bò giống từ các dự án để hỗ trợ cho các hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn”. Được biết, người dân nhờ được tiếp thu các kỹ thuật chăm sóc tốt, đến nay những con bò giống được bàn giao cho người dân ở xã Tân Thành đều sinh trưởng, phát triển tốt. Nhiều hộ gia đình cũng nhờ đó mà tích lũy được kinh tế, cải thiện đời sống, góp phần xóa đói, giảm nghèo.
Trong quá trình nuôi chúng chính quyền địa phương đã cử cán bộ thú y theo dõi chặt chẽ đối với các hộ nuôi, tiêm phòng định kỳ và hướng dẫn kỹ thuật nuôi, cũng như cách chăm sóc trâu khi giao mùa…
Có thể thấy Chương trình Mục tiêu Quốc gia đã thực sự đi vào cuộc sống, giúp các hộ nghèo có thêm động lực để vươn lên thoát nghèo. Trong thời gian tới, để chương trình tiếp tục phát huy hiệu quả, huyện Phú Bình sẽ tập trung nguồn lực để hỗ trợ các mô hình phát triển kinh tế phù hợp với điều kiện thực tiễn của các địa phương, giúp các hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống.
Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khơi dậy ý chí tự lực vượt khó, vươn lên thoát nghèo bền vững của người dân. Chỉ đạo các tổ chức tín dụng tăng cường triển khai các chương trình cho vay giải quyết việc làm, mở rộng sản xuất để hộ nghèo có điều kiện tiếp cận các nguồn vốn đầu tư phát triển sản xuất, tránh tái nghèo.