Đó là bà Phan Thị Phương, sinh năm 1967, thôn Tài Nhì, xã Xuân Dương, huyện Lộc Bình. Bà là người tiên phong đưa những cây táo Đài Loan về trồng trên đất Xuân Dương. Sau những năm tháng cần cù chăm sóc, vườn táo đã cho thu hoạch trái ngọt, giúp gia đình bà vươn lên thoát nghèo.
Có dịp đến xã Xuân Dương vào một ngày đầu tháng 4/2024, chúng tôi gặp bà Phương khi bà đang bận rộn chăm sóc vườn táo sau thu hoạch. Bà Phương chia sẻ: Trước đây, trên mảnh đất 4 sào này, tôi chỉ trồng 2 vụ lúa, thu nhập bấp bênh. Vì vậy, tôi luôn suy nghĩ, tìm tòi các loại giống cây trồng mới có hiệu quả kinh tế hơn. Năm 2018, sau khi xuống thăm bà con họ hàng tại huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang, tình cờ thấy người dân nơi đây trồng rất nhiều táo, sai trĩu quả, thương lái đến tận vườn thu mua, tôi đã quyết định đem giống táo ở đây về trồng trên 4 sào đất lúa.
Thời gian đầu, gia đình bà gặp rất nhiều khó khăn do thiếu kinh nghiệm chăm sóc, cây táo bị các loại bệnh như: vàng lá, nhện đỏ. Không nản chí, bà tiếp tục xuống huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang học hỏi kỹ thuật chăm sóc từ những người dân ở đây và mua thuốc phòng trị bệnh.
Nhờ đó, vườn táo dần phục hồi, sinh trưởng và phát triển tốt, trung bình mỗi năm cho thu hoạch khoảng 8 tấn quả, thương lái vào tận nơi thu mua với giá trung bình 30.000 đồng/kg, mang lại thu nhập 150 triệu đồng/năm sau khi trừ chi phí, nhờ đó, đến nay, gia đình bà đã vươn lên thoát nghèo. Ngoài trồng táo, năm 2019, gia đình bà còn trồng thêm 2 ha keo, đến cuối năm nay sẽ cho khai thác, dự kiến thu về hơn 200 triệu đồng.
Nói về kinh nghiệm chăm sóc táo, bà Phương cho biết: Để cây ra hoa và sai nhiều quả, cứ đến tháng 7 âm lịch hằng năm, gia đình tôi bắt đầu khoanh gốc để thúc đẩy cây ra hoa, đặc biệt khoanh đúng ngày nào thì những năm tiếp theo phải khoanh đúng ngày đó. Sau khi thu hoạch, tôi cắt bỏ cành, dọn cỏ, xới bề mặt, rắc vôi khử chua đất, bón phân, tưới nước để cây phục hồi sau thu hoạch chuẩn bị cho vụ tiếp theo.
Bà Phương còn tích cực chia sẻ kinh nghiệm làm mô hình trồng táo cho các hộ dân trong xã, đến nay, đã có thêm 8 hộ phát triển mô hình trồng táo với diện tích trên 1,9 ha.
Bà Nông Thị Dung, Chủ tịch Hội Nông dân xã cho biết: Bà Phan Thị Phương là hội viên nông dân đầu tiên trên địa bàn xã chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ trồng lúa kém hiệu quả sang trồng táo Đài Loan. Đây là mô hình kinh tế mới nhưng phù hợp với điều kiện tự nhiên trên địa bàn xã, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Từ mô hình kinh tế của bà Phương, nhiều hộ khác đã học tập, làm theo. Tháng 12/2023, các hộ trồng táo trên địa bàn xã đã đăng ký thành lập Hợp tác xã Nông nghiệp Pò Chang để cùng phát triển mô hình trồng táo Đài Loan. Thời gian tới, chúng tôi sẽ đẩy mạnh tuyên truyền cho các hội viên nông dân trong xã tiếp tục nhân rộng diện tích, hỗ trợ hợp tác xã xây dựng hệ thống tưới, canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP, xây dựng thương hiệu để nâng cao giá trị sản phẩm.